Bận “đánh Cô-vít”, nữ bác sĩ khóc nấc vì nhiều tháng chưa được ôm con vào lòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Mẹ ơi, mẹ về đi, mẹ về với con đi, bao giờ mẹ đánh con Cô-vít xong?” – lời nhắc của con gái 3 tuổi ở nhà đã khiến nữ bác sĩ Lê Thị Lan không kìm nổi nước mắt.
BS. Lê Thị Lan nghẹn ngào khi chia sẻ nỗi nhớ con trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý cắt từ clip)
BS. Lê Thị Lan nghẹn ngào khi chia sẻ nỗi nhớ con trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý cắt từ clip)

Không lúc nào nguôi nỗi nhớ con

Mặc dù luôn nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhưng BS. Lê Thị Lan – Khu điều trị C2, Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở Đồng Nai – không lúc nào nguôi nỗi nhớ con.

Chị tâm sự: “Con gái tôi năm nay tròn 3 tuổi. Từ ngày tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay đã 2 tháng tôi chưa được về nhà thăm con, chỉ được nhìn con qua màn hình điện thoại, thậm chí có những ngày tôi phải đi kiểm tra bệnh nhân vào giờ con ăn cơm, hoặc giờ hay gọi điện cho con. Đến lúc làm việc xong thì con lại ngủ, nên cả ngày hôm đó tôi không được nhìn thấy con. Con tôi ở nhà lúc nào cũng đòi mẹ, quấn mẹ. Cháu lúc nào cũng nhắc mẹ về đi, mẹ về với con đi, con nhớ mẹ lắm rồi”.

Nữ bác sĩ trẻ chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều ở miền Bắc. Trước khi đi chống dịch, tôi đã làm công tác tư tưởng với gia đình. Nếu không có ông bà chăm sóc cháu thì chồng tôi sẽ không đồng ý cho tôi đi, bởi nguy cơ lây nhiễm trong khu điều trị rất lớn. Tôi quyết định vào Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 vì các đồng nghiệp ở của tôi đều quyết tâm phòng, chống dịch; chấp nhận sống xa nhà, xa gia đình. Bản thân tôi là 1 bác sĩ khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng nên tôi mong muốn được cống hiến, góp 1 phần sức lực nhỏ bé để đầy lùi dịch bệnh”.

Mặc dù quyết định vào Đồng Nai để chống dịch của BS. Lan không được chồng ủng hộ, nhưng chị đã động viên chồng rất nhiều để anh thay chị vừa làm cha, vừa làm mẹ. “Đêm nào tôi cũng trằn trọc nhớ con, chỉ muốn nhanh hết dịch COVID-19 để có thể chạy về nhà ôm con ngay lập tức. Vì thế, mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là các bệnh nhân ở Khu điều trị C2 khỏi bệnh, để các nhân viên y tế có thể trở về nhà đoàn tụ với gia đình” - chị Lan nói.

Nỗ lực hết mình để cứu chữa cho bệnh nhân

Theo chị Lan, đồng nghiệp của chị ở ngoài Bắc đã sẵn sàng vào trong Nam, chấp nhận để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Với vai trò là 1 bác sĩ, chị Lan luôn muốn đóng góp một phần sức lực của bản thân vào công tác phòng, chống dịch bệnh. “Khi nào dịch bệnh được đẩy lùi thì cuộc sống của tôi mới trở lại như bình thường” – chị tâm sự.

Chia sẻ về công tác điều trị cho người bệnh COVID-19 tại Khu điều trị C2, BS. Lam mong muốn sau thời gian điều trị bệnh nhân khoẻ mạnh, khỏi bệnh hoàn toàn và trở về nhà. Lúc đó, chị Lan cùng các đồng nghiệp sẽ được về với gia đình nhỏ bé của mình để bù đắp tình yêu thương cho gia đình sau những tháng ngày chống dịch vất vả.

Trước khi hoàn thành nhiệm vụ, chị Lan cũng nhắn nhủ tới gia đình nhỏ của mình, đặc biệt là chồng chị - người đang đảm nhiệm 2 trọng trách vừa làm cha, vừa làm mẹ: “Cảm ơn chồng vì đã lo lắng công việc nhà, chăm sóc chu toàn cho con gái để tôi yên tâm công tác, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Gửi con gái yêu, mẹ chắc chắn sẽ bình an và sớm trở về chăm sóc con”.

Để chiến đấu chống dịch COVID-19, bàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

Các bệnh viện tuyến trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; đồng thời hướng dẫn các bệnh viện cấp quận/huyện kỹ năng điều trị để kịp thời xử trí những trường hợp chuyển nặng, giảm tối đa số ca tử vong. Đa số các trung tâm hồi sức tích cực đều được xây dựng từ số 0, nhưng với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì sinh mạng của người bệnh, chỉ sau ít ngày, các trung tâm hồi sức đều đã thực hiện được những kỹ thuật cấp cứu hiện đại, nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi. Những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

BS. Lê Thị Lan tâm sự về nỗi nhớ con khi chiến đấu chống COVID-19 ở Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Video - BYT)