“Đóng mở bất thường” chỉ khiến doanh nghiệp chết nhanh và nhiều hơn
Trước mốc thời điểm 15/9, thời hạn chấm dứt chỉ thị 16 tại TP.HCM theo dự kiến, không ít doanh nghiệp và người dân đã khấp khởi hi vọng khi nhiều phát ngôn của các nhà lãnh đạo ngụ ý Thành phố có thể sẽ nới lỏng giãn cách sau ngày 15/9.
Nhưng niềm hi vọng vừa nhen nhóm đã nhanh chóng bị dập tắt khi TP.HCM xin duy trì giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa.
Việc trì hoãn mở cửa trở lại TP.HCM, đầu tàu tăng trưởng đóng góp tới 20% GDP và 25% ngân sách quốc gia cho thấy một số nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn băn khoăn, chưa thể từ bỏ dứt khoát mục tiêu “kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh”.
Cho dù, với biến chủng Delta việc truy vết, bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng trở nên bất khả thi ở những địa phương có dịch bùng phát mạnh – Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Vương quốc Anh) thẳng thắn nhận xét.
Nhưng hoàn toàn có thể hiểu áp lực nặng nề trên vai các nhà lãnh đạo khi cân nhắc quyết định mở hay đóng trong bối cảnh số ca nhiễm ở Việt Nam lên tới 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%) (Số liệu cập nhật tới ngày 20/9/2021).
Dù đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách, trong đó có hai tháng phong toả nghiêm ngặt nhưng TP.HCM vẫn có hàng ngàn ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày.
“Mở cửa lại nền kinh tế, đặc biệt ở nơi tâm dịch TP.HCM, là một bước đi nhiều rủi ro”, ông Jason Yek, chuyên gia cao cấp chuyên về đánh giá rủi ro thị trường ở châu Á của Fitch Solutions nhận định.
Theo ông Jason Yek, việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm, khi việc tiêm phủ vaccine chưa đạt tốc độ tối ưu và hệ thống y tế vẫn đang quá tải, có thể dẫn tới số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao, và rốt cục buộc chính quyền phải áp đặt các lệnh hạn chế trở lại.
Việt Nam đang tăng cường tiêm phủ vaccine tại các thành phố lớn. |
Trong khi đó “đóng mở bất thường” lại là cơn ác mộng đáng sợ đối với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã kiệt quệ sau nhiều tháng đình trệ sản xuất vì giãn cách.
Như mô tả của Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, việc “mở cửa giật cục”, “mở ra rồi đóng lại” không khác gì “cú đấm bồi” vào các doanh nghiệp vốn đang “ngắc ngoải”, đẩy họ vào tình cảnh “chết nhanh và nhiều hơn”.
Tiêu chí nào để đảm bảo sống chung với dịch?
Xác định thời điểm nào đủ an toàn để mở cửa, do đó, đang là một bài toán phức tạp đối với Việt Nam.
Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế và y tế, là dù lãnh đạo Nhà nước đã xác định chuyển mục tiêu từ “zero Covid” sang “sống chung với virus” nhưng nhiều văn bản, chính sách mới vẫn thể hiện mục tiêu này.
Cụ thể, các Chỉ thị 15,16,19 và nhiều văn bản hành chính khác đều ra đời trong bối cảnh trước đây khi chưa có biến chủng Delta và khi Việt Nam theo đuổi chiến lược loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cộng đồng.
Ví dụ, tiêu chí đánh giá mức độ lây nhiễm dịch đến nay vẫn xác định nơi nào có một ca F0 hay một chuỗi ca bệnh chưa rõ nguồn lây là nơi nguy cơ cao hoặc rất cao, bất kể năng lực điều trị và độ bao phủ vaccine ở mức độ nào.
Việc này khiến các địa phương có dịch đã lan sâu trong cộng đồng như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai...phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng.
