Ông Chí Thiện - anh trai nghệ sĩ Chí Tài - chia sẻ gia đình vô cùng đau xót trước sự ra đi bất ngờ của em trai. Lễ viếng tại Việt Nam được thực hiện hom nay, ngày 12/12, tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam. Trưởng Ban tang lễ là nghệ sĩ Hoài Linh.
Linh cữu của nghệ sĩ Chí Tài sau khi làm lễ tang tại TP.HCM sẽ được đưa về Mỹ để làm tang lễ ở Mỹ. Gia đình nghệ sĩ Chí Tài dự kiến nhận linh cữu thân nhân vào ngày 13/12. Lễ tang tại nhà thờ ở Mỹ sẽ được tổ chức vào 18/2. Sáng 19/12, gia đình làm lễ di quan về nhà quàn. Lễ hỏa táng và an táng diễn ra vào chiều cùng ngày.
Thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời khiến đồng nghiệp, khán giả bàng hoàng. Danh hài Chí Tài sinh năm 1958. Trước khi trở thành diễn viên hài, ông là nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Sau khi sang Mỹ, ông chuyển hướng diễn hài và là bạn diễn ăn ý suốt hơn 20 năm qua với Hoài Linh.
Chí Tài kết hôn với ca sĩ Phương Loan hơn 30 năm qua, nhưng cả hai không có con. Mối tình chung thủy của đôi nghệ sĩ khiến nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Được biết, nam diễn viên Chí Tài qua đời đột ngột vì đột quỵ, được phát hiện nằm bất động ở cầu thang bộ tầng 7, chung cư nơi ông ở tại quận Phú Nhuận. Ngay sau đó, xe cứu thương được điều đến chở nghệ sĩ Chí Tài đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
TS. BS Lê Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Nội Thần kinh BV Chợ Rẫy và DS Lâm Thanh Hải tại chương trình tập huấn điều trị đột quỵ (Ảnh: Hoà Bình) |
Nói về căn bệnh đột quỵ đã cướp đi tính mạng của rất nhiều người, TS. BS Lê Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Nội Thần kinh BV Chợ Rẫy khẳng định: “Tổ chức y tế thế giới đã khẳng định đột quỵ là căn bệnh hàng đầu có nguy cơ dẫn tới tử vong”.
“Các triệu chứng đột quỵ gồm có việc mất lưu lượng máu đến não làm tổn thương các mô bên trong não. Các triệu chứng của đột quỵ biểu hiện ở các bộ phận cơ thể do các vùng não bị tổn thương kiểm soát. Người bị đột quỵ được chăm sóc càng sớm thì khả năng kết quả của họ càng tốt. Vì lý do này, sẽ rất hữu ích nếu biết các dấu hiệu của đột quỵ để bạn có thể hành động nhanh chóng” – BS Tuấn phân tích.
“Người bệnh đột quỵ có thể dẫn tới lời nói lắp bắp, gặp các vấn đề về thị lực, ví dụ mờ một bên mắt, khó đi lại, mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân… Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tổn thương não hoặc tử vong” – BS Tuấn cho biết.
Phân tích các yếu tố nguy cơ khiến dễ bị đột quỵ hơn, BS cho biết bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều muối, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol; không vận động hoặc lười vận động, uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá, tuổi tác, tiền sử sức khoẻ, từng mắc một số căn bệnh trước đó có liên quan đến nguy cơ đột quỵ, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, rối loạn tim, khuyết tật van tim, buồng tim mở rộng và nhịp tim không đều, bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, BS cho biết thêm là có một số yếu tố nguy cơ đối với đột quỵ không thể kiểm soát liên quan đến tiền sử bệnh tật trong gia đình. Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở một số gia đình vì các vấn đề sức khỏe di truyền, chẳng hạn như huyết áp cao.
Khuyến cáo về cách ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này, BS Tuấn khuyên: “Hãy sống lành mạnh, từ bỏ hút thuốc, uống rượu có chừng mực, giữ cân nặng ổn định, ăn nhiều trái cây và rau quả, ăn thực phẩm ít cholesterol, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, duy trì hoạt động thể chất nhưng không nên tập luyện quá sức, phải phù hợp với thể trạng và thể lực, đặc biệt là nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên”.