Các bác sĩ cho biết "sương mù não" là một trong những di chứng "hậu COVID" khá mới, đang còn là một bí ẩn với giới y khoa và triệu chứng rất đa dạng.
Từ căng thẳng, sợ tiếp xúc người khác, sợ ở phòng nhỏ...
Chị Nguyễn Mai Hương (25 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã khỏi COVID-19 gần 1 tháng nay nhưng vẫn chưa dám ra khỏi nhà. Chị luôn lo lắng mình tái nhiễm, sợ đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay và nhốt mình trong phòng.
"Tôi không dám ra khỏi nhà, không chỉ vì sợ lây nhiễm mà còn sợ hàng xóm dị nghị, xa lánh vì tôi mắc bệnh dễ lây nhiễm. Do lo lắng, tôi thường xuyên mất ngủ, ăn không ngon nên đã gọi điện nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn", chị Hương chia sẻ.
Cũng như chị Hương, bà N.T.H. (58 tuổi, quê Thanh Oai, Hà Nội) gặp vấn đề tâm lý sau khi nhiễm COVID-19. "Tôi mắc COVID-19, sau đó con cái và các cháu đều bị nhiễm. Tôi rất sợ, dù đã khỏi nhưng tôi cũng hạn chế tiếp xúc với mọi người, cảm giác như mình là người mang bệnh cho gia đình", bà H. buồn bã nói.
Theo ThS.BS tâm thần Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), dịch bệnh COVID-19 suốt 2 năm qua khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.
"Tôi từng tư vấn một bệnh nhân nữ 50 tuổi, bà phải điều trị COVID-19 tại bệnh viện, sau đó rơi vào ám ảnh sợ không gian hẹp, không dám ở trong phòng nhỏ, không dám ở một mình. Đây là tình trạng tâm lý khá nặng, tôi đã phải điều trị trong suốt 1 tháng, tình trạng bệnh nhân mới tiến triển tốt hơn", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Bác sĩ Phương Thảo cho hay COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tâm thần, khiến các ca bệnh trầm cảm tăng lên. Đặc biệt, các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game Internet ở trẻ em, các rối loạn ám ảnh sợ…
TS Nguyễn Bá Đạt (giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến cáo đối với những bệnh nhân hậu COVID-19, khi rơi vào tình trạng tâm lý bị ảnh hưởng, gia đình cần bên cạnh động viên, tạo không gian cho người bệnh hòa nhập với cộng đồng.
Nếu người bệnh có những biểu hiện chán nản, mệt mỏi, không làm chủ được hành vi, cảm xúc, thậm chí làm hại đến bản thân thì cần liên hệ với bác sĩ tâm lý để được trị liệu tâm lý.
Đến mất ngủ, hay quên
Sau khi mắc COVID-19 với những triệu chứng nhẹ, chị Triệu Thị Nguyên (31 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bị ho, mất ngủ, khó thở, trí nhớ suy giảm.
"Tôi bán hàng online, gần đây tôi rất khó tập trung, thường xuyên quên đơn hàng của khách, thỉnh thoảng bị hụt hơi, khó thở. Trước kia tôi vừa làm việc vừa chăm sóc con cái không có vấn đề gì, nhưng gần đây mọi việc bị xáo trộn, tôi thường cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng", chị Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết tình trạng chị Nguyên gặp phải được gọi là "sương mù não" - thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não. Tình trạng này ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, những người mắc thường cảm thấy khó tập trung, thiếu minh mẫn.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng thường xuyên tư vấn tâm lý cho bệnh nhân gặp ảnh hưởng tâm lý hậu COVID-19 - Ảnh: NVCC |
"Hiện tôi đang tiếp nhận 4 ca điều trị liên quan đến 'sương mù não' sau khi mắc COVID-19. Một bệnh nhân 56 tuổi, khi khỏi COVID-19 thì trí nhớ bị giảm, ăn ngủ không tốt, cảm giác mọi việc đều chậm lại, sự minh mẫn giảm hẳn, tiết mồ hôi, đêm ngủ ướt lưng, ngực.
Thông thường khi bệnh nhân đến khám không chỉ có hiện tượng 'sương mù não' mà kèm thêm nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, nhịp tim hồi hộp, tay chân run… đặc biệt hầu hết đều thiếu máu não", bác sĩ Hoàng cho hay.
Theo bác sĩ Trần Đức Huynh (Học viện Quân y 103), trong quá trình chăm sóc F0, ông cũng gặp nhiều bệnh nhân phản ánh tình trạng hay quên.
"Các triệu chứng đều nhẹ, không gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tượng quên sự việc gần, quên thoáng qua này diễn ra ở nhiều lứa tuổi. Chúng tôi cũng động viên bệnh nhân không quá lo lắng, cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe bản thân. Trong trường hợp, sau 2-3 tuần, bệnh nhân hồi phục được thì không cần đi khám", bác sĩ Huynh thông tin.
Bác sĩ cũng khuyên sau mắc COVID 2-4 tuần, bệnh nhân có các triệu chứng quên nghiêm trọng như quên các việc, vật đã được lưu giữ trong tiềm thức như người thân, sự kiện trong đời, đồ vật thân quen… thì nên đi khám tổng thể, đặc biệt cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Trên thế giới, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng "sương mù não". Hiện đã xác định được một số nguyên nhân như thiếu oxy não do tổn thương phổi; rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể; đột quỵ não.
Ngoài ra, "sương mù não" còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng. Việc dùng thuốc hay các tình trạng y tế (liên quan đến viêm nhiễm, mệt mỏi hoặc thay đổi mức đường huyết), thậm chí sự thiếu hụt hoặc không đủ chất dinh dưỡng cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng "sương mù não".
Làm gì khi bị "sương mù não"?
Trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân mắc COVID-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy những bệnh nhân có hiện tượng "sương mù não" chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người lớn tuổi 50 trở lên, người trẻ ít gặp tình trạng này hơn.
Bác sĩ Hoàng cho biết đối với những người gặp tình trạng "sương mù não" có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách:
- Vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.
- Giúp trí não hoạt động nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio.
- Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.
- Hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.
(Theo Báo Tuổi Trẻ)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu