Bỏ bộ chủ quản: Nước đã đến chân, không bàn lùi nữa

Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, là “không có chuyện bàn lùi”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (bên trái, trên bàn chủ toạ) phát biểu tại buổi đối thoại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (bên trái, trên bàn chủ toạ) phát biểu tại buổi đối thoại.


Nước đã đến chân


Như VnEconomy đã thông tin, sáng 27/5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đối thoại chính sách về khó khăn thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Giữa buổi đối thoại, Thứ trưởng Đông xuất hiện và cho biết, ông vừa từ cuộc họp báo chuyên đề do Văn phòng Chính phủ tổ chức về Nghị quyết 35 của Chính phủ mới ban hành về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ông nói, buổi đối thoại do CIEM tổ chức được lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng và nhất là vị Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

“Phó thủ tướng có lo ngại là CIEM tổ chức đối thoại để bàn là có triển khai hay không triển khai, tôi có khẳng định là triển khai, đối thoại để nhận diện khó khăn và thuận lợi, chứ không có chuyện bàn lùi nữa”, ông Đông nói.

Trước đó, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh nội dung được nêu tại nghị quyết Đaị hội Đảng 12 là tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước. Sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ trưởng Đông khẳng định, để đưa vào nghị quyết nội dung này thì đã qua nhiều vòng thảo luận, nên giờ không phải lúc bàn chủ trương, mà là bàn cách làm thế nào.

Thông điệp ông muốn qua đại diện các doanh nghiệp lớn của Nhà nước có mặt tại cuộc đối thoại gửi đến lãnh đạo các doanh nghiệp này, là hãy bàn thật nghiêm túc, thật sâu, thật kỹ, để góp ý vào dự thảo nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu mà ông đang là trưởng ban soạn thảo còn CIEM là cơ quan thường trực. 

“Nước đã đến chân rồi, đừng hy vọng vài tiếng nói lạc lõng của cơ quan chủ quản mà có thể thay đổi được chủ trương đó”, ông Đông thẳng thắn.

Bộ không ổn, uỷ ban cũng không xong

Liên quan đến mô hình mới của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Thứ trưởng Đông bày tỏ tán thành với quan điểm của Viện trưởng Nguyễn Đình Cung là không chủ quan, duy ý chí, nhưng cũng không nhất thiết phải đồng thuận tất cả. 

Vì, nhiều khi ý kiến thiểu số lại đúng.

Khi ông Đông chưa xuất hiện, dù đều đồng ý phải có cơ quan chuyên trách, song khá nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất tại dự thảo về mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là uỷ ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Viện trưởng Cung nói đây là cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên,  nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá cho rằng bộ cũng không ổn, vì nói đến bộ là quản lý hành chính. Mà gọi là uỷ ban cũng không xong. Vì quản lý tới hơn 5 triệu tỷ đồng thì việc bổ nhiệm  cán bộ sẽ như thế nào. 

Nếu lại điều mấy ông cục trưởng, vụ trưởng sang ngồi thì không khác đánh bùn sang ao, dồn doanh nghiệp từ các bộ ngành sang “đám quan liêu” khác. Trong khi cơ quan này rất cần các chuyên gia, các nhân sự chuyên nghiệp.

Một số ý kiến khác đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý của mô hình mới và cần có chế độ đãi ngộ để thu hút các chuyên gia giỏi về làm việc ở đấy.

Có ý kiến cho rằng có thể tính đến tái thành lập tổng cục về quản lý giám sát tài sản của Nhà nước tại doanh nghiêp ở Bộ Tài chính. Ý kiến khác lại cho rằng không nên để bộ nào dính vào thì mới tách được chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước.

Một vị đến từ Bộ Tài chính đề nghị xem lại khi đã có cơ quan chuyên trách mà vẫn còn doanh nghiệp thuộc bộ, uỷ ban nhân dân tỉnh và ngân hàng Nhà nước thì vẫn phân tán, chưa thống nhất.

Theo Thứ trưởng Đông thì cơ quan này cần thuộc Chính phủ mới đủ tầm để quản lý lượng vốn và tài sản khổng lồ của Nhà nước, đều lên đến triệu tỷ, chiếm hơn 1/3 GDP của cả nước.

“Con số tài sản gần đây nhất mà tôi nhận được bao gồm cả doanh nghiệp và và ngân hàng thương mại thì tài sản là hơn 5 triệu tỷ, gấp hai lần GDP, nợ cũng khổng lồ, lên đến 1,3 triệu tỷ”, ông Đông cho biết.

Và theo ông, toàn là triệu tỷ cả thì không phải nhỏ, vì thế tầm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xứng đáng. Nhưng, xứng đáng không có nghĩa là cứ ông nào thật to về đó là làm được, mà phải nằm ở chức năng quyền hạn của cơ quan này.

Theo TBKTVN