Việt Nam trong cuộc chiến viện trợ Trung - Nhật

Báo The Wall Street Journal (WSJ) có bài viết "Việt Nam giữ vai chính trong cuộc chiến viện trợ Trung - Nhật" nêu rằng trong cuộc chiến giành ưu thế kinh tế ở châu Á giữa Trung Quốc (TQ) và Nhật Bản, Việt Nam đóng vai trò trung tâm.
Việt Nam trong cuộc chiến viện trợ Trung - Nhật

Nhật viện trợ cho Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong những năm gần đây. Năm 2014, Nhật cấp khoảng 1,8 tỷ USD để xây một nhà ga mới tại sân bay quốc tế tại Hà Nội, và một đường cao tốc nhiều làn để đưa du khách vào thủ đô Việt Nam.

Trung Quốc cũng nhanh chóng tăng hỗ trợ Việt Nam, xây dựng một loạt các nhà máy điện chạy than, được tài trợ bởi ngân hàng xuất khẩu của Bắc Kinh.

Nhưng các chính khách và doanh nghiệp địa phương phàn nàn các nhà máy này thường hỏng, và các công ty Trung Quốc đưa nhân công của họ đến làm việc, thay vì thuê dụng người địa phương.

Những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gần đây đã khiến Việt Nam chủ động giảm lệ thuộc nguồn đầu tư và hỗ trợ từ Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ công thương Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải nói: "Những vấn đề chính trị gần đây trong quan hệ với Trung Quốc đang thúc đẩy chúng tôi phải đa dạng hóa”.

Không chỉ riêng Việt Nam phải xem xét lại nên đón nhận dòng tiền đầu tư của Trung Quốc thế nào. Chính phủ mới của Sri Lanka trong tháng này tạm dừng một dự án xây dựng ở thủ đô Colombo do Trung Quốc hỗ trợ 1,4 tỷ USD, với lý do lo ngại dự án này được tiến hành mà chưa có sự phê duyệt của chính phủ cũ.

Indonesia cũng phàn nàn về chất lượng của các nhà máy điện do Trung Quốc xây dựng. Và việc Myanmar mở cửa đón nguồn đầu tư từ phương tây một phần là do mong muốn giảm lệ thuộc nặng vào “nhà bảo trợ kinh tế” Trung Quốc.

Năm 2011, Myanmar đình chỉ việc xây dựng dự án xây đập trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc hậu thuẫn, và năm ngoái thì trì hoãn kế hoạch xây dựng một đường sắt cao tốc nối liền hai nước.

Nay, những nỗ lực của Bắc Kinh tạo ra một tổ chức viên trợ là một thách thức khác đối với Nhật, quốc gia từ những năm 1960 đã kiểm soát Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một đơn vị cho vay đa phương tập trung vào cơ sở hạ tầng.

Nhật cùng Mỹ lo ngại Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB, do Trung Quốc hậu thuẫn) sẽ khiến có sự vay tiền ồ ạt mà không quan tâm đển các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Các tín hiệu gần đây từ Trung Quốc, gồm việc họ từ bỏ quyền phủ quyết tại AIIB dù họ cung cấp 50 tỷ USD vốn ban đầu, theo một cách nào đó là để trấn an những nghi ngại trên, và kêu gọi một số nước châu Âu cùng tham gia.

Anh, đang thực hiện các bước để tham gia AIIB như một thành viên sáng lập, cho biết họ muốn tạo cơ hội cho các công ty trong một khu vực phát triển nhanh chóng, một sự thừa nhận về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong một phản ứng, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện một sự đầu tư mạnh mẽ vào Myanmar, miễn hàng tỷ USD các khoản vay và xây dựng các chương trình hỗ trợ.

Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đạt 7,1 tỷ USD năm 2013, xếp thứ sáu trên thế giới, sau Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật, theo một nghiên cứu năm ngoái của các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, đơn vị giám sát hỗ trợ nước ngoài của Tokyo.

Một báo cáo của chính phủ Trung Quốc gần đây, lần đầu tiên đưa ra vài chi tiết về chương trình viện trợ không minh bạch của họ, nói Trung Quốc đã chi 14,4 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài từ năm 2010 đến năm 2012.

