Hana Horka, 57 tuổi, thành viên của một nhóm nhạc đồng quê ở Cộng hòa Séc, hôm 14/1 đăng tải thông tin trên tài khoản mạng xã hội nói rằng bà đã phục hồi sau khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, bà qua đời.
Jan Rek, con trai của nữ ca sĩ, hôm 19/1 nói với BBC rằng, mẹ của anh chưa tiêm vaccine Covid-19 và đã cố ý mắc Covid-19 với hy vọng có được miễn dịch. Anh nói, bà Horka không tin những thuyết hoài nghi vaccine, nhưng lại muốn nhiễm bệnh tự nhiên hơn là tiêm vaccine.
Anh cho biết, anh và bố đều mắc Covid-19 sau kỳ nghỉ Giáng sinh, Năm mới. Tuy nhiên, thay vì cách ly với gia đình, bà Horka chọn cách tiếp tục sinh hoạt chung để tự nhiễm bệnh và nhanh chóng phục hồi.
Người con trai kể lại, hôm 16/1, mẹ của anh nói rằng bà cảm thấy đã khá hơn rất nhiều (sau khi mắc Covid-19), nên quyết định đi dạo một chút. Sau đó, bà bắt đầu cảm thấy đau lưng nên đã nằm nghỉ ngơi và qua đời chỉ 10 phút sau đó.
Số ca Covid-19 mới ở Séc liên tục lập kỷ lục gần đây, với hơn 28.000 ca được ghi nhận hôm 19/1. Chính phủ Séc đã ban hành hàng loạt biện pháp mới để ngăn đà lây lan của dịch như xét nghiệm bắt buộc với người lao động và học sinh. Séc cũng áp dụng "thẻ xanh Covid-19", yêu cầu tất cả những người đến các địa điểm công cộng như rạp phim, quán bar, cà phê phải có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19.
Các bác sĩ của Mỹ gần đây đã cảnh báo việc không ít người tìm cách mắc Covid-19 để có được miễn dịch hay có được "thẻ xanh Covid-19" mà không cần phải tiêm chủng. Điều này xảy ra nhiều hơn khi nhiều người cho rằng biến chủng Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ.
Giới chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng, đây là ý tưởng "điên rồ". Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng trường Y tế Cộng đồng, Đại học Brown (Mỹ), nói: "Ngay cả những người được tiêm liều tăng cường và không phải nhập viện vẫn có thể khá khổ sở trong vài ngày nếu bị nhiễm virus".
Tiến sĩ Emily Landon, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, cũng cảnh báo, kể cả Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn và một số người nghĩ nó chỉ như cảm cúm thông thường, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, những người thuộc nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm chủng, vẫn có nguy cơ bệnh nặng. Hơn nữa, người khỏe mạnh nếu lây nhiễm virus cho người thuộc nhóm nguy cơ cao, hậu quả cũng đáng quan ngại, chưa kể đến các di chứng kéo dài hậu Covid-19.
Ngoài ra, Omicron có thể gây triệu chứng ít nghiêm trọng, nhưng với khả năng lây lan vượt trội, nó có thể khiến các hệ thống y tế quá tải, dẫn đến việc những người nhiễm bệnh thể nặng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, kéo theo nguy cơ tử vong tăng.
Theo Dantri.com