10 cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy ánh sáng nơi cuối con đường nhờ thụ tinh trong ống nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, 10 cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm thấy ánh sáng nơi cuối con đường, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ về những thiên thần bé nhỏ.
ThS.BS. Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội giao lưu cùng các gia đình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí thành công (Ảnh - BVCC)
ThS.BS. Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội giao lưu cùng các gia đình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí thành công (Ảnh - BVCC)

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ “Công bố và trao quyết định 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Tuần lễ Vàng 2021” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức vào ngày 3/7.

Ươm mầm ước mơ

Tại buổi lễ, ThS. BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - cho biết: “Qua từng năm thực hiện chương trình hỗ trợ cộng đồng, cụ thể như Tuần lễ vàng hay hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí, chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để hỗ trợ ngày càng nhiều cặp vợ chồng hơn cũng như tăng sự đa dạng trong các hình thức hỗ trợ”.

Thực tế trong quá trình thăm khám, Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như: vợ chồng mang gen bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sảy thai nhiều lần,… Vì thế, việc can thiệp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp này, cụ thể là thực hiện TTTON đòi hỏi thêm những kỹ thuật, quy trình phức tạp và tốn kém hơn so các ca thông thường như phải mổ Micro TESE; áp dụng kỹ thuật sàng lọc phôi; nuôi phôi trong môi trường tối ưu (Timelapse). Do đó, Bệnh viện đã hỗ trợ các gia đình được thực hiện những kỹ thuật này, giảm một phần đáng kể chi phí trong toàn bộ quá trình TTTON cũng như giúp họ sinh ra những đứa con khoẻ mạnh.

ThS. BS. Lê Thị Thu Hiền tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn (Ảnh - BVCC)

ThS. BS. Lê Thị Thu Hiền tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn (Ảnh - BVCC)

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ tối đa, đảm bảo quyền lợi của các cặp vợ chồng và chung tay cùng cộng đồng trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch COVID-19, chương trình tổng kết Tuần lễ vàng của Bệnh viện đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Ngay trong ngày 3/7, 10 cặp vợ chồng may mắn được làm TTTON miễn phí sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON (chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi,…), khoảng 70 - 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định.

BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi tặng hoa cho các gia đình nhận hỗ trợ Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí - Tuần lễ vàng 2021 (Ảnh - BVCC)

BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi tặng hoa cho các gia đình nhận hỗ trợ Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí - Tuần lễ vàng 2021 (Ảnh - BVCC)

Theo BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - đến nay, sau 3 năm triển khai chương trình TTTON miễn phí, 33 gia đình hiếm muộn khó khăn đã được Bệnh viện hỗ trợ. Thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là TTTON không phải là nhỏ. Do đó, thông qua chương trình, Bệnh viện muốn tiếp sức cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ.

Không ngừng hy vọng, nỗ lực trên con đường tìm đến những thiên thần

Tại buổi lễ, các gia đình nhận được hỗ trợ đã có những chia sẻ xúc động về hành trình “tìm con” của mình. Điển hình là trường hợp gia đình chị Đinh Thị Niềm – anh Nguyễn Văn Yên (Việt Hồng, Bắc Quang, Hà Giang) người dân tộc Tày. Kết hôn từ năm 2013, mãi chưa có con, hai vợ chồng đã đi khám hiếm muộn. Kết quả chồng tinh trùng yếu, vợ tắc 2 vòi trứng. Vì thế, chị Niềm đã bơm thông vòi trứng 2 lần, chi phí hết 25 triệu nhưng không thành công. Gia đình ở cùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang, hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, kinh tế phụ thuộc vào 2 sào đất trồng lúa, gia đình bố mẹ 2 bên cũng rất khó khăn. Anh chị đành tạm gác ước mơ tìm con cho đến khi may mắn được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ.

Các cặp vợ chồng giao lưu trực tuyến tại lễ công bố và trao quyết định 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% (Ảnh - BVCC)

Các cặp vợ chồng giao lưu trực tuyến tại lễ công bố và trao quyết định 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% (Ảnh - BVCC)

Trường hợp thứ 2 là gia đình anh Lê Hải Phong – chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng), kết hôn từ năm 2015 nhưng chưa có con. Anh Phong hiện là bộ đội biên phòng, thường xuyên phải công tác xa nhà, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 như hiện nay. Ngoài trang trải cuộc sống, anh chị hiện đang chăm sóc bố mắc bị ung thư hạch, đái tháo đường, suy tim. Trước đây, hai vợ chồng đã từng làm TTTON một lần nhưng không thành công. Khi mong ước có được đứa con của chính mình dường như phải gác lại để lo toan cuộc sống thì chính hỗ trợ của Bệnh viện đã mang đến hy vọng mới cho gia đình anh chị.

