Vì “con”, Eximbank xin gia hạn công bố BCTC

VietTimes – Eximbank gửi công văn lên HSX xin được gia hạn thời gian công bố thông tin định kỳ các BCTC trong năm 2016. Lý do được đưa ra là vì Eximbank AMC - công ty "con" của ngân hàng này.
Vì “con”, Eximbank xin gia hạn công bố BCTC

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo, đã nhận được công văn số 52/2016/EIB/KTTH ngày 12/01/2016 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (HSX: EIB) về việc xin gia hạn thời gian công bố thông tin định kỳ các báo cáo tài chính (BCTC) trong năm 2016, bao gồm: BCTC quý tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý; BCTC bán niên đã được soát xét tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính.

Lý do được Eximbank đưa ra là hiện tại, ngân hàng này đang có 01 Công ty con là Công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC).

“Việc lập BCTC và công bố thông tin định kỳ theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC gặp rất nhiều khó khăn về thời gian do Eximbank phụ thuộc số liệu vào công ty con”, EIB trần tình.

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn CBTT trên thị trường chứng khoán, đề nghị xin gia hạn công bố thông tin BCTC hàng Quý của Eximbank phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBCKNN và Eximbank phải thực hiện công bố thông tin ngay sau khi nhận được ý kiến của UBCKNN về vấn đề này.

Việc Eximbank phải vì AMC của mình mà xin hoãn công bố báo cáo tài chính trong năm 2016 là một thông tin mang đến nhiều hình dung về tình hình thực tế của ngân hàng này.

Nên biết, Eximbank vừa trải qua một hành trình suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử, rơi thẳng từ nhóm những ngân hàng top đầu với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm xuống chỉ còn vỏn vẹn vài chục tỷ đồng trong năm 2014.

Trước những dấu hiện bất thường ở Eximbank, tháng 3/2015, cơ quan thanh tra NHNN đã tiến hành thanh tra đột xuất Eximbank để làm rõ các nội dung liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan; cấp tín dụng tín chấp; phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; cũng như thanh tra vốn điều lệ, cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Theo Kết luận thanh tra số 34/KL-Cục II.2.m ngày 19/10/2015, Eximbank đã có về một số sai phạm về cổ phần, cổ phiếu và hoạt động cho vay, bảo lãnh.

Cụ thể về hoạt động cấp tín dụng, báo cáo tài chính 2014 của Eximbank cho thấy 30% dư nợ của ngân hàng này là các khoản bảo lãnh. Thanh tra kết luận sai phạm trong việc này chủ yếu liên quan đến quy trình, quy chế cho vay, như giải ngân bằng tiền mặt không đúng quy định của NHNN, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ,….

Theo tìm hiểu của Viettimes, có những khoản tín dụng đã được Eximbank giải ngân hết sức tùy tiện. Chẳng hạn như khoản đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào trái phiếu của một doanh nghiệp phía Bắc cho mục đích đầu tư dự án.

Kết quả điều tra thực địa của Viettimes cho thấy, đến thời điểm này, dự án "đồ sộ" đó vẫn chỉ là nơi đồng không mông quạnh, chăn vịt trồng rau, mặc dù việc giải ngân đã được Eximbank thực hiện từ nhiều năm trước. Đáng nói, doanh nghiệp được rót vốn lại cũng là “sân sau” của một ông chủ ngân hàng có tiếng.

Trở lại với Công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, được biết, công ty con này có mã số doanh nghiệp là 0310280974, được đăng ký lần đầu ngày 24 tháng 08 năm 2010, với nhiệm vụ chính là tiếp nhận, quản lý các khoản nợ tồn đọng của Eximbank (bao gồm: nợ có tài sản bảo đảm và nợ không có tài sản bảo đảm) và tài sản bảo đảm nợ vay liên quan đến các khoản nợ để xử lý, thu hồi vốn nhanh nhất; Chủ động bán các tài sản bảo đảm nợ vay thuộc quyền định đoạt của Eximbank; Cơ cấu lại nợ tồn đọng; Xử lý tài sản đảm bảo nợ vay bằng các biện pháp thích hợp.

Đua nhau xin "hoãn"

Eximbank không phải là trường hợp đầu tiên của sàn HSX gửi công văn xin lùi thời gian công bố công bố thông tin trong 2016.

Trước ngân hàng này, hai thương hiệu lớn khác là Savico và Vinamilk cũng có đề đạt tương tự tới Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Lý do được hai công ty này đưa ra cũng liên quan tới các công ty con.

Cụ thể với Savico là do công ty có một hệ thống lên tới 15 công ty con và 6 công ty liên kết, 1 chi nhánh nên việc lập BCTC hợp nhất tốn nhiều thời gian.

Còn với Vinamilk, là vì “ông lớn” này có hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp và có nhiều công ty con, công ty liên kết và các đơn vị hạch toán phụ thuộc ở nước ngoài như Mỹ, New Zealand, Ba Lan, Campuchia, do đó để lập báo cáo tài chính hàng quý khá phức tạp và mất nhiều thời gian.

Ninh Giang – Quốc Dũng