Các chuyên gia đột quỵ hàng đầu nói gì về clip “cuộc thách đấu thế kỷ” của danh hài Chí Tài?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có lẽ, chưa bao giờ căn bệnh đột quỵ lại được cả xã hội quan tâm như những ngày vừa qua – sau khi danh hài Chí Tài đột ngột qua đời và được chẩn đoán là do căn bệnh đột quỵ. Đặc biệt, “cơn sốt” thực hiện biện pháp đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt 20 giây để phát hiện nguy cơ đột quỵ cũng được lan truyền rất rộng rãi trên mạng xã hội.

Danh hài Chí Tài chia sẻ trên fanpage cá nhân clip nói về thử thách "đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt" để đo nguy cơ đột quỵ (ảnh: MXH)
Danh hài Chí Tài chia sẻ trên fanpage cá nhân clip nói về thử thách "đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt" để đo nguy cơ đột quỵ (ảnh: MXH)

Ba ngày trước khi qua đời, nghệ sĩ Chí Tài đã chia sẻ trên fanpage cá nhân một clip anh thực hiện thử thách đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt để phát hiện nguy cơ đột quỵ và danh hài đã chỉ giữ thăng bằng được trong 4 giây. Vì thế, rất nhiều người tin rằng, biện pháp đó có thể giúp họ phát hiện sớm việc mình có bị đột quỵ hay không.

Tuy nhiên, không như sự tin tưởng vào biện pháp "đo" nguy cơ đột quỵ của nhiều người, các chuyên gia về đột quỵ lại lo ngại rằng, việc “truyền khẩu” cách phát hiện đột quỵ như vậy có thể nguy hiểm cho những người hiểu sai về clip trên.

Chia sẻ với VietTimes, PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, tác giả của rất nhiều cuốn sách về căn bệnh đột quỵ – cho biết: Chúng ta cần hiểu đúng về video clip đứng nhắm mắt giữ thăng bằng trong 20 giây nói trên, vì đó là một công trình nghiên cứu đã được thực hiện và công bố tại Nhật Bản, nhưng mục đích của việc đứng một chân trong vòng 20 giây là đánh giá về khả năng nhận thức, khả năng giữ thăng bằng - đánh giá gián tiếp về chức năng nhận thức của não, của các tổn thương mạch máu nhỏ trong não, chứ không đánh giá được nguy cơ đột quỵ, cũng như không phát hiện ra được bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ hay không. Clip đấy cũng chỉ là một công trình đăng trên báo, chứ chưa phải là áp dụng thường quy trong đánh giá về đột quỵ não hiện nay.

PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai

Khi được hỏi về việc danh hài Chí Tài áp dụng các bài tập thể dục leo lên tầng 18 bằng cầu thang bộ, PGS.TS. Mai Duy Tôn - vị bác sĩ Việt Nam đầu tiên được nhận học vị Thạc sĩ Đột quỵ não của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội đột quỵ thế giới năm 2018 – trao đổi: Chúng tôi khuyên người bệnh đã đột quỵ và chưa đột quỵ là tập luyện ở cường độ trung bình, ví như chúng ta đi bộ trung bình nhanh, tập Gym hay đạp xe là những vận động tốt cho cả người đã bị đột quỵ hay người chưa đột quỵ.

“Tùy theo độ tuổi mà có các bài tập thể dục cho phù hợp, mức độ trung bình, chứ không nên gắng sức và vận động ở cường độ quá cao, nhất là với người lớn tuổi. Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, tức là mỗi ngày tập vận động 30 đến 45 phút, không nên gắng sức trong một ngày rồi lại bỏ nhiều ngày sau, vì như thế sẽ không tốt cho sức khỏe” - PGS.TS. Mai Duy Tôn nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý: Trong các nguyên cớ đột quỵ thì có yếu tố liên quan đến thời tiết. Mùa lạnh dễ bị mắc cúm mùa qua đó làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Mùa lạnh bệnh nhân mắc đột quỵ tăng cao hơn các mùa khác trong năm.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện

Đồng quan điểm với PGS.TS. Mai Duy Tôn về clip “đứng một chân trong vòng 20 giây để phát hiện nguy cơ đột quỵ” mà danh hài Chí Tài đã “thách thức” với bạn nghề, TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức - cũng cho PV VietTimes biết: Với những người già trên 60 tuổi nếu có những tổn thương bệnh lý về mạch máu nhỏ, hoặc các bệnh khác như rối loạn về thăng bằng, thì sẽ không thể thực hiện được việc đứng một chân trong vòng 20 giây, mặc dù họ chưa có biểu hiện về nguy cơ đột quỵ. Biện pháp này cũng chưa chính xác nên không thể áp dụng rộng rãi được, bởi việc đứng một chân trong vòng 20 giây được hay không còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, như là cơ xương khớp, sức cơ, tiền đình, não, có thể gây ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng. Ví như một người cơ xương bị yếu thì không thể giữ thăng bằng được, hay người bị tiền đình, thiểu não cũng không thể đứng thăng bằng được, thì cũng không thể gọi là họ bị đột quỵ.

“Chưa kể, clip đó có thể còn có mục đích để PR bán thuốc, do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi tiếp nhận các biện pháp tác động đến sức khỏe bản thân” – Một chuyên gia hàng đầu về đột quỵ khuyến cáo.