Vietcombank sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 4,5 tỷ USD

Tại buổi đối thoại với nhà đầu tư của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) do Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/7, rất nhiều câu hỏi "nóng" của nhà đầu tư đã đặt ra cho lãnh đạo của VCB.
Vietcombank sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 4,5 tỷ USD

Tại sao trích lậpdự phòng rủi roquý 2/2015 củaVCBtăng mạnh lên tới 2.994 tỷ đồng, tăng trên 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 1/2 so với tổng mức trích lập cả năm là 5.500 tỷ đồng? VCB đã bánnợ xấucho VAMC là bao nhiêu?

Bà Lê Thị Hoa, thành viên Hội đồng quản trị VCB cho biết: Năm 2015 là năm VCB thực hiện phân loại nợ theo chuẩn mới Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, do đó nợ xấu 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh lên tới 2,4% trên tổng dư nợ. Dự báo nợ xấu tăng, ngay từ đầu năm VCB đã lên kế hoạch dành 5.500 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Tuy nhiên, nợ xấu năm 2015 sẽ không tăng đột biến, vì ngay từ khi có Dự thảo của Thông tư 02 cuối năm 2013, VCB đã chuẩn bị tinh thần và áp ngay tiêu chí phân loại nợ mới từ năm 2014. Theo tính toán của VCB, khoản trích lập dự phòng rủi ro cả năm 2015 chỉ ở mức 5.500 tỷ đồng, không bị vỡ kế hoạch.

Hiện VCB đã bán 1.018 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Những năm 2009-2010 tỷ suất ROE của VCB có lúc lên tới 25%, Tại sao VCB lại đặt chỉ tiêu ROE trong chiến lược 05 năm từ 2016-2020 ROE chỉ ở mức 12-15% trong khi tiềm năng của VCB rất lớn? Năm 2020, VCB sẽ tăng vốn lên 4,5 tỷ USD bằng nguồn nào? Xu hướng lãi cận biên ròng (NIM) trong thời gian tới của VCB thế nào?

Bà Hoa cho biết, ROE năm 2013-2014 chỉ ở mức 10%, năm 2009 trên 20% là do lợi nhuận ngân hàng lúc đó cao nhưng vốn chủ sở hữu thấp. Những năm gần đây, kinh doanh ngân hàng khó khăn do chất lượng doanh nghiệp không còn như trước nên lợi nhuận của VCB giảm. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an toàn hoạt động như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) phải đảm bảo trên 9%, trong khi năm 2014 CAR của VCB là 14,5% khiến tỷ lệ ROE chỉ còn 10,8%.

Trước năm 2011, lợi nhuận ngân hàng chủ yếu từ hoạt động tín dụng chiếm đến 70%, từ năm 2012 ngân hàng Nhà nước thực hiện khống chế trần tín dụng, năm 2012 là 12%, năm 2013 tối đa là 12%, năm 2014 là 13-15%. Trong khi tổng tài sản tăng nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng, hoạt động tín dụng bị khống chế trần khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh, ROE cũng giảm theo.

Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận, lao đao, nhưng VCB vẫn tăng trưởng dù lợi nhuận không cao. 6 tháng đầu năm nay, VCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng. Năm nay, VCB sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 17%. Cả năm 2015, VCB ước đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới dưới 2,5%.

Từ năm 2016, hoạt động của ngân hàng Việt Nam sẽ tốt hơn, VCB tính toán ROE ở mức 12-15%, tăng tín dụng 17-18%/năm, tăng thu nhập ngoài lãi hiện 31%-32% sẽ được tăng lên, nợ xấu giảm. Năm 2016, VCB tiếp tục bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Về việc tăng vốn chủ sở hữu 4,5 tỷ USD vào 2020, VCB sẽ lấy nguồn từ phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài, từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ nguồn phần từ M&A.

Như vậy, năm 2015, VCB sẽ tiến hành bán vốn cho cổ đông nước ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 77% xuống còn 70% và tiếp tục giảm xuống mức 65% trong thời gian tới.

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn nếu thực hiện được thì nguồn này mỗi năm VCB sẽ tăng vốn được thêm 10%.

Về kế hoạch M&A để tăng vốn, hiện Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho VCB có kế hoạch hợp nhất với một ngân hàng để giảm số lượng ngân hàng từ 30 xuống còn 20 ngân hàng. Đây là cơ hội của VCB. Khi có quyết định thống nhất sáp nhập với một ngân hàng, VCB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Về lãi cận biên (NIM) năm 2014 của VCB là 2,35%, giảm so với năm 2010 NIM là 3,4%. Đến 6 tháng 2015, NIM đã được cải thiện tăng từ mức 2,35% lên 2,57%. Với lãi suất tương đối ổn định và tài sản có tương đối tốt thì NIM sẽ tăng lên, năm nay không hy vọng NIM tăng nhanh do xử lý nợ xấu theo Thông tư 02.

Thông tin trước đó về việc ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) sáp nhập vào VCB đến nay không thấy đề cập đến? Thông tin VCB ủy quyền tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) gần 10% cho một cá nhân là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc của ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) là như thế nào? Và việc thoái vốn tại ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)?

Theo bà Hoa, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng và VCB đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước về việc thoái vốn tại Eximbank và MB (hơn 9%).

Còn việc VCB sẽ nhận sáp nhập với một ngân hàng được đưa ra trong Đại hội cổ đông bất thường năm 2014, nhưng chưa công bố tên ngân hàng nhận sáp nhập. Tên SaigonBank là thông tin trên thị trường. Về nguyên tắc sáp nhập phải bí mật thông tin cho đến lúc ký thỏa thuận sáp nhập giữa 2 ngân hàng. VCB cũng đang trong quá trình tìm kiếm ngân hàng sáp nhập và thương thảo nên chưa công bố được.

Về thông tin VCB ủy quyền cho đại diện của NamABank thì phải đợi đến khi Đại hội đồng cổ đông của Eximbank diễn ra mới biết thông tin đó đúng hay sai.

TheoBizlive