Sáng nay (21/9), UBTVQH tiếp tục cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng. Chủ nhiệm UB Tư pháp, Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo tham nhũng năm nay, Chính phủ vẫn cơ bản giữ dòng nhận định đã nêu ra nhiều năm qua như: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền để xảy ra tham nhũng. Mặc dù trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.
UB Tư pháp đánh giá, hiện nay việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Thậm chí người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. Thực tế, có hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước; gây bức xúc trong dư luận.
Mặt khác, báo cáo của Chính phủ cũng có vấn đề khi 4 năm gần đây không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như những năm 2012 trở về trước, nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp đánh giá “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”. Đồng thời, Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố thể hiện, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Chính vì vậy, tại phiên họp UB Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá chính xác hơn tình hình, mức độ tham nhũng theo các tiêu chí cụ thể để có giải pháp tương xứng.