Một số các nước đang phát triển như Pakistan, Mông Cổ và một nhóm các nước ít phát triển hơn, trong đó có Bangladesh, đã ủng hộ ý tưởng trên. Họ cho rằng các bằng sáng chế cùng nhiều hạn chế khác đã làm chậm trễ quyền tiếp cận của người dân với các chủng vaccine COVID-19 và có thể khiến cho đại dịch bị kéo dài.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm trong tuần nói rằng Bắc Kinh cũng ủng hộ đưa đề xuất “miễn trừ đối với các vật liệu chống dịch” vào giai đoạn tham vấn.
Ở phe đối diện, các công ty dược phẩm lại đang phản đối kịch liệt đề xuất này, không chỉ ở nước Mỹ mà ở nhiều nước khác như Nhật Bản.
Vậy ai sẽ có lợi nếu như quy định về bảo vệ bằng sáng chế được nới lỏng? Những ảnh hưởng tiêu cực từ đề xuất này là gì? Sau đây là 5 điều cần phải biết về cuộc tranh luận gay gắt này.
Ý kiến này bắt nguồn từ đâu?
Ấn Độ và Nam Phi trong tháng 10/2020 đã gửi đề xuất về nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ đối với các chủng vaccine COVID-19 cùng một số thuốc khác tới Hội đồng về Các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO. Họ yêu cầu “nới lỏng việc bổ sung, áp dụng và thực thi” một số điều khoản của hiệp định TRIPS liên quan tới “ngăn chặn, kiềm chế và điều trị COVID-19”.
Ý nghĩa của đề xuấ này không chỉ đơn giả là gỡ bỏ quyền sở hữu tài sản trong các bằng sáng chế, mà còn khai mở nhiều bí mật thương mại. Các công ty như Pfizer, BioNTech và Moderna đều không công khai mọi công nghệ có liên quan trong các tài liệu bằng sáng chế.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng chính quyền Biden “nhằm mục tiêu đưa nhiều vaccine hiệu quả và an toàn cho nhiều người dân nhất có thể”. Bà cũng nói “Những cuộc đàm phán này sẽ mất thời gian, do WTO đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, và bởi tính phức tạp của các vấn đề liên quan”.
Bà Tai trong hôm thứ Năm tuần này nhắc lại sự ủng hộ của bà với đề xuất trên trước các nhà lập pháp Mỹ, và cả trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Nam Phi; theo Reuters.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (Ảnh: Reuters) |
Một số nhà quan sát coi động thái của Mỹ là phản ứng trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong số các nước đang phát triển, thông qua “ngoại giao vaccine”. Mỹ cũng bị chỉ trích là tích trữ vaccine – khiến cho họ phải đưa ra một tuyên bố hồi cuối tháng 4 rằng sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca ngay khi chúng đạt được các tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Gỡ bỏ tạm thời bằng sáng chế có thực sự giúp cải thiện quyền tiếp cận vaccine?
Đã từng có một tiền lệ về điều này. Điển hình là với các loại thuốc điều trị AIDS và HIV, giá cả của chúng đã giảm là nhờ vào việc nới lỏng quy định về sở hữu trí tuệ theo Tuyên bố Doha năm 2001, và một thỏa thuận có liên quan vào năm 2003. Những quốc gia hứng chịu tình trạng khẩn cấp y tế được cho phép sản xuất các loại thuốc có bằng sáng chế mà không cần sự đồng thuận của công ty giữ bằng sáng chế. Các nước không đủ khả năng sản xuất được trao cho lựa chọn nhập khẩu thuốc generic với giá rẻ hơn, được sản xuất ở những nơi như Ấn Độ.
Nhưng trong trường hợp của vaccine COVID-19, cần phải có cả những thông tin vốn không được ghi trong các bằng sáng chế mới có thể sao chép công thức. Và nhiều công ty dược phẩm lớn tranh luận rằng việc từ bỏ tạm thời bằng sáng chế sẽ không thể lập tức tăng quyền tiếp cận của người dân với vaccine.
