Trước vấn về vấn đề “nóng” gây tranh cãi khi vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga được công bố, ông Bùi Hồng Quân - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam - tuyên bố: Sẵn sàng là một trong những người đầu tiên chích ngừa vaccine Sputnik V nếu được nhập về Việt Nam.
Nga vừa cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 40.000 người vào đầu tuần tới (Ảnh: Business Insider)
|
Đòn bẩy tuyệt vời thúc đẩy phát triển khoa học về vaccine
Phóng viên: Thưa ông, việc công bố vaccine Sputnik V của Nga đã khiến giới khoa học chia làm hai luồng dư luận đối nghịch, nhiều người lên án cho rằng vaccine này đã được công bố vội vàng, liều lĩnh, nguy hiểm, thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức?
Ông Bùi Hồng Quân: Tôi đồng ý với ý kiến của PGS.TS Trần Cát Đông, nguyên Trưởng bộ môn Vi sinh-Ký sinh (Đại học Y Dược TP.HCM), Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN), tổ chức KHCN trực thuộc Đại học Y Dược TP.HCM, đừng nên “đóng khung” đạo đức một cách cứng nhắc. Đạo đức cao nhất chính là cứu người bệnh, và vaccine đóng vai trò phòng bệnh.
Tuy nhiên, việc liên quan đến vaccine thì cũng phải tuân thủ đúng quy trình trước khi sản xuất đại trà thành sản phẩm thương phẩm. Một số hãng tin lớn của thế giới vừa đưa tin, các cuộc thử nghiệm về “Tính sinh miễn dịch và tính an toàn của vaccine Sputnik V” sẽ được bắt đầu vào tuần tới với sự tham gia của hơn 40.000 người. Các thử nghiệm này tương đương với thử nghiệm giai đoạn 3 theo đúng quy trình nghiên cứu và sản xuất vaccine đã được thế giới thừa nhận mà các loại vaccine khác cũng đang phải trải qua. Chương trình do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga tài trợ cho dự án vaccine COVID-19 thực hiện.
Như vậy, Nga đã không bỏ bước mà vẫn tuân thủ đúng quy trình nghiên cứu và sản xuất theo đúng chuẩn để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Việc Tổng thống Putin công bố sẽ sử dụng đại trà vaccine Sputnik V trong thời gian tới, tôi cho rằng nên nhìn nhận tuyên bố này theo hướng tích cực. Với tuyên bố này ông Putin đã đặt lên vai các nhà khoa học Nga một nhiệm vụ trọng đại. Cùng với đó, công bố của phía Nga rõ ràng đã có tác dụng thúc đẩy các nhà khoa học trên toàn cầu, tại tất cả các nước đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 như Mỹ, Anh, Úc… đều phải dồn hết nguồn lực để tăng tốc trong vấn đề nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Thẳng thắn mà nói, thì nghiên cứu và sản xuất vaccine luôn là “cuộc đua” của các nước lớn. Dù có nhiều tổ chức từ rất nhiều quốc gia cùng nghiên cứu nhưng tính đến đầu tháng 8/2020 thì chỉ có rất ít những công ty lớn nhất toàn cầu được thử nghiệm lâm sàng trên người. Các vaccine đó bao gồm mRNA-1273 của Moderna (Mỹ), Inovio (Mỹ), ChAdOx1 nCoV-19 của ĐH Oxford (Anh), ĐH Queensland (Úc), Ad5-nCoV (Trung Quốc), Sinovac (Trung Quốc), Sinopharm (Trung Quốc), tập đoàn Johnson & Johnson, Sanofi, và Pfizer.
Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và ứng dụng vi sinh Miền Nam bày tỏ kỳ vọng vào công bố của Tổng thống Putin (Ảnh: Hòa Bình)
|
Chính vì “cuộc đua” quyết liệt này, cá nhân tôi kỳ vọng rất nhiều vào công bố của Tổng thống Nga. Nếu ông Putin công bố về một loại vũ khí chiến tranh nào đó làm dấy lên cuộc đua vũ trang thì còn có lý do để lên án; trường hợp này là Nga khởi động một “cuộc đua” khoa học. Cá nhân tôi thấy đây là một đòn bẩy, là động lực, là điều kiện tuyệt vời để thúc đẩy khoa học phát triển, vì lợi ích là chăm sóc sức khỏe con người.
