Sáng hôm nay 27/12/2020, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã tổ chức toạ đàm với các chuyên gia với sự có mặt của Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, nói về bệnh đột quỵ, với cảnh báo người trẻ không nên coi thường, đã thu hút sự tham dự của rất đông người trẻ, đặc biệt là lượng lớn người theo dõi livestream toạ đàm.
Lối sống ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ đột quỵ
“Trước đây, hễ nói đến đột quỵ thì người ta chỉ nghĩ đến người già, hoặc chí ít cũng trên 60 tuổi. Nhưng ngày nay, con số điều tra cho thấy có 10-15% bệnh nhân đột quỵ thuộc lứa tuổi dưới 40 tuổi. Điều này nguy hiểm ở chỗ, thực sự thì gánh nặng đột quỵ không phải là tử vong mà là tàn phế, nhất là khi điều này xảy ra với người trẻ. Gia đình và bản thân bệnh nhân sẽ phải chịu một gánh nặng rất lớn với tình trạng tàn phế của bệnh nhân” – PGS. TS. BS. Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, Chủ nhiệm bộ môn Nội Thần kinh ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho biết.
PGS. TS. BS. Nguyễn Huy Thắng (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM) |
“Tại sao ở các nước đang phát triển, tỷ lệ bệnh đột quỵ lại tăng lên theo từng năm, bởi vì nền kinh tế tăng lên, dẫn tới mọi người đặc biệt là người trẻ, sẽ bận rộn hơn, stress nhiều hơn, đồng thời, lối sống thay đổi dẫn tới hút thuốc lá nhiều hơn, uống bia rượu nhiều hơn, ăn thịt nhiều, ăn rau xanh ít... Tất cả các yếu tố này đều dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn đột quỵ” – BS Nguyễn Huy Thắng nói.
Trả lời câu hỏi người trẻ bị đột quỵ có cơ hội sống sót và phục hồi như thế nào so với người lớn tuổi? BS Nguyễn Huy Thắng nói: “Tuổi càng trẻ, các chức năng phục hồi thần kinh càng tốt hơn so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không nguy hiểm. Vì ở người trẻ, thì nhu cầu sử dụng các chức năng thần kinh lớn hơn rất nhiều so với người lớn tuổi”.
“Ví dụ, một bệnh nhân 70 tuổi sau đột quỵ được điều trị thành công, phục hồi, có thể giao lưu một chút, hiểu được ý của người nhà, có thể tự vệ sinh, đã được coi là thành công rồi. Nhưng với bệnh nhân ở lứa tuổi trẻ, dưới 40, thì đó lại là điều không thể chấp nhận được. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy có tới 70% số bệnh nhân đột quỵ ở lứa tuổi trẻ sẽ không thể quay trở lại với công việc trước đó họ từng làm. Và như vậy, bản thân bệnh nhân và gia đình sẽ phải chung sống với một gánh nặng cả đời” – BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.
Việc tắm đêm có dẫn tới nguy cơ đột quỵ hay không? BS Huy Thắng trả lời: “Chưa có bất cứ nghiên cứu nào cho thấy tắm đêm có nguy cơ trực tiếp dẫn tới đột quỵ. Đừng dựa trên một hai người nổi tiếng tắm đêm và bị đột quỵ mà kết luận như vậy, sẽ trở thành một hiểu lầm đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu tắm đêm mà tắm nước lạnh, cộng với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp hoặc các yếu tố liên quan đến bệnh tim, thì việc tắm đêm với nước lạnh sẽ là yếu tố cộng thêm đáng lưu ý”.
“Thức quá khuya, thức cả đêm liền cũng là yếu tố cộng thêm, dễ dẫn đến đột quỵ” – BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng phân tích về bệnh đột quỵ (Ảnh: HB) |
Nên làm gì để phòng nguy cơ đột quỵ
Về câu hỏi mức huyết áp thấp có liên quan đến đột quỵ hay không? BS Nguyễn Huy Thắng giải đáp: “Thực ra, cơ thể chúng ta luôn có bộ máy tự động điều hoà, ổn áp, đảm bảo lượng máu đưa đến các cơ quan. Cho nên, khi huyết áp thấp, và quá thấp, có thể thấy chóng mặt chút xíu, nhưng đừng quá lo lắng. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Đối với phòng ngừa nguy cơ đột quỵ thì nên đưa huyết áp về mức thấp nhất mà bệnh nhân có thể chịu được”.
BS Nguyễn Huy Thắng nói: “Đột quỵ hầu hết đều có nguyên nhân, rất ít trường hợp đột quỵ không có nguyên nhân. Như các cụ nói, không có lửa thì sao có khói. Chẳng qua là chính bản thân chúng ta hoặc người nhà đã có yếu tố nguy cơ nhưng chúng ta lại coi thường, bỏ qua. Chẳng hạn như đã có tiền sử tiểu đường nhưng lại không ăn kiêng, tiền sử huyết áp nhưng vẫn thức quá khuya, tập thể dục quá sức… Cần kiểm soát nghiêm ngặt mọi yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn, nếu bị huyết áp cao thì buộc phải đặt mục tiêu đưa huyết áp về bình thường, và kiểm soát điều đó suốt đời. Bởi vì các bệnh này, chỉ có thể kiểm soát nó, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn, mà tất cả đều là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới đột quỵ”.
“Đặc biệt, thói quen hút thuốc lá ở người Việt Nam đã ăn sâu vào cộng đồng. Thậm chí, có bệnh nhân đã vào điều trị rồi vẫn không bỏ được thuốc lá. Cho nên, có thể nói, nguy cơ thì chúng ta luôn luôn biết, nhưng vấn đề là chúng ta có thật sự muốn kiểm soát yếu tố nguy cơ hay không thôi”. – BS Huy Thắng khẳng định.
Về bài tập thăng bằng nhắm mắt đứng một chân mà danh hài Chí Tài chia sẻ trước khi lâm nạn và qua đời, BS Huy Thắng cũng giải thích là thử thách cân bằng xuất phát từ một nghiên cứu ở Nhật Bản, công bố trên một tạp chí về đột quỵ ở Hoa Kỳ, kết luận về việc những người không thể đứng thăng bằng quá 20 giây tức là cho thấy người đó đã có nguy cơ tổn thương mạch máu nhỏ.
“Đừng uống những thuốc không rõ nguồn gốc như An cung và nhiều loại thuốc được quảng cáo mạnh mẽ trên mạng. Nghe chuyên gia nói thì phải tin. Giả sử người nhà thấy bệnh nhân đột quỵ, đo huyết áp thấy tăng lên đến 200, sợ quá, cho dùng thuốc hạ huyết áp bằng cách nhỏ thuốc vào dưới lưỡi cũng là một cách can thiệp dẫn tới tình trạng đột quỵ có thể nặng nề hơn. Bởi vì lúc đó huyết áp đang lên để nuôi não, việc hạ huyết áp xuống sẽ khiến não chết nhanh hơn. Cho nên, khi bệnh nhân đột quỵ, gia đình đừng làm gì cả, hãy nhấn nút gọi xe cấp cứu 115. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để BS chuyên khoa xử lý điều trị đúng” – BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.