Lực lượng y tế đang phải căng mình xét nghiệm, phong toả, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu bệnh viện dã chiến TP. Thủ Đức đã nhiều tháng nay. Ảnh: GVT. |
Ngay cả khi bộ tiêu chí mới được ban hành của Bộ Y tế về kiểm soát dịch bệnh, theo đó “số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; địa bàn không ghi nhận chuỗi chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày”, theo các chuyên gia, vẫn đang phản chiếu tư duy “zero Covid” thay vì “sống chung an toàn với virus”.
Bởi nếu chiếu theo tiêu chí này, TP.HCM rất khó đạt được bất chấp thực tế Thành phố đã hoàn tất tiêm chủng mũi 1 cho 100% dân số và mũi 2 cho hơn 27% dân số từ 18 tuổi trở lên; số ca tử vong hiện chỉ bằng 50% so với ngày đạt đỉnh.
“Nhận thức và định hướng mới phải được hiện thực hoá trong việc hoạch định và thực thi chiến lược mới. Chứ nếu nói sống chung với virus mà vẫn áp chính sách cũ thì loay hoay mãi cũng không thể bước vào giai đoạn bình thường hoá cuộc sống trong điều kiện mới được”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh.
Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch thì nói thẳng trong cuộc họp về kế hoạch mở cửa của TP.HCM ngày 17/9 rằng các tiêu chí hiện nay của Bộ Y tế đang là “vòng kim cô” trói buộc TP.HCM không thể mở cửa trở lại.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney, Australia) cho rằng, ngay bây giờ, Việt Nam cần xây dựng một bộ chỉ tiêu ngắn gọn nhưng với các ngưỡng đánh giá rõ ràng, cụ thể.
Từ việc phân tích chỉ tiêu và ngưỡng áp dụng của hơn 10 quốc gia/thành phố lớn, cũng như hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Tiến sĩ Thu Anh đề xuất 5 nhóm chỉ số đánh giá mức độ an toàn để mở cửa và “sống chung với virus”.
Nhóm 1: Đánh giá mức độ lây nhiễm, gồm các chỉ số về tổng số ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong một tuần; tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm dương tính trong tổng số người được xét nghiệm trong một tuần
Nhóm 2: Chỉ số về gánh nặng y tế, gồm số ca mắc Covid-19 trung bình hoặc nặng đang điều trị trên 100.000 dân trong một tuần; số ca tử vong do Covid-19 và không do Covid-19.
Nhóm 3: Độ bao phủ của vaccine mũi 2 (với người 65 tuổi trở lên và người mắc bệnh nền trong giai đoạn thiếu hụt vaccine hiện nay và đối với toàn dân khi vaccine dồi dào).
Nhóm 4: Chỉ số phản ánh năng lực xét nghiệm đủ lớn và trả kết quả xét nghiệm nhanh; điều trị ở các cấp độ khác nhau; khả năng cung cấp oxy và thuốc điều trị sớm ở tuyến cơ sở; nguồn lực y tế.
Nhóm 5: Chỉ số đánh giá khả năng sẵn sàng để sống an toàn với virus. Với người dân, cần đánh giá xem hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày đã được điều chỉnh để tự giác thực hiện 5K chưa?
Với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đã sẵn sàng và thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn chưa? Đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với sự xuất hiện của F0 và duy trì sản xuất chưa?.
Việt Nam tăng cường xét nghiệp và phủ vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh VNE. |
“Dựa trên kết quả thực hiện các chỉ tiêu trên, việc xây dựng lộ trình mở cửa phải thận trọng để tránh tình huống tái phong toả”, Tiến sĩ Thu Anh nhấn mạnh.
Chuyên gia dịch tễ đến từ Australia cũng lưu ý nguyên tắc giảm tần suất các hoạt động kinh tế - xã hội sao cho không đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng mà chỉ giảm một tỷ lệ nhất định trên toàn chuỗi để rủi ro dịch bệnh ở ngưỡng có thể chấp nhận được.
