Vấn đề gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19: Luật sư nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Việc gỡ quyền sở hữu trí tuệ khiến các công ty không còn động lực để nghiên cứu là chưa hẳn, vì các công ty này chỉ chuyển quyền sử dụng chứ không chuyển quyền sở hữu công thức”- Ls.Lê Ngô Hoài Phong nói. 
Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS
Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS

Sau những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, một số quốc gia đưa vấn đề gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 nhằm giúp thế giới vượt qua cơn đại dịch này. Tuy nhiên, quan điểm bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 đang vấp phải sự phản ứng nhiều chiều. Dưới góc độ luật hoá và lợi ích cộng đồng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS

- Luật sư nhận định như thế nào về quan điểm bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19?

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong: Thực chất, đây là vấn đề giữa các nước giàu và nước nghèo, nước có công nghệ y học phát triển và nước chưa có công nghệ phát triển đã tranh luận với nhau rất nhiều khi đàm phán ký kết các hiệp định đa phương hay song phương liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chứ không đợi đến khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 bởi dịch bệnh COVID-19 là trường hợp rất đặc biệt, nó không chỉ ảnh hưởng đến mạng sống của con người mà còn ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia.

Hơn nữa, các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng, nhưng không thể bảo vệ một cách vô cảm được.

- Đứng ở góc độ luật pháp, việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng gì đến các vấn đề pháp lý quốc tế, hay thông lệ quốc tế hay không?

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong: Vấn đề này không còn là câu chuyện thông lệ, mà là câu chuyện quy định pháp lý liên quan đến các hiệp định đa phương và song phương mà các quốc gia đã tham gia ký kết.

Đơn cử, Việt Nam chúng ta là thành viên của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (hay còn gọi là Hiệp định TRIPS). Dễ hiểu hơn, nếu một quốc gia tự động bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 (cho phép các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại quốc gia của mình tiếp cận và sử dụng tự do quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 của các doanh nghiệp khác), nên các hành động liên quan có thể đối diện với việc bị khởi kiện và yêu cầu bồi thường với con số mà chúng ta chưa thể hình dung hết.

Đó là chưa nói đến việc quốc gia đó có thể bị trừng phạt bởi các quốc gia khác vì đơn phương vi phạm hiệp định.

- Việc gỡ bỏ quyền này sẽ đem lại điều gì cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong: Về mặt tích cực, người dân Việt Nam rói riêng và thế giới nói chung có thể được sử dụng vaccine COVID-19 với giá thấp, số lượng dồi dào. Các công ty, đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận được vaccine.

Việc gỡ bỏ này đồng thời còn thể hiện sự nhân văn trong hỗ trợ quốc tế của các nước với nhau, để đối phó với đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Bên cạnh đó, khi được tiếp cận những công thức trong việc điều chế vaccine cũng góp phần nâng cao chuyên môn cho các nước trên thế giới nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lực lượng y tế tuyến đầu ở Đà Nẵng được tiêm vaccine COVID-19

Lực lượng y tế tuyến đầu ở Đà Nẵng được tiêm vaccine COVID-19

- Việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khiến các công ty nghiên cứu bị thiệt hại rất lớn, thậm chí khiến họ không còn động lực để nghiên cứu. Luật sư suy nghĩ như thế nào về điều này?

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong: Khi áp dụng Nghị định thư sửa đổi TRIPS thì cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với các công ty nghiên cứu vaccine, việc thiệt hại của công ty thể hiện rõ ràng nhất chính là công thức điều chế vaccine của công ty được công bố rộng rãi và không còn là bí mật riêng.

Nhưng nếu nói vì bị gỡ quyền sở hữu trí tuệ mà khiến các công ty không còn động lực để nghiên cứ là chưa hẳn, vì các công ty này chỉ chuyển quyền sử dụng chứ không bị bắt buộc phải chuyển cả quyền sở hữu cho các quốc gia là thành viên. Nên nói các công ty không còn động lực để nghiên cứu là không chính xác.

Còn về phần thiệt hại lớn thì đó là điều không tránh khỏi khi chúng ta cùng đang chung sức chống dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.

- Theo luật sư, cộng đồng cần làm gì để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp này để có thể tiếp tục tạo động lực để doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm?

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong: Khi doanh nghiệp đã cống hiến cho xã hội bằng cách chia sẻ công thức sáng chế ra ngoài để giúp đỡ cho cộng đồng đối phó với COVID-19 thì theo tôi, cộng đồng cũng nên tôn trọng quyền sáng chế của các công ty đã dành công sức nghiên cứu, sáng chế ra vaccine. Việc tôn trọng thể hiện bằng cách tôn vinh những cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp, nghiên cứu vaccine mới.

Bên cạnh đó, mặc dù các quốc gia là thành viên của Nghị định thư sửa đổi TRIPS được phép áp dụng quy định trong Nghị định thư, nhưng nếu có điều kiện thì các quốc gia là thành viên cũng nên hỗ trợ một phần kinh phí nào đó cho các doanh nghiệp tham gia chế tạo vaccine.

- Xin cảm ơn!