Đừng tự tước bỏ cơ chế bảo vệ trong thời tiết lạnh
Thời gian cuối năm, ở rất nhiều tỉnh miền Bắc, thời tiết lạnh kỷ lục với các đợt rét đậm, rét hại nhiều năm chưa từng có đang kéo dài. TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TP.HCM – cảnh báo người thành đạt là đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao nhất trong xã hội, buộc phải đề phòng.
Lý do là bởi càng về cuối năm, áp lực công việc của người thành đạt càng tăng cao hơn người bình thường. Họp hành triền miên, xem xét lại toàn bộ báo cáo, kết quả làm việc của một năm, đánh giá thành tựu của tổ chức, cá nhân trong bộ máy, tìm phương hướng phát triển cho năm tới giữa lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành, tính toán lương thưởng dịp Tết cho nhân sự, giải quyết công nợ…
“Tất cả tạo nên áp lực quá lớn, rất dễ dẫn đến stress, tăng huyết áp, nguyên nhân trực tiếp có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt là, sau khi làm việc kéo dài nhiều giờ trong phòng ấm, rồi bước ra ngoài trong tiết trời giá lạnh. Hoặc sau giờ làm, lại tiếp tục đi nhậu, ăn mừng tất niên với bạn bè, đối tác, có thêm bia rượu trong máu. Thời điểm trời khuya, bước ra đường, gặp thời tiết lạnh, sự co giãn của mạch máu khác hẳn lúc ở trong phòng, mạch có thể co thắt đột ngột, huyết áp tăng vọt lên, là nguyên nhân chính khiến người trẻ thành đạt đối diện nguy cơ đột quỵ” – TS. BS Nguyễn Bá Thắng phân tích.
“Cần giữ ấm liên tục, phòng tránh sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Đặc biệt là những người đã có tiền sử bệnh tim hoặc tăng huyết áp càng cần chú ý hơn. Vẫn biết giao lưu, đối ngoại là cần thiết, nhưng nên giữ gìn, không nên uống nhiều rượu bia. Bởi vì khi nhậu sẽ làm nóng người lên, mạch giãn ra, rồi lúc đột ngột bước ra ngoài, gặp thời tiết lạnh sẽ co thắt đột ngột. Hai trạng thái đối nghịch nhau bất ngờ sẽ gây ảnh hưởng đến huyết áp. Đồng thời, rượu bia tác động sẽ làm giảm khả năng phản ứng của cơ thể, khó tự bảo vệ trước những tác động ngoại cảnh thay đổi bất ngờ. Ngày nay, độ tuổi của bệnh nhân đột quỵ ngày càng hạ xuống, rất nhiều ca nhập viện vì đột quỵ ở lứa tuổi chỉ từ 30-45” – BS Nguyễn Bá Thắng cảnh báo.
Thời tiết lạnh cũng tràn xuống phía Nam, nhiều vùng nhiệt độ cũng xuống đến khoảng 18 độ vào ban đêm, BS Nguyễn Bá Thắng lưu ý người dân TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam rất nên lưu ý giữ ấm khi đi ra ngoài vào các thời điểm sáng sớm và tối khuya.
Hậu quả của đột quỵ khiến chỉ có 25% bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường (Ảnh: BSCC) |
Thận trọng khi cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì
Trả lời độc giả thắc mắc về việc nhiều người đột quỵ không có biểu hiện gì trước để người thân nhận biết, BS Nguyễn Bá Thắng lưu ý: “Rất cần lưu ý 3 biểu hiện cơ bản nhất của đột quỵ đó là miệng cười sẽ bị méo đi, ngôn ngữ nói trở nên khó khăn, không diễn đạt được theo ý muốn, và một nửa thân người sẽ cử động khó khăn, tay chân yếu đi, thậm chí bệnh nhân có thể ngã xuống bất ngờ. Nếu quan sát thấy người thân có các biểu hiện trên, cần gọi cấp cứu, đưa đến bệnh viện gần nhất. Đột quỵ là não, hãy luôn nhớ rằng cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có gần 1 triệu tế bào thần kinh chết đi. Cho nên, càng đến bệnh viện sớm bao nhiêu, thì càng tốt cho điều trị đột quỵ bấy nhiêu”.
Nhiều người dân e ngại việc không dám di chuyển người đột quỵ, nên sẽ để người bệnh nằm nguyên trong tư thế ngã xuống để chờ xe cấp cứu tới.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Bá Thắng cảnh báo: “Đây là một hiểu lầm trầm trọng, cần thay đổi suy nghĩ trên. Đặc biệt là trong thời tiết lạnh, việc để cho bệnh nhân ở lâu trong những tư thế không thuận lợi, môi trường bị ngộp hoặc không đủ ấm sẽ nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Chẳng hạn có người đang ăn thì bị đột quỵ, rất cần phải cảnh giác nguy cơ bị tắc đường thở. Nên đưa người bệnh vào một tư thế nằm thoải mái nhất, quấn chăn ủ ấm hoặc mặc thêm quần áo giữ ấm cho cơ thể bệnh nhân rồi gọi cấp cứu càng sớm càng tốt”.
BS Nguyễn Bá Thắng nói về 3 biểu hiện cơ bản nhất của đột quỵ |
Cũng có ý kiến độc giả hỏi về việc nếu thấy người thân xỉu đi, có thể chưa xác định được có đúng đột quỵ hay không, trong khi chờ xe cấp cứu tới, người thân có nên cho bệnh nhân uống nước đường nóng? Uống nước đường trong trường hợp này có phải vô hại, không gây nguy hiểm gì tới bệnh nhân?
BS Nguyễn Bá Thắng trả lời: “Uống nước đường nóng chỉ có tác dụng trong trường hợp người bệnh bị mệt, và đang còn tỉnh táo, hoàn toàn chắc chắn là có thể kiểm soát được cơ chế nuốt. Hoặc nếu là bệnh nhân đột quỵ thì cũng đang còn ở giai đoạn hoàn toàn tỉnh táo, tự bản thân bệnh nhân đòi uống, thì có thể cho uống nước hoặc nước đường nóng, trường hợp này không gây nguy hiểm gì tới bệnh nhân nhưng nước đường nóng không có ý nghĩa gì đối với bệnh nhân đột quỵ”.
BS Thắng cảnh báo mạnh mẽ: “Còn trường hợp bệnh nhân đã không tỉnh táo, bắt đầu lơ mơ, chậm chạp hẳn đi thì không nên cho ăn uống bất cứ thứ gì vì có thể bị sặc, gây tắc nghẽn đường thở, ngộp thở, hoặc gây viêm phổi. Có tới 50% người bệnh đột quỵ là nuốt không tốt, nếu người thân cho ăn uống gì sẽ tăng thêm nhiều yếu tố nguy hiểm. Nên nhớ kỹ 3 biểu hiện chính của đột quỵ để nâng cao cảnh giác, đặc biệt là giữ ấm cho bệnh nhân trong thời tiết lạnh”.