Có những vấn đề bẩm sinh về mạch máu
Một số trường hợp cá biệt, như mới đây, bé trai 3 tuổi ngụ tại tỉnh Vĩnh Long đột ngột bị đột quỵ xuất huyết não khi đang chơi cùng bạn bè, được đưa vào cấp cứu kịp thời tại BV Nhi đồng TP.HCM. Các bác sĩ xác định nguyên nhân chính là túi phình mạch máu não - bệnh lý thường gặp và gây tử vong ở người lớn tuổi.
Với bé trai Vĩnh Long, may mắn nhờ đến BV kịp thời, và được điều trị thông tắc hoàn toàn túi phình, đặt stent chuyển dòng để tránh tình trạng xuất huyết não thêm, nên bé đã hồi phục hoàn toàn.
Trao đổi với VietTimes về sự việc, TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh về việc bắt buộc phải đưa bệnh nhân đến BV sớm nhất có thể: “Với các trẻ nhỏ như bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long, chắc là do mạch máu đã có vấn đề rồi, lúc xảy ra sự cố bé sẽ đau đầu dữ dội. Gia đình, người thân thấy các bé xỉu đột ngột cần đưa con vào BV cấp cứu ngay lập tức”.
Tuy nhiên, theo BS Thắng phân tích thì những trường hợp như bé trai 3 tuổi nói trên là khá hiếm gặp. BS Thắng chẩn đoán: “Chắc chắn bé đã có những tổn thương mạch máu, nhưng vì bé còn nhỏ quá nên gia đình cũng không thể phát hiện ra”.
Thời gian gần đây, do áp lực cuộc sống tăng cao, kể cả lứa tuổi thanh niên, sinh viên cũng bị gặp nhiều áp lực trong việc học tập, đạt được điểm số tốt nhất, thi đậu những trường tốt nhất, tìm kiếm được công việc tốt nhất trong xã hội cạnh tranh quá cao… Vì vậy, bệnh đột quỵ đã xảy ra với một số bệnh nhân ở lứa tuổi còn rất trẻ, mới chỉ đôi mươi.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: BVCC) |
BS Thắng phân tích: “Với các trường hợp thanh niên, sinh viên mà đã bị đột quỵ, chắc chắn họ đều là những người đã có vấn đề về mạch máu có bất thường, dị dạng, đến thời điểm thì sẽ vỡ ra, gây xuất huyết. Với lứa tuổi thanh niên, tôi khẳng định họ có thể bị đau đầu thường xuyên nhưng căn bệnh đau đầu không phải là biểu hiện của nguy cơ đột quỵ, và stress cũng không phải là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ với lứa tuổi trẻ. Cùng lắm, stress khiến các bạn trẻ bị mất ngủ, căng thẳng kéo dài. Riêng với lứa tuổi trẻ, hầu như sẽ chẳng có ai tự nhiên đi đến BV chụp mạch máu để mà phát hiện ra những bất thường bẩm sinh về mạch máu như dị dạng mạch máu não, phình động mạch. Hơn nữa, để chụp mạch máu cũng phải sử dụng những kỹ thuật rất cao”.
Cấp cứu đúng cho người bệnh đột quỵ
“Thân nhân người bệnh không được phép làm những động tác như cạo gió hoặc cho bệnh nhân đột quỵ uống bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa” – BS Thắng nói.
“Khi người nhà kịp thời đưa bệnh nhân đến BV, trong khoảng thời gian 4 tiếng đồng hồ đầu tiên kể từ lúc có triệu chứng đột quỵ, bác sẽ chuyên khoa sẽ thông mạch bằng tiêm thuốc cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch. Về loại thuốc này, nếu đã quá 4,5 tiếng đồng hồ đầu tiên, BS sẽ không cho chỉ định sử dụng nữa” - BS Nguyễn Bá Thắng cho biết.
“Cũng có thể dùng dụng cụ lấy huyết khối, luồn vào trong cơ thể, lấy huyết khối cho bệnh nhân trong vòng 6 tiếng đồng hồ đầu tiên. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là cấp cứu càng sớm càng tốt. Nếu BN đến được BV trong 4,5 tiếng đầu tiên thì có thể dùng cả hai cách để can thiệp nhưng nếu đã trễ quá thì chỉ còn lại cách duy nhất là dùng dụng cụ lấy huyết khối mà thôi” – BS Thắng nhấn mạnh.
