Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đạt 0.5931 điểm, xếp thứ 88 trên tổng số 193 quốc gia. Với kết quả này, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 6 trên tổng số 11 quốc gia (đứng sau Singapore, Malaysia, Brunei, Philippines và Thái Lan).
Chỉ số phát triển Chính phủ Điện tử của Liên hiệp quốc là trung bình của 3 chỉ số thành phần về 3 hạng mục:
- Dịch vụ công trực tuyến
- Hạ tầng viễn thông
- Nguồn nhân lực
Xếp hạng Chính phủ Điện tử của Việt Nam giai đoạn 2008 -2018
|
Với chỉ số tổng thể đạt 0.5931, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ Điện tử ở mức cao, và cao hơn so với chỉ số Chính phủ Điện tử trung bình của thế giới (0.5491), của khu vực châu Á (0.5779) và khu vực Đông Nam Á (0.5555).
Về chỉ số của 3 thành phần, Việt Nam đã được Liên hiệp quốc chấm điểm như sau:
- Dịch vụ công trực tuyến: 0.7361, xếp hạng 59/193
- Hạ tầng viễn thông: 0.389, xếp hạng 100/193
- Nguồn nhân lực: 0.6543, xếp hạng 120/193.
So với báo cáo năm 2016, Việt Nam có 2 chỉ số đã tăng hạng là Dịch vụ công trực tuyến (tăng 15 bậc từ 74 lên 59) và Nguồn nhân lực (tăng 7 bậc từ 127 lên 120).
Chỉ số Chính phủ Điện tử của Việt Nam năm 2018 so với các chỉ số trung bình khu vực và thế giới
|
Đối với chỉ số hạ tầng viễn thông, mặc dù giá trị chỉ số tăng so với năm 2016 nhưng xếp hạng đối với chỉ số này lại giảm 10 bậc (từ 90 xuống 100).
Tình hình áp dụng Chính phủ Điện tử ở các nước trên thế giới
Đan Mạch là quốc gia xếp vị trí số 1 về Chính phủ Điện tử. Đây là một bước tiến lớn của nước này khi năm 2016 Đan Mạch đứng thứ 9. Kể từ năm 2016, nước này đã triển khai chương trình “Chiến lược số Giai đoạn 2016 – 2020”. Australia và Hàn Quốc lần lượt xếp thứ hai và thứ ba. Đối với Hàn Quốc, mặc dù triển khai rất tốt về Dịch vụ công trực tuyến và Hạ tầng viễn thông, nhưng việc phát triển Nguồn nhân lực vẫn thấp so với các quốc gia xếp hạng đầu.
Hàn Quốc cũng được đánh giá cao trong việc chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các chiến lược chính phủ số đối với các quốc gia phát triển, cụ thể trong 10 năm qua, Hàn Quốc đã có chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho 4,820 nhân viên chính phủ của các quốc gia khác.
Vương quốc Anh từ vị trí số 1 trong năm 2016 đã giảm xuống hạng 4 trong bảng xếp hạng, tuy nhiên ưu điểm nổi bật của Vương quốc Anh là cung cấp được Cổng tích hợp Dịch vụ trực tuyến một cửa.
Chỉ số Chính phủ Điện tử của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á
|
Trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đều có sự cải thiện tích cực so với năm 2016. Tám trong số mười một quốc gia có sự tăng hạng về xếp hạng chung. Một số điển hình như Brunei đã tăng 24 bậc từ 83 lên 59 chỉ trong 3 năm, và Malaysia tăng 13 bậc từ 60 lên 48.
Chỉ số Tham gia Điện tử
Ngoài chỉ số về Chính phủ Điện tử, Liên hiệp quốc còn công bố chỉ số phụ về Tham gia Điện tử. Đây là chỉ số dùng để tham khảo, không sử dụng cho việc xếp hạng chính phủ điện tử. Mục đích của chỉ số là khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ.
Xếp hạng Tham gia Điện tử của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2018
|
Theo báo cáo năm 2018, vị trí xếp hạng Tham gia Điện tử của Việt Nam là 72/193 quốc gia với số điểm là 0.691 – cao hơn chỉ số trung bình của thế giới (0.5654), của khu vực châu Á (0.6126) và Đông Nam Á (0.5557).