Còn gia đình chị Đinh Thị Lan – anh Lương Văn Cường (Lực Hành – Yên Sơn – Tuyên Quang) thì kết hôn 6 năm nhưng chưa có con. Anh Cường hiện đi làm thuê trong vùng, mỗi ngày công khoảng từ 180 – 200 nghìn đồng, mỗi tháng tháng được chừng chục ngày công. Chị Lan thì nhận phơi ván, công mỗi ngày khoảng 50 nghìn đồng. 6 năm qua, anh chị không ngừng mong con nhưng một phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, phần vì bản thân chị Lan cũng đã mổ thai ngoài tử cung một lần và phải cắt cả hai vòi trứng. Khi đăng ký chương trình hỗ trợ TTTON miễn phí trong Tuần lễ vàng, anh chị cũng không nghĩ mình sẽ được chọn. Khi nhận được tin là một trong 10 ca miễn phí năm nay, hy vọng có con một lần nữa lại được thắp lên ở đôi vợ chồng.

Gia đình chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết (Ảnh - BVCC)

Gia đình chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết (Ảnh - BVCC)

Cũng có trường hợp hiếm muộn 18 năm, đó là gia đình chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết (Đại Tập - Khoái Châu - Hưng Yên). Kết hôn từ năm 2003, mãi chưa có con, anh chị cũng đã thăm khám, chạy chữa nhiều nơi, thậm chí từng vào TP.HCM làm TTTON (năm 2018) nhưng không có kết quả. Trước đó, chị cũng từng mổ bóc tách u nang buồng trứng (năm 2014) và mổ polyp buồng tử cung (năm 2016). Thu nhập từ nghề thợ hàn của anh và nghề phụ hồ của chị ngoài lo cuộc sống, chăm mẹ già (mẹ anh Quyết hiện đã gần 90 tuổi, ở cùng hai vợ chồng) khó có thể giúp họ tiếp tục theo đuổi hành trình gian nan này. Do đó, sự hỗ trợ từ Bệnh viện thời điểm này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho đôi vợ chồng.

Mỗi trường hợp là một câu chuyện, dù khác hoàn cảnh nhưng chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn vì nhiều lẽ; trong đó, kinh tế là rào cản chính. Sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã đem đến cho họ một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh – hiếm muộn.

Đáng chú ý, tại buổi lễ còn có sự góp mặt và chia sẻ của đại diện các gia đình từng nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ TTTON miễn phí trước đó và đã có được đứa con mà mình mong chờ. Đó là vợ chồng thầy giáo bản Quách Văn Thị và chị Nguyễn Thị Hồng Tiến (thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên). Đây là gia đình đầu tiên đón bé thành công nhờ chương trình hỗ trợ của Bệnh viện năm 2019 sau 7 năm mòn mỏi mong con. Năm 2013, anh Thị kết hôn, trải qua 3 năm mong đợi, vợ chồng vẫn không có con. Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, anh đã vay thêm tiền, dẫn vợ xuống 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám. Kết quả thấy tinh trùng yếu, vợ lại đa nang buồng trứng nhưng do không có tiền nên vợ chồng đành gác lại việc chạy chữa. Nhiều năm trôi qua, mơ ước có mụn con cứ thế xa vời. Tháng 6/2019, tình cờ qua mạng xã hội anh Thị biết thông tin Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ miễn phí 10 ca TTTON nên đã làm hồ sơ và may mắn được Bệnh viện hỗ trợ. Ngày 8/6/2020, vợ chồng đón 2 bé sinh đôi khoẻ mạnh chào đời.

Vợ chồng thầy giáo bản Quách Văn Thị và chị Nguyễn Thị Hồng Tiến (Ảnh - BVCC)

Vợ chồng thầy giáo bản Quách Văn Thị và chị Nguyễn Thị Hồng Tiến (Ảnh - BVCC)

Gia đình anh Vũ Văn Chí - chị Phạm Thị Tơ (Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định) cũng là trường hợp được đón “quả ngọt” từ chương trình hỗ trợ TTTON miễn phí của Bệnh viện năm 2019. Kinh tế gia đình quá eo hẹp, chồng liên tục phải đi làm xa, chị Tơ lại bị tắc một bên vòi trứng, hai vợ chồng cố gắng tìm cách, sử dụng thuốc nam, thuốc bắc… nhưng đều không thành công. Cơ duyên được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chọn hỗ trợ TTTON miễn phí, kết quả, 9 năm sau hôn nhân, anh chị được lên chức bố mẹ. Trong quá trình mang thai, chị cũng gặp không ít những khó khăn, vất vả. Nhờ sự theo dõi, chăm sóc tận tình của các bác sĩ tại Bệnh viện, cuối cùng, chị không thể giấu được hạnh phúc đến bật khóc khi một em bé xinh xắn, đáng yêu chào đời vào tháng 6/2020.

Những chia sẻ trên đã tiếp thêm động lực cho các cặp vợ chồng đang khoắc khoải mong con. Họ cũng là minh chứng cho những nỗ lực giúp đỡ các gia đình hiếm muộn khó khăn của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thật sự tạo nên “phép màu” giữa đời thường.