Viện trợ của Trung Quốc hiện có thể so sánh gần bằng với Nhật Bản, khiến họ trở thành một nhà tài trợ lớn ở châu Á, một khu vực mà chương trình hỗ trợ kinh tế của Mỹ đã bỏ qua trong những năm gần đây và thay vào đó, Mỹ gửi nhiều viện trợ kinh tế của mình cho Afghanistan và Pakistan.

Cho đến cuối những năm 2000, các công ty của Nhật, châu Âu và Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam.

Sau đó, các công ty nhà nước Trung Quốc nhảy vào và được hỗ trợ nguồn tài chính giá rẻ từ Bắc Kinh.

Các doanh nhân Nhật nói rằng điều đó cho phép doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các nhà máy với một phần ba chi phí.

Các công ty Trung Quốc đã góp khoảng hai phần ba trong tổng sảng lượng điện 19.000 MW mà Việt Nam đã hòa vào lưới điện quốc gia từ năm 2007, theo ước tính của Kazuyoshi Kume, một nhà quản lý cấp cao tham gia trong dự án nhà máy điện của tập đoàn Mitsubishi Corp. tại Việt Nam.

Nhiều nhà máy Trung Quốc đã phải đối mặt với vấn đề chất lượng, gồm cả hoạt động dưới công suất, theo ông Nguyễn Quốc Trường, một nhà nghiên cứu chính thức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cơ quan giao thầu các hợp đồng nhà máy điện.

"Các nhà cung cấp Trung Quốc không thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi ", ông nói.

Hiện Nhật đang xem sự thận trọng của Việt Nam đối với viện trợ Trung Quốc là một cơ hội.

Trước khi xảy ra vụ giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981, các công ty Nhật đã giả định rằng một công ty Trung Quốc sẽ giành được hợp đồng xây dựng nhà máy điện đốt than 688 MW tại Duyên Hải.

Thay vào đó, Việt Nam đã trao hợp đồng vào tháng 11 cho tập đoàn Sumitomo Corp của Nhật.

"Đó là một tiếng nói rõ ràng... để độc lập hơn với Trung Quốc," theo lời Đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukuda cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Ông nói Nhật đã làm việc tích cực để tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

"Những gì chúng ta đang bắt đầu thấy hiện nay, là các nước không muốn trở nên quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc", Philippa Brant, một chuyên gia về viện trợ Trung Quốc tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, nói. "Thực tế là viện trợ của Trung Quốc vốn chẳng tốt hơn"

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Bộ Tài chính Trung Quốc từ chối bình luận. Những cố gắng để liên hệ với Ngân Hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, bên giám sát việc cho vay ưu đãi, đã không thành công.

Bắc Kinh cho biết họ hy vọng AIIB có thể làm việc cùng với các tổ chức hiện có để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng của châu Á

Việt Nam đang thực hiện các điều chỉnh khác sau sự cố giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981. Việt Nam nhập khẩu một phần lớn phân bón từ Trung Quốc, nhưng trong năm 2014 nhập khẩu giảm 20% so với năm trước, với nguồn cung phần lớn đến từ Nga và Đài Loan.

Đầu năm 2015, tập đoàn Itochu Corp của Nhật cho biết: họ đang nắm cổ phần lớn nhất trong công ty sản xuất hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.

Một trong những mục tiêu của việc này là thắt chặt các mối quan hệ để phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam, vốn đang phải nhập khẩu vải từ Trung Quốc với giá trị khoảng 3 tỷ USD hàng năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, không chỉ vì họ có nguồn tiền viện trợ lớn, mà còn có thể xây dựng cơ sở hạ tầng với giá rẻ hơn, các quan chức Nhật nói

Trong vài tuần tới, Trung Quốc và Việt Nam lên kế hoạch kết nối một đường cao tốc mới, sẽ giảm thời gian đi lại giữa thủ đô Hà Nội với thành phố Côn Minh ở miền nam Trung Quốc để thúc đẩy thương mại.

Bất chấp sự cảnh giác về Trung Quốc, Kenichi Yamamoto, phó giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ở Hà Nội cho biết , "chính phủ biết họ cần phải có một mối quan hệ gần gũi."

Theo: BizLive