Sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các chỉ số thị trường trong phiên cuối cùng của năm 2017. Cụ thể, kết thúc phiên 29/12/2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 984,24 điểm, tăng 7,52 điểm (0,77%); chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 975,52 điểm, tăng 8,61 điểm (+0,89%); chỉ số VNXAllshare đóng cửa ở mức 1.402,30 điểm, tăng 9,76 điểm (+0,70%); chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 116,86 điểm, tăng 0,45 điểm (+0,39%), chỉ số UPCOM-Index đóng cửa ở mức 54,91 điểm, tăng 0,58 điểm (+1,08%).
Thanh khoản trên cả hai sàn ghi nhận mức độ cải thiện đáng kể so với phiên trước. Cụ thể, trên sàn HOSE ghi nhận 160 mã tăng, 173 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 211 triệu cổ phiếu, tương đương với 6.404 tỷ đồng. Trên sàn HNX, ghi nhận 112 mã tăng, 151 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 52,89 triệu cổ phiếu, tương đương với 780,42 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index khởi đầu phiên giao dịch khá giằng co trước sự phân hóa của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến thị trường tích cực hơn khi về cuối phiên sáng, sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu VNM kết hợp với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã giúp cho các cổ phiếu trụ cột nhanh chóng lấy lại được sự đồng thuận và tăng điểm trở lại. Kết thúc phiên, áp lực bán chốt lời cuối năm cũng đã khiến cho đà tăng của thị trường có đôi chút chững lại.
Cổ phiếu VNM đóng cửa phiên cuối năm ở mức 208.600 đồng/cổ phiếu (+1,7%), ghi nhận mức tăng trưởng gần 70% so với đầu năm (giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức). Đây là cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng nửa cuối năm sau khi có sự xuất hiện của cổ đông ngoại là Jardine Cycle & Carriage, chi cả ngàn tỷ đồng để gom cổ phần VNM từ đợt thoái vốn của SCIC tại doanh nghiệp này ngày 10/11/2017.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng trưởng ấn tượng trong năm qua như: VIC (đóng cửa ở mức 77.300 đồng/cổ phiếu), VRE (đóng cửa ở mức 47.150 đồng/cổ phiếu), PLX (đóng cửa ở mức 75.000 đồng/cổ phiếu), …
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chịu áp lực chốt lời lớn vào cuối phiên, chỉ có một số cổ phiếu tăng giá tốt như BID (+3,0%), VCB (+0,4%), SHB (+1,1%), VPB (+1,2%), ACB (+0,3%). Đây là nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay nhờ vào các nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NHNN và các ngân hàng thành viên.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán được hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư và hệ thống ngân hàng khởi sắc cũng đã có một năm sôi động. Trong phiên cuối năm, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán chứng kiến sự phân hóa mạnh, một số cổ phiếu tăng điểm khá như AGR (+6,9%), SBS (+15,0%), ART (+11,1%), VND (+1,1%), SSI (+0,5%).
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, vật liệu xây dựng tiếp tục thu hút dòng tiền tiếp đà tăng trưởng từ năm 2016. Một số cổ phiếu tăng điểm tốt trong phiên hôm nay như: DXG, LDG, CTD, HBC, HPG.
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có được sự tăng điểm đáng kể trong các tháng cuối năm nhờ các tác động tích cực từ giá dầu hồi phục và hiện đang chịu áp lực chốt lời. Một số cổ phiếu tiêu biểu ở nhóm này có thể kể đến như: PLX, PVD, PVS, GAS, PVC.
Trong phiên giao dịch cuối năm, cũng có một vài cổ phiếu thu hút được nhiều sự chú ý giảm điểm khá mạnh như BVH (-3,7%), PVD (-2,7%), GAS (-1,3%), NTP (-1,4%)…
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh mua ròng trên cả 2 sàn. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 976,72 tỷ đồng, tập trung vào các mã MWG, HPG, VNM, MSN, SSI. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 12,1 tỷ đồng, tập trung vào các mã VGC, VPI, NTP.
Như vậy, dù có thời điểm được kỳ vọng có thể cán mốc 1.000 điểm, nhưng VN-Index mới chỉ thực hiện được 98,4% kỳ vọng, khi kết thúc năm 2017 ở mức 984,2 điểm. Tuy vậy, đây vẫn là mức đỉnh 10 năm, đánh dấu sự tăng trưởng đáng khích lệ của một thị trường còn non trẻ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn lọt vào top các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Bước sang năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng có những bước tăng trưởng mới từ bối cảnh vĩ mô ổn định, đón nhận thêm nhiều hàng hóa mới lên sàn và nỗ lực đổi mới của các cơ quan điều hành sẽ là những nhân tố chính giúp nâng đỡ thị trường.