Vấn đề gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19: Viện trưởng Bùi Hồng Quân nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Có quá nhiều yếu tố tác động đến việc liệu có thể từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19?” – Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam khẳng định.
Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam - Ảnh: Hoà Bình
Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam - Ảnh: Hoà Bình

Phóng viên: Thưa ông, trước tình trạng các Chính phủ vẫn đang phải cố gắng giành giật từng lô vaccine COVID-19 về cho người dân của quốc gia mình như hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng nên từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19, để nhiều quốc gia có thể sản xuất được vaccine hơn, giúp cho quá trình dập dịch COVID-19 dễ dàng hơn. Theo góc nhìn từ một người làm khoa học, xin ông cho biết, liệu việc từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 có khả thi?

Ông Bùi Hồng Quân: - Tất nhiên, với tư cách là một người dân, tôi mong muốn có vaccine được cung cấp với số lượng lớn, thoải mái để người dân có nhu cầu sẽ được tiêm phòng. Nhưng phải nói ngay rằng gỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 thì có công bằng đối với các nhà khoa học đã sáng chế vaccine này hay không?

Đừng nghĩ là chúng ta muốn là được, có quá nhiều yếu tố tác động đến việc liệu có thể từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19.

Những người nói nên từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 chỉ đơn giản là họ không phải người sở hữu bằng sáng chế đó. Đừng khuyên người khác làm một việc mà tất cả chúng ta cùng không ai hiểu rõ. Bản quyền vaccine không chỉ là sở hữu trí tuệ mà còn là tài sản thương mại.

Chỉ tính riêng bản quyền sở hữu trí tuệ của vaccine COVID-19 chúng ta đã không ai biết rõ phạm vi của quyền này tới đâu, được bảo hộ đến cỡ nào, liệu có thể thay đổi phù hợp với những điều kiện như thế nào. Bản quyền của các vaccine đã nghiên cứu thành công và được phê duyệt đưa ra sử dụng cho người dân thế giới đều đang nằm ở những nước châu Âu, Mỹ. Luật của các nước này quy định cụ thể thế nào? Liệu có thể từ bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ hay không còn tuỳ thuộc vào luật quy định.

Còn về khía cạnh kinh tế, nên hiểu rằng sự việc không chỉ đơn giản là gỡ bỏ quyền sở hữu tài sản trong bằng sáng chế vaccine, mà đây sẽ là câu chuyện khiến lộ ra những bí mật thương mại lớn mà các công ty như Pfizer, BioNTech và Moderna… đều không thể công khai.

Số lượng vaccine được nhập về hiện tại chỉ đủ tiêm cho các lực lượng ưu tiên trên tuyến đầu chống dịch

Số lượng vaccine được nhập về hiện tại chỉ đủ tiêm cho các lực lượng ưu tiên trên tuyến đầu chống dịch

*“Nới lỏng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đảm bảo được việc sản xuất các chủng vaccine” – George Nakayama, Chủ tịch của Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản (JPMA), nói trong một tuyên bố. Việc này có đúng không, thưa ông?

Ông Bùi Hồng Quân: - Đơn vị sản xuất có bằng sáng chế đã đầu tư khủng để có được vaccine cho thế giới, nếu bây giờ họ bị yêu cầu phải gỡ bỏ quyền sở hữu tài sản đối với vaccine này, họ sẽ mất đi nhiều phần lợi nhuận, vì thế, đương nhiên họ sẽ giảm mức độ sản xuất xuống, vì các nhà sản xuất khác trên toàn cầu đều có thể làm ra các vaccine tương tự đáp ứng cho thị trường.

Nhưng nếu nhà sản xuất có bằng sáng chế không bàn giao công nghệ, thì thử hỏi là các nước khác có thể sản xuất được vaccine với chất lượng tốt đúng như bản gốc hay không?

Có thể dễ dàng hình dung khi đó trên thị trường có xảy ra tình trạng khan hiếm hơn nữa các vaccine COVID-19 đảm bảo chất lượng, được sản xuất tuân thủ quy trình nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất có bằng sáng chế, trong khi lại tràn ngập những loại vaccine “phiên bản”, với chất lượng thấp hơn nhiều lần?

Nên nhớ, đây không phải chỉ là sở hữu trí tuệ hay quyền tài sản, mà là tính mạng con người.

*Chính quyền Mỹ đã lên tiếng ủng hộ việc gỡ bỏ tạm thời bản quyền vaccine COVID-19, chính quyền của một số nước chưa phát triển khác cũng có ý kiến tương tự. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói chuyện với ông Biden về đề xuất này và đã nhận được ý kiến đồng thuận. Ông đánh giá về việc này thế nào?

Ông Bùi Hồng Quân - Viện trưởng Viện CNSH và Ứng dụng vi sinh miền Nam - Ảnh: Hoà Bình
Ông Bùi Hồng Quân - Viện trưởng Viện CNSH và Ứng dụng vi sinh miền Nam - Ảnh: Hoà Bình

Ông Bùi Hồng Quân: - Tôi có nghe thông tin Ấn Độ và Nam Phi hồi tháng 10/2020 đã gửi đề xuất về nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ đối với các chủng vaccine COVID-19 cùng một số thuốc khác tới Hội đồng về Các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO. Họ yêu cầu “nới lỏng việc bổ sung, áp dụng và thực thi” một số điều khoản của hiệp định TRIPS liên quan tới “ngăn chặn, kiềm chế và điều trị COVID-19”.

Mặc dù Ấn Độ trước đây được đánh giá là một trong số các quốc gia sản xuất thuốc, dược phẩm, vaccine lớn nhất toàn cầu. Nhưng xét trên thực tế tình trạng dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, lan tràn, mất kiểm soát ở Ấn Độ như hiện tại, thì thế giới liệu có thể trông chờ vào sự can thiệp của Ấn Độ?

Việc này, phải tầm WHO đứng ra chủ trì, bàn bạc giữa lãnh đạo các quốc gia; hoặc giữa những nhóm quốc gia cụ thể có đủ năng lực để sản xuất vaccine.

Tôi xin nhắc lại là việc sản xuất vaccine COVID-19 là tính mạng con người, chứ không chỉ là sở hữu trí tuệ hay quyền sở hữu thương mại của một món hàng.

Giả sử các nhà khoa học Việt Nam, sau khi triển khai thành công vaccine COVID-19 của Việt Nam, thế giới cũng có ý kiến là Việt Nam nên từ bỏ quyền sở hữu vaccine để cộng đồng có lợi. Khi đó, cũng sẽ là một bài toán nhức đầu. Và đến lúc này thì chắc chắn một điều là không chỉ có các nhà khoa học (mặc dù họ thực sự đang là người sáng chế ra vaccine) được quyền quyết định giữ hay không giữ. Quyền quyết định cho vấn đề này thuộc về Chính phủ.