Giả sử Bộ Y tế quyết định mua vaccine Sputnik V về Việt Nam, tôi sẵn sàng là một trong những người đầu tiên tình nguyện chích ngừa. Giữa Sputnik V và Sinovac bạn sẽ chọn cái nào?
+ Thưa ông, làm thế nào để lý giải về niềm tin mạnh mẽ vào người Nga như vậy, và vì sao đã có hơn 20 quốc gia tin tưởng gửi đơn đặt hàng nguyện vọng muốn mua hàng tỷ liều Sputnik V, cho dù đến hiện tại vaccine này còn chưa được giới khoa học thừa nhận?
Ông Bùi Hồng Quân: Cũng dễ hiểu tại sao có những phê phán gay gắt của giới khoa học với vaccine Sputnik V. Thông thường, quá trình nghiên cứu và phê chuẩn của một vaccine sẽ có hai bước nghiên cứu chính: tiền lâm sàng và lâm sàng. Nếu kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đạt được chuẩn thì mới tiến tới bước kế tiếp là nghiên cứu lâm sàng, tức nghiên cứu trên người.
Nếu bước thử nghiệm trên vài chục người đã không an toàn thì cũng không thể tiến tới thử nghiệm trên hàng ngàn người. Chính vì thế, tôi vẫn tin tưởng nếu vaccine Sputnik V của Nga đến giai đoạn được phép sản xuất đại trà và cung cấp cho thị trường thế giới thì chắc chắn đã đạt tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Chúng ta hãy cứ chờ xem, khi chúng ta có vaccine trên tay thì lúc đó mới biết chính xác như thế nào.
Xin được nhấn mạnh, Nga đã thành công với vaccine ngừa MERS-CoV hồi năm 2012, tác nhân gây hội chứng hô hấp Trung Đông, 1 trong số 3 loại Coronavirus gây suy hô hấp cấp ở người, có thể dẫn tới tử vong và đã gây ra những đợt bùng phát dịch mạnh. Tôi nghĩ, thành công với vaccine kháng MERS-CoV chính là nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 lần này.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng Nga là một quốc gia có bề dầy nghiên cứu khoa học đáng nể với nhiều thành tựu ngang ngửa với các nước khác trên thế giới. Tuy thời gian gần đây các công bố về nghiên cứu của người Nga trên các tạp chí tiếng Anh khá khiêm tốn.
Bài học, cơ hội về tự cường
+ Thưa ông, ông nghĩ sao trước việc Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã đăng ký mua vaccine Sputnik V của Nga và đã vấp phải những ý kiến phản đối?
Ông Bùi Hồng Quân: Cá nhân tôi tin tưởng rằng Nga sẽ rất nghiêm túc khi nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19. Khi họ sản xuất thành công thì họ sẽ ưu tiên phục vụ cho nội địa như: nhân viên y tế, các đối tượng có nguy cơ, và sau đó là sử dụng đại trà cho người dân Nga trước. Chỉ khi nào còn dư, Nga mới xuất khẩu sang các nước khác.
Hơn nữa, phía Nga cũng đã khiêm tốn công bố thực tế họ không có nhiều nhà máy để sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi năm, và hướng của họ là sẽ phải hợp tác quốc tế, đặt nhà máy tại nhiều nước ở các khu vực khác nhau.
Tôi cho rằng trước tình hình đại dịch còn diễn biến phức tạp, phía Nga đã nêu cao ngọn cờ tự cường, truyền thông lại với thế giới về hình ảnh Nga với cuộc “chạy đua” sản xuất vaccine COVID-19.
Đại dịch là một sự nguy biến cho tất cả nhưng cũng là cơ hội lớn để mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi con người đều phải phát huy tính tự cường. Nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 ngay trong nội tại mỗi quốc gia luôn là một hướng đúng. Việt Nam cũng đã hợp tác, nghiên cứu và sản xuất thành công một số vaccine như vaccine uốn ván, viêm não Nhật Bản, viêm gan A...
