VNA khẳng định giá vé máy bay không vượt trần

Sau khi Bộ Tài chính yêu cầu Vietnam Airlines (VNA) kê khai lại giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa và làm rõ việc phụ thu dịch vụ bán vé hiện nay, VNA cho biết mức này do đại lý và hành khách thoả thuận, nhưng không vượt giá trần.
VNA cho biết phụ thu dịch vụ bán vé máy bay do đại lý và hành khách tự thoả thuận nhưng không vượt quá mức giá trần theo quy định
VNA cho biết phụ thu dịch vụ bán vé máy bay do đại lý và hành khách tự thoả thuận nhưng không vượt quá mức giá trần theo quy định

Thông tin cho TBKTSG Online, VNA khẳng định các mức giá chặng bay nội địa được hãng xây dựng căn cứ vào công văn số 5436/CHK-TC ngày 29/12/2014 của Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn  thực hiện quyết định số 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014 về mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền.

Bộ Tài chính cho rằng, trong trường hợp áp dụng mức giá kê khai tối đa bằng 90% mức trần quy định và nếu điều chỉnh tăng thêm 15% như ghi chú của Vietnam Airlines thì giá vé mà người mua phải thanh toán có thể vượt giá trần quy định hiện hành. Về điều này, VNA lý giải, tương tự như các lần kê khai trước đây đều được Cục Quản lý giá và Cục Hàng không chấp nhận, tại văn bản 1236/TCTHK-TTBSP ngày 15/5/2015, VNA có ghi: “tùy theo tình hình thị trường, các mức giá trên có thể điều chỉnh trong phạm vi 15% tùy theo từng loại giá nhưng đảm bảo tổng giá vé và phụ thu dịch vụ bán vé không vượt quá giá trần quy định”.

Điều này có nghĩa là VNA chỉ được phép thực hiện việc điều chỉnh giá trong phạm vi 15% nếu đáp ứng điều kiện tổng giá vé và phụ thu dịch vụ bán vé không vượt quá giá trần quy định.

Đối với khoản phụ thu dịch vụ bán vé máy bay mà Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ, VNA cho biết phụ thu dịch vụ đặt chỗ, xuất vé là khoản thu của các phòng vé và đại lý đối với hành khách khi mua vé máy bay để trả cho các dịch vụ mà phòng vé và đại lý cung cấp. Khi hành khách mua vé tại các đại lý, mức phụ thu này do đại lý và hành khách tự thoả thuận căn cứ vào số lượng, chất lượng dịch vụ hành khách yêu cầu và khả năng cung ứng của đại lý.

Tuy nhiên, dù được quyền tự quyết định mức phụ thu nhưng các đại lý buộc phải tuân thủ điều kiện đảm bảo tổng phụ thu dịch vụ và giá vé (chưa bao gồm VAT) không vượt quá mức giá trần theo quy định của Bộ Tài chính.

VNA cho biết, việc áp dụng chính sách này vừa tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh để các đại lý tự nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ của mình và được điều tiết bởi thị trường. Hành khách có thể chủ động lựa chọn cho mình đại lý cung ứng dịch vụ tốt nhất với mức phụ thu đặt chỗ, xuất vé hợp lý nhất nhưng vẫn đảm bảo trong mức giá trần đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Trong trường hợp hành khách đặt vé qua website và các phòng vé của VNA, mức phụ thu dịch vụ đặt chỗ, xuất vé đối với các chặng bay nội địa được áp dụng thống nhất là 50.000 đồng/vé hạng phổ thông, còn đối với hạng thương gia mức phụ thu là 90.000 đồng/vé (đã bao gồm thuế VAT).

Theo TBKTSG