“Nới lỏng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đảm bảo được việc sản xuất các chủng vaccine” – George Nakayama, Chủ tịch của Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản (JPMA), nói trong một tuyên bố.
Ông Nakayam cảnh báo rằng sản lượng vaccine khi có thêm nhiều hãng tham gia sản xuất “có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô tăng lên nhanh hơn” và các trang thiết bị cần thiết như ống đựng vaccine, cũng trở nên khan hiếm – trong khi không có gì đảm bảo rằng vaccine do các hãng khác sản xuất có chất lượng ngang bằng với vaccine của nhà sản xuất có bằng sáng chế.
Một số người cũng cho rằng tình trạng thiếu nguyên liệu thô có thể khiến những hãng sản xuất vaccine hiện tại khó lòng tăng sản lượng, cuối cùng chỉ khiến giá vaccine bị đẩy lên cao.
Tranh luận của phía Ấn Độ là gì?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói chuyện với ông Biden về đề xuất này trong một cú điện đàm ngày 26/4. Sauk hi Mỹ ủng hộ đề xuất, chính phủ của ông Modi đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 6/5: “Nới lỏng quy định về quyền sở hữu trí tuệ là một bước đi quan trọng để nhanh chóng tăng cường sản xuất và tăng kịp thời lượng vaccine COVID-19 giá cả phải chăng sẵn có, cùng các sản phẩm y tế thiết yếu khác”.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trực tuyến hôm thứ Tư tuần này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã kêu gọi các nước chia sẻ vaccine với những quốc gia đang thực sự cần. Đề xuất chung với Nam Phi, ông nói, chỉ đặt ra mục tiêu là “nới lỏng TRIPS một cách tạm thời và rất tập trung” để chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19.
Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19, với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Ông Goyal nói rằng tốc độ chính là yếu tố tiên quyết, đồng thời kêu gọi không chỉ nới lỏng TRIPS mà còn cả chuyển giao công nghệ và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô.
Ông cũng tranh luận rằng, việc tăng cường sức mạnh cho Ấn Độ - vốn được xem là nhà máy sản xuất vaccine của toàn thế giới – có thể “thực sự giúp toàn thế giới tăng sản lượng vaccine một cách nhanh chóng”.
“Tôi thực sự hy vọng rằng nỗ lực và hành động chung của toàn cầu này…sẽ đơm hoa kết trái” – ông Goyal nói – “Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất này và tôi chắc chắn rằng những người chưa ủng hộ sẽ trân trọng một điều rằng, đề xuất này là để mang lại điều tốt cho mọi người”.
Các chuyên gia y tế Ấn Độ cũng ra sức ủng hộ đề xuất này, khi họ phải chứng kiến hàng loạt bệnh viện trong nước bị quá tải.
“Mọi người nên bỏ qua lợi nhuận” – Rajinder K. Dhamija, giám đốc khoa thần kinh của Học viện Y tế Lady Hardinge, thủ đô New Delhi, nói với Nikkei Asia. “Mới đây, Mỹ đã phản ứng tích cực trước đề xuất của Ấn Độ với WTO, nhưng tôi tin rẳng EU và Anh không ủng hộ”, ông nói, thêm rằng việc nới lỏng quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là tạm thời, có thể trong 1 – 2 năm.
Ông nhấn mạnh rằng, đề xuất trên nếu thành hiện thực cũng sẽ được áp dụng với cả vaccine Covaxin của Ấn Độ, “bởi vậy các nước khác cũng có thể sản xuất nó. Tương tự, đề xuất này có thể dọn đường cho vaccine của Pfizer và Moderna được sản xuất ở Ấn Độ”.
Khi được hỏi liệu các nhà sản xuất ở Ấn Độ có chịu từ bỏ lợi nhuận để ủng hộ để xuất này hay không, ông Dhamija nói: “Tôi không nghĩ rằng đây là vấn đề quan ngại.” Ông nói các nhà sản xuất vaccine trong nước vốn đã bán ra các mũi tiêm của họ với giá thấp, chỉ hơn 2 USD/liều, để hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng của chính phủ.
