Việc gia hạn thời gian đưa ra quyết định cuối cùng này, theo Bộ Công thương, nhằm mục đích có thêm thời gian để cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc.
Trước đó, đại diện của 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á (đang chiếm thị phần là 25,17% tổng sản lượng sản xuất trong nước của sản phẩm bị điều tra) đã tiến hành khởi kiện sau khi xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung do doanh nghiệp khác nhập về ồ ạt.
Lý do là hiện tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ trong nước chỉ đạt 738.906 tấn nhưng sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc lại tăng vọt với tổng sản lượng dư thừa trên thị trường nội địa hiện tại là khoảng 1.204.103 tấn, nếu không kịp thời ngăn chặn tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, ngành sản xuất tôn mạ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo đại diện các doanh nghiệp tôn trong nước, thực trạng tôn Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng lên thị trường tôn thép Việt cũng như gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, việc 3 doanh nghiệp nói trên khởi kiện đã được nhiều doanh nghiệp tôn thép ủng hộ, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen.
Việc áp dụng biện pháp tự vệ nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu tràn lan từ bên ngoài vào, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thép mạ xuất khẩu của Việt Nam cũng đang bị các nước như Úc, Mỹ tiến hành điều tra vì nghi ngờ đây là sản phẩm gia công từ thép mạTrung Quốc.