362 bệnh nhân thuộc chuỗi lây nhiễm nguy hiểm nhóm truyền giáo Phục Hưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến nay, chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã lên đến 362 bệnh nhân. TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp khoanh vùng, xác định đây là “ổ dịch” nguy hiểm, đã có nhiều F3 dương tính.
Xét nghiệm khẩn cấp cho cư dân trong vùng phong toả - Ảnh: CDC TP.HCM
Xét nghiệm khẩn cấp cho cư dân trong vùng phong toả - Ảnh: CDC TP.HCM

TP.HCM đã lấy 443.000 mẫu xét nghiệm

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng nay, 7/6, BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay: “TP.HCM đã ghi nhận 362 bệnh nhân thuộc chuỗi siêu lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Nhiều công ty, đơn vị có những chùm ca bệnh rất lớn. Công ty TNHH Thiên Tú (đường Hoàng Việt, quận Tân Bình) có tới 91 ca bệnh. Công ty TNHH IDS (quận Tân Phú) là một công ty rất nhỏ nhưng 9/11 nhân viên đã lây bệnh cho nhau, tổng số riêng chùm lây tại công ty này có đến 37 ca nhiễm, từ nhân viên đã lây sang người thân trong gia đình. Khách sạn Sheraton có 12 ca lây nhiễm, nhiều chùm ca dương tính từ 5 đến 7 ca tại các khu nhà trọ rải rác trong thành phố, nhiều F3 dương tính, nhiều chùm ca lây sang các tỉnh thành khác”.

Ba khu công nghiệp tại TP.HCM xuất hiện ca bệnh COVID-19, rất may là mỗi công ty chỉ có 1 ca nhiễm, những người còn lại đều đang nhận kết quả âm tính.

Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Kể từ ngày 26/5 khi bắt đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM đã lấy 443.000 mẫu xét nghiệm trên toàn thành phố”.

“Tuy nhiên, cần nhanh chóng mở rộng xét nghiệm đến các F3 vì hiện tại đã có rất nhiều F3 dương tính” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

Nhiều hội viên khai báo mập mờ

Lực lượng chức năng xác định chuỗi lây nhiễm “ổ dịch” hội thánh xuất phát từ bà vợ ông mục sư đã không khai trung thực. “Khi phát hiện ổ dịch này đã tồn tại khoảng 15 này rồi. Chùm ca bệnh này lan rất nhanh là do virus biến chủng Ấn Độ vô cùng nguy hiểm cộng với yếu tố các hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng đều khó tiếp cận, khai báo mập mờ, không trung thực” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

“Dù phát hiện nhanh, điều trị kịp thời, cho đến nay, đa số các ca dương tính đều đã được cách ly. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ca dương tính khai báo chưa trung thực, cố tình không khai báo, tự cách ly tại nhà, khi có triệu chứng mới lẳng lặng đi khám bệnh. Đây là mối nguy hiểm cho thành phố” – Ông Bỉnh nhấn mạnh.

Ông Bỉnh cho rằng: “TP.HCM đã giãn cách theo Chỉ thị 15 trên diện rộng toàn thành phố, theo Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp được 6 ngày. Rất cần quyết liệt hơn trong 9 ngày tới để thực sự khoanh vùng, dập dịch”.

So sánh sự phát sinh hai “ổ dịch” ngày 28/1 xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất và ổ dịch hội thánh Phục Hưng lần này, trên nền tảng chống dịch cả nước, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, hiện nay dịch bệnh còn chưa đạt đỉnh. “Do yếu tố giao lưu giữa nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh thành khác, có lẽ phải 2 tuần nữa dịch mới đạt đỉnh lần này. Người dân cần hết sức cân nhắc khi di chuyển từ vùng dịch này sang vùng dịch khác” – Ông Bỉnh nhận định.

BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) cho biết: “14 Bệnh viện và 8 phòng khám đa khoa bị ảnh hưởng vì đợt dịch bệnh lần này. Hiện tại đã có 21/22 quận huyện có ca bệnh, chỉ còn lại huyện Cần Giờ chưa phát hiện; nặng nhất là Gò Vấp có ca bệnh xuất hiện trên 16 phường, tương tự 10/11 phường của quận Tân Phú đã có ca bệnh”.

