60 năm thành lập Bộ môn Mô – Phôi và 5 năm Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép:

Mang niềm vui đến với các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn

VietTimes -- Chiều ngày 31/12, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn Mô – Phôi và 5 năm thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép.
GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy

Theo GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - Bộ môn Mô - Phôi là một trong những điểm sáng của Bộ môn Y học cơ sở tại Trường Đại học Y Hà Nội. Thời gian qua, Bộ môn Mô – Phôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Về đào tạo, Bộ môn Mô – Phôi là một chuyên ngành chuẩn mực, sinh viên được đào tạo bài bản, nghiêm khắc, các thầy cô tâm huyết. Hiện bộ môn đang trong giai đoạn đổi mới đổi mới chương trình đào tạo chung của nhà trường.

Về khoa học công nghệ, bộ môn là một trong số rất ít các môn y học cơ sở triển khai định hướng nghiên cứu lâm sàng trong hỗ trợ sinh sản, thực hiện nghiên cứu về tái tạo hệ thống biểu mô, giác mạc; xây dựng ngân hàng tinh trùng, ngân hàng mô, bảo quản xương sọ. Định hướng lâm sàng của bộ môn được hình thành từ rất sớm.

Toàn cảnh buổi lễ
Toàn cảnh buổi lễ

Sự ra đời của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép là một minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn cũng như đóng góp của thầy cô Bộ môn Mô – Phôi đối với hoạt động nghiên cứu lâm sàng cũng như hoạt động quản lý chung của nhà trường.

Chia sẻ về định hướng của Trường Đại học Y Hà Nội trong thời gian tới, GS. TS. Tạ Thành Văn cho hay: “Sắp tới, trường sẽ thực hiện tự chủ - lương của các thầy, cô giáo chỉ chiếm khoảng 20-40% thu nhập, các bộ môn y học cơ sở sẽ có nguồn thu thêm từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép cùng các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Mỗi bộ môn sẽ sở hữu nhiều trung tâm, ở nhiều địa điểm của trường. Hướng đi này sẽ đảm bảo cho nhà trường bước những bước dài trong tương lai.”

PGS. TS. Nguyễn Đức Hinh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Đức Hinh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Nguyễn Đức Hinh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chia sẻ: Bộ môn Mô – Phôi đã đào tạo rất nhiều cán bộ, bác sĩ giỏi, có chuyên môn tốt, tay nghề cao. Hôm nay, tôi cảm thấy rất biết ơn các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã tin tưởng, đến với Trung tâm để điều trị. Với bàn tay tài hoa của các y, bác sĩ tại Trung tâm, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn sẽ được tiếp cận với những công nghệ tốt nhất với tỷ lệ thành công cao. 

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Bộ môn Mô – Phôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Bộ môn Mô – Phôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Bộ môn Mô – Phôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết: Bộ môn Mô – Phôi Trường Đại học Y Hà Nội được thành lập từ năm 1959. Ngay từ những ngày đầu thành lập, các thầy, cô giáo đã ngày đêm tận tụy ươm mầm cho bao thế hệ học trò trưởng thành và trở thành những bác sĩ giỏi trong tương lai.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển công tác giảng dạy để tạo ra thế hệ bác sĩ mới đóng góp cho nền y khoa của đất nước. Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, chúng tôi sẽ phát triển kỹ thuật hiện đại để mang lại liệu pháp trị liệu tốt nhất cho người bệnh đến từ những chuyên gia hàng đầu.” - PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà – nhấn mạnh.

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 

Nhớ lại những kỷ niệm khi còn là sinh viên tại Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - xúc động: “Trong suốt 6 năm là sinh viên, Bộ môn Mô – Phôi là môn duy nhất tôi bị trượt. Những bài học năm xưa bên kính hiển vi đến giờ tôi vẫn nhớ.”

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vinh dự là đơn vị làm việc cùng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép. Thành công của Trung tâm đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều bệnh nhân đã tìm đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà trực tiếp là Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép.

5 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10.000 lượt khám, tư vấn hiếm muộn, khám tiền hôn nhân; thực hiện hơn 2.500 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ thành công gần 60%, đón hơn 1.300 trẻ ra đời. Trung tâm cũng đã thực hiện 30 ca đông noãn và 500 ca đông tinh trùng cho những bệnh nhân muốn bảo tồn khả năng sinh sản.

"Đây là một tỷ lệ rất cao so với các trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam. Trung tâm có tiềm năng rất lớn. Sắp tới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để trung tâm phát triển để tạo ra những van tim không chỉ được dùng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà còn được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế trên cả nước." - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói. 

Hiện, đã có 3 trẻ khỏe mạnh chào đời từ noãn đông lạnh. Đến nay, ngân hàng tinh trùng hiến của Trung tâm có tổng cộng 750 mẫu. Đáng chú ý, đa số các mẫu đều đến từ sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội góp phần đáp ứng nhu cầu điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh do chồng không có tinh trùng hoặc làm mẹ đơn thân.

Chị Giang – một trong những bệnh nhân hiếm muộn điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép chia sẻ: “Mặc dù đã điều trị ở nhiều nơi nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép đã cho tôi niềm tin có thể điều trị thành công. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của các bác sĩ mà gia đình tôi đã chào đón một bé trai vào đúng dịp Noel năm 2018.”

Chị Giang – một trong những bệnh nhân hiếm muộn điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép
Chị Giang – một trong những bệnh nhân hiếm muộn điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép 
Các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn điều trị thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép
Các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn điều trị thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép
Một cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hạnh phúc sau khi điều trị thành công
Một cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hạnh phúc sau khi điều trị thành công

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế cấp phép và thành lập ngày 12/12/2014. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm đã có đội ngũ bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản và phôi thai học của Trường Đại học Y Hà Nội. Cùng với đó, trung tâm đã xây dựng mạng lưới chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực IVF tại Việt Nam. Đến với Trung tâm, bệnh nhân được lựa chọn điều trị trực tiếp với các chuyên gia IVF hàng đầu Việt Nam.

Với lợi thế đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Trung tâm đã thực hiện tốt các kỹ thuật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đang có tại Việt Nam và trên thế giới như: tiêm tinh trùng vào noãn (ICSI), nuôi cấy phôi ngày 5, đông/rã đông phôi/noãn bằng phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng và các kỹ thuật trích xuất tinh trùng từ tinh hoàn như chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESE) hay lấy tinh trùng từ mô tinh hoàn (TESE).

Ngoài lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, Trung tâm còn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo quản mô tại Việt Nam. Hiện, Trung tâm đã và đang bảo quản 7.500 mảnh xương sọ để ghép tự thân cho bệnh nhân; tiến hành nghiên cứu, bảo quản gân, van tim đồng loại, đồng thời, nghiên cứu sản xuất nhiều loại vật liệu sinh học như: bột xương đông khô, bột xương khử khoáng, bộ xương khử protein, màng ối đông khô để phục vụ nhu cầu ghép mô của bệnh nhân.