Ông Dhamija cũng hiểu được lý do tại sao có nhiều người phản đối đề xuất này. “Có thể rất dễ dàng khi cho đi một công thức vaccine, nhưng chuyển giao công nghệ lại là vấn đề rất khó giải quyết. Ngoài ra còn có nhiều quan ngại về quản lý chất lượng”. Nhưng ông nhấn mạnh về khẩu hiệu “không có ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.
Trung Quốc có hưởng lợi từ đề xuất này?
Bên trong một cơ sở sản xuất vaccine của Pfizer-BioNTech ở Đức (Ảnh: Reuters) |
Các tập đoàn dược phẩm phương Tây đang đưa ra tranh luận với giới chức Mỹ rằng, họ lo sợ để rơi công nghệ vào tay Trung Quốc, theo Financial Times. Những công nghệ vốn chưa được công khai này có thể được sử dụng không chỉ để sản xuất vaccine COVID-19, mà còn nhiều chủng vaccine và nhiều phương pháp chữa bệnh khác – vốn tạo nên lợi thế cạnh tranh của các công ty này.
Pfizer và Moderna đã sản xuất ra các chủng vaccine mRNA, một công nghệ mới không có chứa virus còn sống mà thay vào đó chỉ đạo cho các tế bào sản sinh ra một loại protein được tìm thấy trên virus corona, từ đó tạo ra kháng thể. Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc, trong khi đó, dựa vào các phương pháp truyền thống là sử dụng virus đã bị suy yếu.
Hội Các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ (PhRMA) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, quan điểm ủng hộ của Mỹ trước đề xuất trên đồng nghĩa với việc “trao các sáng kiến của người Mỹ vào tay các nước đang tìm cách làm xói mòn vị thế dẫn đầu của chúng ta trong các phát kiến y sinh”.
Nhưng nhiều nhà phân tích khác lại nói việc nới lỏng quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Một lý do là, các công ty dược của Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu như giá vaccine giảm. “Sẽ có sức ép cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty dược ở cả trong và ngoài nước Mỹ”, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, ông Banri Ito, Giáo sư tại ĐH Aoyama Gakuin, Nhật Bản, nói.
Nếu theo dõi thị trường chứng khoán thì điều này rõ ràng. Giá cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine Trung Quốc, như CanSino và Shanghai Fosun Pharmaceutical Group, đều giảm sau tuyên bố ủng hộ đề xuất của Mỹ. Giá cổ phiếu của Pfizer, Moderna cũng vậy.
Giới truyền thông Trung Quốc tỏ ra thờ ơ trước động thái của Mỹ, gọi nó là một “chiến thuật chính trị”.
Đề xuất này ảnh hưởng thế nào tới ngành công nghiệp dược về dài hạn?
Một mối quan ngịa lớn chính là các hãng dược mất đi động lực để nghiên cứu và phát triển ra các dược phẩm mới.
Cong tác nghiên cứu dược phẩm vốn có tỷ lệ thành công thấp và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Nếu không có lợi nhuận sản sinh nhờ vào quyền sở hữu trí tuệ, “sẽ không có thuốc mới”, và nhiều công ty dược không thể nào thu lại đủ khoản đầu tư của họ; một phát ngôn viên của JPMA nói.
Ông Ito nói rằng, điều này làm dấy lên “nhiều quan ngại về cách phản ứng với các dịch bệnh trong tương lai”. Phát triển nhanh vaccine, ông nói, phần lớn lấy động lực từ thị trường.
Nếu như phải từ bỏ bằng sáng chế tạm thời, ông Ito cho rằng cần phải đưa ra những bước đi mới để tạo động lực cho sáng tạo, như thiết lập một quỹ để mua lại kiến thức của các công ty dược. Tuy nhiên, việc xác định mức giá và giải quyết các vấn đề về bí mật công nghệ thì không phải dễ.
Ông Ito nói rằng, một giải pháp nhanh hơn có thể là: Các nước thành viên G7 “cân nhắc các chính sách tăng cường khả năng sản xuất và củng cố sáng kiến COVAX của WHO để mua, phân phối vaccine tới các nước đang phát triển”.
Theo Nikkei Asia