Sau khi có những thông tin trên báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để sửa ngay Quyết định 80.
Theo đại diện Cty CP may Hòa Bình, năm 2014, Cty cùng một số DN được chào một đơn hàng 2 tỷ USD gồm quần áo, cờ, giày, dép, quân trang cho quân đội Mỹ. Theo thỏa thuận, bên đặt hàng sẽ gửi hàng mẫu về VN để gia công, toàn bộ nguyên liệu làm hàng xuất khẩu đều do phía đối tác cung cấp. Song khi về đến sân bây Tân Sơn Nhất, số hàng mẫu bị hải quan cửa khẩu không cho thông quan với lý do đây là hàng hóa cấm xuất nhập khẩu theo Quyết định số 80/2006 của Bộ Quốc phòng. DN khi đó chạy vạy qua nhiều thủ tục để được thông quan hàng mẫu. Phải mất hơn một tháng, Cty may Hòa Bình mới nhận được hàng mẫu, nhưng đối tác đã không thể chờ. Đơn hàng được chuyển sang DN của một nước khác.
Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt - May VN, phản ánh của DN là có cơ sở, bởi chiểu theo Quyết định 80 ngày 9.5.2006 của Bộ Quốc phòng, mặt hàng quân trang, quân phục (đang được sử dụng cho lực lượng vũ trang) không quy định rõ là của VN hay của các nước khác đều thuộc loại hàng cấm xuất nhập khẩu. Nhưng các DN đều cho rằng, quy định như vậy là chưa rõ và rất bất hợp lý. “Chúng ta có thể cấm xuất nhập khẩu các mặt hàng quân trang, quân phục của VN vì lo ngại an ninh, nhưng không nên cấm các mặt hàng quân trang, quân phục các nước đặt gia công. Đây là việc sản xuất kinh doanh bình thường, theo đơn đặt hàng thông qua đấu thầu hẳn hoi, DN thắng thầu mới được đối tác chấp thuận sản xuất và cung ứng hàng cho họ” - bà Dung nói. Hơn nữa, các đơn đặt hàng đều có các cam kết về quyền được quân đội nước nhập khẩu cho phép. Vì sao lại đặt vấn đề lo ngại mà làm lỡ cơ hội kinh doanh của DN Việt Nam khi mỗi lần gia công, lại là một lần “xin - cho”.
6 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của VN với 5,18 tỷ USD kim ngạch XK, tăng 11,01%so với cùng kỳ 2014. Ảnh: T.L
Đề xuất sửa Quyết định 80
Quyết định 80 của Bộ Quốc phòng được cho là một trở ngại cho việc xuất nhập khẩu bình thường của DN. Quyết định này được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định 12 ngày 23.6.2006 của Chính phủ. Nhưng đến nay, Nghị định 12 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 187 ban hành ngày 20.11.2013, tuy nhiên Bộ Quốc phòng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 187. Vì thế, Quyết định 80 vẫn có hiệu lực. Trên thực tế, từ trước năm 2013, các lô hàng gia công quân trang, quân phục cho nước ngoài vẫn thông quan bình thường, nhưng từ năm 2013, do áp dụng Quyết định 80 nên mỗi đơn hàng, DN phải gửi công văn tới Bộ Công Thương, xin được sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đó và phải được Bộ Công Thương hiệp y với Bộ Quốc phòng để trả lời DN rằng “có” hoặc “không” được xuất, nhập khẩu. DN sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và có thể vuột mất đơn hàng như trường hợp Cty may Hòa Bình.
Trước những bức xúc của DN về thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng quân trang, quân dụng, mới đây Tổng cục Hải quan có công văn đề nghị Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) có ý kiến về chính sách xuất khẩu đối với mặt hàng có kiểu dáng quân trang như trường hợp vướng mắc của Cục Hải quan TPHCM. Về phía Bộ Công Thương, theo bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết: Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị sửa Quyết định 80 theo hướng tạo thuận lợi, không bỏ lỡ thời cơ của DN, nhưng cũng vừa đảm bảo thuận tiện cho quản lý. Quyết định cuối cùng vẫn chờ ý kiến các bên liên quan.
Theo Báo Lao Động