Bộ Y tế và Viện Pasteur TP.HCM: Biến thể SARS-CoV-2 trở thành siêu lây nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân đồng thuận quan điểm biến thể SARS-CoV-2 trở thành siêu lây nhiễm, vòng lây cực ngắn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại hội nghị sáng 29/5- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại hội nghị sáng 29/5- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vòng lây nhiễm chỉ 1-2 ngày

“Việt Nam xuất hiện biến chủng nCoV mới lai tạo” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, sáng nay ngày 29/5.

Thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cung cấp sau quá trình giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy hiện nay đang có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Nhưng điều đặc biệt là trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh, với đặc thù lây lan cực nhanh, phát tán rộng và mạnh trong không khí. Vòng lây nhiễm của chủng mới, được biết cũng rất ngắn, chỉ 1-2 ngày đã có thể xuất hiện thêm vòng lây nhiễm mới.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).Chủng lai giữa hai biến chủng Ấn Độ và Anh chưa có tên.

“Tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới”, Bộ trưởng Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh Huyền Mai

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh Huyền Mai

Biến chủng siêu lây nhiễm

GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cho rằng biến thể SARS-CoV-2 đang trở thành siêu lây nhiễm, trở nên nguy hiểm hơn.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân nói: “Các virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gene, nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gene di truyền so với bộ gene ban đầu của virus, điều này được gọi là đột biến gene. Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình vi rút sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gene của vi rút có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn. Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gene của vi rút SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp”.

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gene với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia. Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, GS.TS Phan Trọng Lân - Ảnh: Khôi Nguyễn

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, GS.TS Phan Trọng Lân - Ảnh: Khôi Nguyễn

Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia.

Tại Việt Nam, đã xuất hiện cùng lúc các biến thể Anh, Ấn Độ và mới nhất, như Bộ trưởng Bộ Y tế vừa công bố, có cả biến thể lai tạo giữa Ấn Độ với Anh.

GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng: “Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) là người khoẻ, do đó việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng; nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì có tác dụng ngược, vì những người nguy cơ cao tiếp xúc thì dễ lây cho nhau”.

“Để virus SARS-CoV 2 lan rộng cần dựa vào “sự kiện siêu lây nhiễm”, không phải bắt đầu từ một người như chúng ta thường nghe giải thích, họ mang một số lượng virus đặt biệt lớn và do đó lây nhiễm cho nhiều người. Đúng hơn là siêu lây nhiễm do các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Nếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 người khách, với những hành vi nguy cơ cao trong các bữa tiệc, sự kiện như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, trong thời gian lâu... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, đó có thể là sự kiện siêu lây lan”.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM lưu ý, nếu chúng ta ngăn được các “sự kiện siêu lây nhiễm” như vậy, các “ổ dịch” khó có cơ hội bùng phát. Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu mỗi người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Đeo Khẩu trang – Khử khuẩn – Giữ Khoảng cách an toàn – Không tập trung – Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.