Lộ trình mở cửa
Tại thời điểm hiện tại, với tốc độ tiêm chủng và độ bao phủ vaccine đang tăng nhanh tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội, những nơi đã hoàn tất tiêm chủng mũi 1 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và tăng tốc phủ mũi 2, theo các chuyên gia, Việt Nam đã có thể lên kịch bản mở cửa dần nền kinh tế theo từng cấp độ, tương ứng với mức độ rủi ro.
Dựa trên nguyên tắc này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị hai ma trận định hình chính sách bình thường mới.
Một là, ma trận giữa mức độ dịch bệnh và mức độ phủ vaccine theo ba cấp độ thấp, trung bình và cao.
Dựa vào đó, chúng ta sẽ tính toán và đánh giá được sự phối hợp giữa mức độ dịch bệnh và tiêm chủng vaccine đang ở trạng thái nào, từ đó có mức độ giãn cách xã hội tương ứng.
Ma trận thứ hai là sự phối hợp giữa mức độ giãn cách xã hội với mức độ ưu tiên/tầm quan trọng của từng ngành và phân ngành kinh tế.
Các ngành quan trọng “cao” là các ngành thiết yếu, điện, nước, viễn thông, lương thực thực phẩm, y tế...Các ngành quan trọng “thấp” là vũ trường, quán bar, karaoke...
Nếu cấp độ giãn cách đang nghiêm ngặt (báo động đỏ), thì ngoại trừ các ngành rất quan trọng, các ngành còn lại phải đóng cửa. Trái lại, ở trạng thái an toàn hơn thì các nhóm ngành khác được hoạt động trở lại.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: FUV. |
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright bổ sung thêm, việc mở cửa trở lại các công ty hướng ra xuất khẩu, ví dụ như các doanh nghiệp dệt may, da giày, có ý nghĩa then chốt trong việc đảm bảo Việt Nam không đánh mất vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI ngành này đã và đang dịch chuyển một số đơn hàng sản xuất sang các nước khác.
Dù mong ngóng được mở cửa trở lại và tiếp tục sản xuất hơn bao giờ hết, điều cộng đồng doanh nghiệp cần lúc này là một lộ trình và kế hoạch rõ ràng cho việc mở cửa trở lại.
Bởi mỗi một lần khởi động lại là mỗi lần nguồn lực của doanh nghiệp thêm suy cạn, tài sản quý nhất là đội ngũ nhân lực lành nghề cũng hầu như đã hao hụt hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có thể lên kịch bản mở cửa dần nền kinh tế theo từng cấp độ, tương ứng với mức độ rủi ro. Ảnh: GVT. |
Trong thư gửi Chính phủ ngày 19/9, nhóm hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc tại Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN nhấn mạnh các doanh nghiệp FDI đang cần một lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại.
“Đầu tư sẽ không tăng nếu không có một kế hoạch rõ ràng về việc mở cửa và phục hồi nền kinh tế. Ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam cũng đang tạm dừng phần lớn kế hoạch đầu tư tại thời điểm hiện tại.
Các nhà đầu tư mới tiềm năng cũng không thể tới Việt Nam nếu chưa có chính sách nhập cảnh rõ ràng”, nhóm hiệp hội cho biết.
Cho đến nay, phần lớn các nhà máy trong chuỗi cung ứng vẫn ở trạng thái ngừng hoạt động sang tuần thứ 10.
Theo các doanh nghiệp FDI, thời gian đóng cửa nhà máy hiện đã kéo dài gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần so với cá nước khác trên thế giới – kể cả các nước cũng trải qua dịch bệnh và có mức độ phát triển tương đồng.
Sự trì hoãn ra quyết định hoặc ban hành các yêu cầu quá ngặt nghèo đang khiến phương án tái khởi động của nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn, buộc các nhãn hàng và nhà sản xuất phải chọn kịch bản mở cửa kém khả quan nhất để lên kế hoạch cho chuỗi cung ứng ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI cảnh báo.
(Còn tiếp)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu