VietTimes – Sáng nay, ngày 23/9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khởi động nghiên cứu toàn cầu về hiệu quả lâm sàng và hữu dụng của bộ kit xét nghiệm nhanh virus Corona chủng mới.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Nghiên cứu toàn cầu về hiệu quả lâm sàng và hữu dụng của bộ kit xét nghiệm nhanh virus Corona chủng mới (test kit EPSLINE) là nghiên cứu hợp tác quốc tế với đối tác là Trung tâm Quốc gia về Y tế Toàn cầu và Thuốc (NCGM). Nguồn quỹ nghiên cứu đến từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y khoa Nhật Bản. Mục tiêu chính của nghiên cứu là xác nhận hiệu suất phát hiện của xét nghiệm kháng nguyên nhanh bằng cách so sánh với xét nghiệm RT-PCR để xác định virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu triển khai tại cả hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó cơ sở của Bệnh viện tại Giải Phóng sẽ tuyển 120 bệnh nhân âm tính và cơ sở Kim Chung tuyển 30 bệnh nhân dương tính. Thời gian tiến hành nghiên cứu bắt đầu từ hôm nay đến hết tháng 12 năm nay.
TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nghiên cứu viên chính - cho biết: “Hiện nay, xét nghiệm PCR đã được sử dụng để phát hiện gen RNA của SARS-CoV-2 và được xem là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn cho bệnh COVID-19. Còn xét nghiệm axit nucleic như RT-PCR có thể phát hiện các loại virus với độ nhạy cao. Tuy nhiên, điểm hạn chế là kĩ thuật này đòi hỏi yêu cầu thiết bị xét nghiệm chuyên dụng cùng chi phí cao”.
Vì thế, TS. Thạch khẳng định: “Xét nghiệm kháng nguyên nhanh là một giải pháp phù hợp, thực hiện dễ dàng, cho kết quả nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá hiệu quả của test kit EPSLINE so với phương pháp PCR. Thông qua kết quả nghiên cứu chúng tôi mong muốn sẽ góp phần hoàn thiện và phát triển các test kit đang lưu hành. Đây cũng là cơ hội học hỏi kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu cho các nghiên cứu viên tại Bệnh viện”.