Với tình trạng dịch bệnh có thể khống chế được như ở Việt Nam hiện tại thì vaccine COVID-19 cứ theo lộ trình cuối năm 2021 công bố và đi vào thử nghiệm cũng là hợp lý.
Nhưng thực sự, sản xuất vaccine, nếu để khẳng định chính xác độ an toàn và tính hiệu quả của nó theo quy trình chuẩn thì cần 7 – 8 năm. Giả sử dịch bệnh còn kéo dài, kinh tế đình trệ, thì chúng ta có thể giữ được đúng lộ trình dài đến thế không?
Trong lúc kiềm chế để dịch bệnh không bùng phát ở mức độ khủng hoảng, chúng ta có chấp nhận đánh đổi lại là kinh tế cũng bị kìm hãm theo, số lượng người thất nghiệp tiếp tục tăng lên? Tự nghiên cứu và sản xuất phải đối mặt với rất nhiều “chông gai” thì đi việc mua vaccine về dùng là điều hợp lý và bình thường. Thực tế hiện nay chúng ta cũng đang phải mua nhiều vaccine từ các nước khác.
Nga là nước có uy tín lớn về nghiên cứu khoa học, giá thành của vaccine Sputnik V cũng rất hợp lý, chỉ khoảng 10 USD/liều. Thực sự chắc chắn bất cứ người dân nào cũng có thể đủ tài chính để chích ngừa bằng 2 liều vaccine này.
Ông Bùi Hồng Quân bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm trên người ở diện rộng, phía Nga sẽ cung cấp các bằng chứng khoa học cụ thể, chính xác (Ảnh: ASS)
|
+ Có cách nào kết hợp được các yếu tố: an toàn, hiệu quả, tự sản xuất và tự cường không thưa ông?
Ông Bùi Hồng Quân: Có nhiều cách để sản xuất vaccine, hoàn toàn có thể đảm bảo yếu tố an toàn, tỷ lệ sốc phản vệ theo quy định phải đảm bảo 100% không xảy ra trường hợp nào tử vong nào vì vaccine. Về hiệu quả đáp ứng miễn dịch của vaccine thì chấp nhận ở mức 50-50. Tôi tin rằng trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm trên người ở diện rộng, phía Nga sẽ cung cấp các bằng chứng khoa học cụ thể, chính xác.
Trong thời gian tới, nếu Nga đã thử nghiệm thành công trên 30.000-40.000 nhân viên y tế, sao chúng ta không nghĩ đến việc hợp tác, đặt nhà máy sản xuất vaccine chuyển giao công nghệ của Nga, sản xuất vaccine COVID-19 ngay trong nước để phục vụ người dân thay vì phải nhập khẩu? Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam nếu biết tận dụng. Một nhà máy sản xuất vaccine đủ chuẩn tại Việt Nam để sản xuất vaccine COVID-19 và sau này là sản xuất các vaccine khác là một điều tuyệt vời cho đất nước. Bao năm qua đã cho thấy sự giúp đỡ, hợp tác từ Nga, Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích.
Trải qua những đợt chống dịch căng thẳng, chắc chắn nhiều người đã hiểu ra, cuộc chiến với COVID-19 chính là cuộc chiến giữa những mối quan hệ trong trái đất và vũ trụ. Con người chúng ta đã vi phạm, “phá nát” quá nhiều nguyên tắc, xâm phạm vào thiên nhiên, tàn phá thế giới, phá hủy ngay chính mối quan hệ giữa con người với nhau.
Đại dịch chính là bài học cảnh tỉnh để mỗi con người tự nhìn lại hành vi, lối sống, thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen, tập “tự lực, tự cường” bằng chính kháng thể của bản thân thay vì trông chờ vào vaccine được tiêm từ bên ngoài. Bởi vì đã có thể xảy ra đại dịch COVID-19 thì chắc chắn trong tương lai sẽ xảy đến các đại dịch khác với mức độ nghiêm trọng như thế hoặc hơn thế.