Xe sang sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt cao?

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô theo hướng áp dụng mức thuế cao đối với các dòng xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu...
Xe sang sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt cao?

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.

Khuyến khích sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô

Theo thông báo kết luận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian vừa qua đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động; cơ chế, chính sách cho phát triểncông nghiệp ô tôthời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô.

Đối với những nội dung liên quan đến khuyến khích sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô (trong đó đặc biệt khuyến khích sản xuất động cơ, hộp số,…), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nêu rõ nội dung, tiến độ; những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, đề xuất giao các Bộ, ngành thực hiện. Trường hợp thuộc thẩm quyền Quốc hội thì đề xuất giao các cơ quan liên quan chuẩn bị trình Quốc hội theo quy định.

Nhiều dòng xe sẽ bị áp dụng mức thuế TTĐB cao

Đối với những nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt cần điều chỉnh, sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp vớiBộ Công Thươngvà các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực theo hướng giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ưu tiên phát triển.

Bên cạnh đó, áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Đối với dự án có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và dự án sản xuất các cụm chi tiết quan trọng, sẽ áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn quy định hiện hành. Mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Theo Trí thức trẻ/Chinhphu.vn