TRIỂN KHAI CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

Người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước

VietTimes -- Việc đầu tiên cần thực hiện trong định hướng triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam là chuyển mạnh trọng tâm sang Người dân làm trung tâm. Theo đó, người dân không cần cung cấp lại những giấy tờ, thông tin liên quan đến người sử dụng nếu đã từng thực hiện thành công dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quan điểm này của ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, hiệu quả”, vừa diễn ra sáng nay (5/7). Hội thảo, do Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và công ty IDG Vietnam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP. Hà Nội.

CQNN tăng cường tương tác với người dân qua MXH

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, việc này nhằm thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, giảm thiểu số lần người sử dụng phải đến cơ quan nhà nước, đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng.

ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học, Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh: Ngô Minh)
 ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học, Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh: Ngô Minh)

Vị Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng, việc triển khai các công nghệ mới của CMCN 4.0 (IoT, Big Data, AI, Blockchain...) chính là nhằm tối ưu hóa quy trình, đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của CQNN từ giấy tờ chuyển sang hoạt động chủ yếu dựa trên dữ liệu, giúp chi phí giảm, hiệu quả, hiệu lực tăng.

Hơn thế nữa, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cũng cần “năng động” hơn, tăng cường và nâng cao hiệu quả các kênh giao tiếp của CQNN với người dân, doanh nghiệp phù hợp với xu thế phát triển công nghệ bao gồm: mạng xã hội (chatbot, phản ánh bức xúc, kiến nghị về giải quyết TTHC, chất lượng y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm (tra cứu nguồn gốc thực phẩm), bảo vệ môi trường,... bằng hình ảnh, video từ  smartphone), IoT (người dân giám sát qua hệ thống camera của CQNN, thiết bị đánh giá mức độ hài lòng...).

TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông số Việt Nam rất chú ý các nội dung trình bày về việc tăng hiệu quả tương tác giữa CQNN và người dân (ảnh: Ngô Minh)
TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông số Việt Nam rất chú ý các nội dung trình bày về việc tăng hiệu quả tương tác giữa CQNN và người dân (ảnh: Ngô Minh)

Coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và phải làm một cách quyết liệt công tác cải cách hành chính, phải gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp và coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển.

ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)
  ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)

Nói về việc triển khai Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý: “Từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách”.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, thời gian qua, Bộ TT&TT cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 36, Nghị quyết 36a cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử; đã có những điểm sáng nhất định về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, kết quả đạt được thực tế còn chưa được như mong muốn, còn cần phải có cách làm mới, có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần nhân rộng các mô hình, bài học thành công; rút kinh nghiệm từ các bài học không thành công.

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của các lãnh đạo tỉnh, thành, ban ngành trên toàn quốc (ảnh: Ngô Minh)
 Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của các lãnh đạo tỉnh, thành, ban ngành trên toàn quốc (ảnh: Ngô Minh)

Theo báo cáo của Văn phòng chính phủ, trong quý I năm 2018, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân đều đã được nâng cao. Về số lượng dịch vụ công trực tuyến, tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử (ảnh: Ngô Minh)
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử  (ảnh: Ngô Minh)

Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến còn các địa phương cung cấp tổng cộng 45.374 dịch vụ.

Bên cạnh đó, chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể; tỉ lệ người dùng internet là 54,2% tổng dân số; số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 người dân; số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng di động là 48,4 thuê bao/100 dân.

Lê Mai - Đăng Khoa - Việt Anh