“Như BS Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, khi bắt đầu phát hiện thì chùm ca bệnh nhóm tôn giáo Phục Hưng đã lây lan khoảng 2 tuần rồi cho nên hiện tại bắt buộc phải đẩy nhanh tốc độ truy vết, xét nghiệm thì mới kịp” – BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc CDC TPHCM (Ảnh: Huyền Mai)
BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc CDC TPHCM (Ảnh: Huyền Mai)

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhở: “Chúng ta đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Và khi thực hiện, chúng ta đã đặt ra vấn đề sẽ nâng cao hiệu quả thế nào về công tác chống dịch, khi chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn về kinh tế để hướng tới mục tiêu sức khoẻ của nhân dân”.

“TP.HCM là đầu mối giao thương rất lớn với các tỉnh thành khác trên cả nước. UBND TP.HCM đã thành lập tổ giải cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, cũng như thực hiện nhiều biện pháp an sinh xã hội trong thời gian giãn cách. Sau 6 ngày giãn cách, cần đánh giá lại hiệu quả chống dịch COVID-19” – Ông Phong nói.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp báo cáo sau 1 tuần giãn cách theo Chỉ thị 16: “Mật độ giao thông trên địa bàn đã giảm bớt rất nhiều so với lúc không giãn cách. Các lực lượng chức năng cố gắng hết sức để giảm thiểu tình trạng các F0 có thể ra đường. Các doanh nghiệp đã chung tay với công tác chống dịch, nhiều công ty cho công nhân được nghỉ để chống dịch. Đóng cửa, ngừng hoạt động các doanh nghiệp không thiết yếu. Gần 200 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được hoạt động bình thường với điều kiện đảm bảo công tác phòng dịch. Cho đến nay, đa số các F0 được phát hiện đều nằm trong số F1 đã được cách ly và các F2, F3; chưa phát hiện thêm ca F0 không rõ nguồn gốc. Quận đã chuẩn bị khu cách ly tập trung, kết hợp với phương án triển khai tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới”.

“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều người dân và một số phương tiện tìm cách lách hẻm, ra vào quận một cách không chính đáng. Do đặc thù quận quá đông cư dân, buôn bán kinh doanh dịch vụ nhiều, nên đây cũng là một khó khăn đáng kể” – Chủ tịch UBND quận Gò Vấp nhận định.

UBND quận 12 cho hay quận đã có 48 ca nhiễm trên nhiều phường, đa số các ca nhiễm đều là các F1 chuyển thành F0, đã được cách ly từ trước, quận đã truy vết 12.487 người liên quan đến 48 ca nhiễm này, cách ly tập trung hơn 1.000 người, còn lại là cách ly tại nhà, triển khai bản đồ số để cung cấp các khu vực đang được phong toả, cách ly.

Khai báo y tế điện tử tại quận Gò Vấp - Ảnh: TTBC
Khai báo y tế điện tử tại quận Gò Vấp - Ảnh: TTBC

Người dân trong các khu vực phong toả theo Chỉ thị 16 tại quận 12 và quận Gò Vấp khi đi ra ngoài bắt buộc phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19.

UBND quận Tân Phú cho biết hiện có 35 ca nhiễm, 25 khu vực phong toả, trong đó có cả bệnh viện quận Tân Phú do có 2 ca F0 đến khám bệnh tại đây. Đặc biệt, quận Tân Phú có 1 trường hợp là cán bộ công an đã dương tính với COVID-19, cán bộ công an này trực tại chốt từ ngày 28/5 đến 31/5, ngày 1/6 được lấy mẫu xét nghiệm nghi ngờ, ngày 6/6 có kết quả dương tính với COVID-19. Nhiều F1 liên quan đến ca nhiễm này, nhiều cơ quan hành chính phải chuyển sang làm việc online vì có liên quan ca nhiễm.

UBND quận Tân Bình cho biết có 45 ca bệnh trên địa bàn, phong toả 40 điểm, đặc biệt chùm ca do 1 BN lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, làm việc tại một công ty ở số 1 Hoàng Việt, ở trọ tại một hẻm 333/7A đường Lê Văn Sỹ, ca bệnh này đã lây cho 7 người khác tại nơi ở trọ.