Vietnam Airlines phải chịu trách nhiệm thế nào về việc để nam tiếp viên làm lây lan COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù dư luận bức xúc về việc Vietnam Airlines có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để tiếp viên làm lây lan COVID-19, nhưng LS. Huỳnh Phan Thiên Phúc cho rằng Vietnam Airlines không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một khu vực phong toả phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Một khu vực phong toả phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng chi nhánh Đà Nẵng đã trao đổi với VietTimes về việc một tiếp viên hãng hàng không VietnamAirlines vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 khi tự ý đi lại, tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly, khiến tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 ở TP HCM diễn biến phức tạp.

- Pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm nhóm A của Việt Nam quy định như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Pháp luật Việt Nam hiện tại có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm nhóm A như: Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009; Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017; Nghị định 101/2010/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP).

Với quy định đó, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh, mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh, bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, bị xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm các quy định về y tế và trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

- Luật sư cho biết thêm quy định pháp luật đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19 và xác định COVID-19 là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và xử lí các hành vi vi phạm như tôi đã nêu trên.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng chi nhánh Đà Nẵng

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng chi nhánh Đà Nẵng

- Các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch truyền nhiễm sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch truyền nhiễm được sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, cụ thể các mức phạt tối đa như sau:

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm: phạt tiền đến 01 triệu đồng (khoản 1 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang): phạt tiền đến 03 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: phạt tiền đến 10 triệu đồng (Điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: Phạt tù đến 12 năm (Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017).

- Vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người: Phạt tù đến 12 năm (Điều 295 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017);

- Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông: phạt tù đến 07 năm (Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017).

- Chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch: phạt tù đến 07 năm (Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017).

- Có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính (Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017): với cá nhân thì phạt tiền lên đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 15 năm, với pháp nhân thương mại thì phạt tiền lên đến 9 tỉ đồng.

- Với hành vi của nam tiếp viên hàng không, theo quan điểm của luật sư sẽ bị xử lý ra sao? Có truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo thông tin mà tôi được biết thông qua các phương tiện truyền thông, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, nam tiếp viên hàng không này trước hết đã tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác là bệnh nhân 1325.

Bên cạnh đó, trong thời gian cách ly tại nhà, tiếp viên hàng không này đã tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và 2 người bạn mà không sử dụng các phương pháp phòng dịch quy định. Theo tôi, hành vi này đã vi phạm quy định về cách ly theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Do đó, nam tiếp viên hàng không này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất lên đến 10 triệu đồng.

Trong trường hợp tiếp viên này làm lây lan dịch bệnh cho người khác và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 12 năm theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.

- Dưới góc độ cơ quan quản lý nhân viên, Vietnam Airlines có liên đới trách nhiệm không và trách nhiệm đến đâu?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhân viên, Viet Nam Airlines đã thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với Tổ bay của Vietnam Airlines.

Còn nam tiếp viên hàng không trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã vi phạm các quy định về cách ly khi cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Do đó, tôi cho rằng Vietnam Airlines không phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật cùng tiếp viên hàng không trong trường hợp này.

Tuy nhiên, không chịu trách nhiệm trước pháp luật không đồng nghĩa với việc không phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Qua sự việc lần này, có thể thấy, Vietnam Airlines đã chủ quan trong công tác quản lý.

Chính vì vậy, tôi cho rằng không riêng gì Vietnam Airlines, mà tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội đều cần phải đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, phải thực hiện nghiêm túc việc cách ly khi có yêu cầu nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Xin cảm ơn!

Bệnh nhân 1342 (SN 1992, quốc tịch Việt Nam) là tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines

Từ ngày 14/11-18/11, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), bệnh nhân 1342 đã tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác là bệnh nhân 1325.

Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân 1342 được về cách ly tại nhà trọ (Phòng 305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và 2 người bạn (một nam, một nữ, người bạn nam ở cùng nhà trọ).

Ngày 28/11, bệnh nhân 1342 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Truy vết lịch trình di chuyển của bệnh nhân 1342, ngàng y tế TP HCM xác định bệnh nhân có tiếp xúc gần với 5 người và tiếp xúc xa với 32 người khác. Hiện đã có 17 người được đưa đi cách ly tập trung, 20 người cách ly tại nhà.

Trong số 37 người tiếp xúc với bệnh nhân 1342 đã có 36 người âm tính, một người tiếp xúc gần có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 30/11, đó là bệnh nhân 1347.