Dụng cụ can thiệp được đưa bằng tuýp, theo ống dẫn (stent) đi vào trong cơ thể bệnh nhân, mở đường rất nhanh để có thể đưa máu lên nuôi não, để cứu não trước tiên. Sau khoảng 5 phút, BS sẽ rút ống dẫn ra, lấy theo cục máu đông.
Gần đây, các BS chuyên khoa đã có thể mở rộng cửa sổ thời gian điều trị lên đến 24 giờ đồng hồ. Nếu bệnh nhân rơi vào tình cảnh nhà không có người, không được phát hiện sớm, thì các BS sẽ dùng kỹ thuật cao như chụp MRI, CT để đánh giá xem phần mô não bị tổn thương còn sống hay không để đánh giá tình hình và lựa chọn giải pháp can thiệp thông mạch.
Tuy nhiên, BS Thắng cảnh báo, đối với bệnh đột quỵ, vẫn cần nhớ kỹ thời gian là não, cứ mỗi phút qua đi, sẽ có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh bị chết, nên càng đưa bệnh nhân đột quỵ đến BV sớm càng tốt.
"Nếu bệnh nhân đến được BV trong 4,5 tiếng đầu tiên thì có thể dùng cả hai cách để can thiệp nhưng nếu đã trễ quá thì chỉ còn lại cách duy nhất là dùng dụng cụ lấy huyết khối mà thôi” – BS Thắng nhấn mạnh. |
“Người đã bị đột quỵ một lần thì khả năng bị lặp lại là rất cao. Trong vòng 90 ngày, có tới 17% người bệnh bị đột quỵ trở lại, rất nên cảnh giác, đề phòng tái phát” – BS Thắng lưu ý.
90% người bị huyết áp không có biểu hiện bất thường
“Để phòng tránh đột quỵ, rất cần tìm các yếu tố nguy cơ. Nếu có, thì phải xử lý. Yếu tố nguy cơ hàng đầu là bệnh tăng huyết áp. Đừng dựa vào cảm giác của bản thân, tự cho rằng mình khoẻ, thường thì chỉ có những người yếu mệt mới nghĩ rằng mình có vấn đề về huyết áp. Nhưng thực tế là chỉ có 10% những người bị bệnh về huyết áp mới cảm thấy được vấn đề của mình, 90% còn lại là không có bất cứ biểu hiện, triệu chứng gì. Do đó, chỉ có cách đo huyết áp để biết được tình trạng của mình. Đặc biệt, gia đình đã có người bị đột quỵ thì buộc phải theo dõi chặt chẽ hơn. Nếu đo huyết áp thấy tăng lên, càng phải cẩn trọng khắc phục bệnh tăng huyết áp vì sẽ liên quan chặt chẽ đến nguy cơ đột quỵ” – BS Nguyễn Bá Thắng nhấn mạnh các cảnh báo.
Ngoài ra, BS Thắng lưu ý: “Nên khám tim xem có bị rung nhĩ hoặc các bệnh lý khác không cũng là một cách phát hiện nguy cơ. Nếu phát hiện bất cứ vấn đề bất thường nào về tim, cần điều trị ngay. Nếu có tăng mỡ máu, mắc tiểu đường, lại càng cần khám tầm soát sớm, uống thuốc, tập luyện, điều trị suốt đời theo hướng dẫn của BS”.
Tránh ngồi một chỗ, cần chăm chỉ tập luyện thể dục; thay đổi thói quen ăn uống, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ; ăn nhiều rau xanh; giữ điều độ đối với các thức uống có cồn, rượu bia; bỏ thuốc lá, vì đây chính là nguyên nhân gây hư hại mạch máu, dẫn tới đột quỵ; dùng thuốc theo chỉ định của BS, tái khám đều đặn nếu là bệnh nhân đã bị đột quỵ một lần là những lời khuyên của BS Thắng giành cho người dân.