Ván cờ Syria: Bài Nga "đè" bài Mỹ
VietTimes -- Nhà nghiên cứu Erik Grossman kết luận cả 2 mô hình can thiệp đặc trưng của Mỹ và Nga đều không hoàn hảo và cần linh hoạt cũng như thích nghi trong từng điều kiện cụ thể, nhưng mô hình Afghanistan muốn chiếm lợi thế thì nó cần phải giống như mô hình Chechnya ở mức độ bạo lực và cần phải trực tiếp tấn công lại các mối đe dọa chứ không phải dựa vào đội quân bản xứ.
(tiếp theo kỳ trước)
Giải thích hiệu quả chiến lược của Nga, đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) đã ước tính rằng năm 2015, chính quyền của ông Assad chỉ kiểm soát khoảng 22% lãnh thổ Syria nhưng sau 2 năm Nga can thiệp, quân chính phủ đã kiểm soát được tới 56% vào năm 2018 (theo SOHR 2018). "Mô hình Chechnya" đã giúp Nga đạt được mục tiêu về địa chính trị theo đúng cách ở Chechnya: Thông qua bạo lực áp đảo và tập trung.
Với việc phe chống chính phủ của tổng thống Assad đã thất bại, cả ông Assad và tổng thống Putin đều đang tìm một cái kết chính trị cho cuộc chiến. Điều này sẽ khó thực hiện vì phương thức bạo lực của "mô hình Chechnya" sẽ khiến ông Putin bị cô lập về mặt ngoại giao (Baev 2017, trang 5). Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Donald Trump bị buộc phải chấp nhận rằng ông Assad sẽ vẫn nắm quyền, điều này "phản ánh sự hạn chế trong những lựa chọn của chính quyền Mỹ và thực tế về quân sự trên đất Syria" (theo Wright 2017).
Lính kỹ thuật của Nga chuẩn bị rời Aleppo.
Trong không gian bị quốc tế soi xét kỹ lưỡng như Syria và một nơi xa về địa lý, phạm vi sử dụng chiến dịch chống lại quân nổi dậy COIN cần được cân nhắc lại để giảm sức căng về quân sự và chính trị, dựa vào không kích trên vùng trời hỗn loạn có thể bị ngăn chặn và một đội quân bất đối xứng để thay thế cho quân chính quy. Trên không, Nga sử dụng bom chùm và bom cháy. Dưới đất, Nga triển khai các nhà thầu quân sự tư nhân, tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov cũng phái lính tới Syria - lực lượng thường được so sánh với "đội quân sát thủ" (theo Nemtsova 2016).
Nhà thầu quân sự tư nhân là nỗ lực lớn nhất của Nga trên mặt đất. Trong số họ, lão luyện nhất là nhà thầu Wagner đã đưa 2.500 lính sang Syria. Phương Tây cáo buộc việc sử dụng nhà thầu quân sự tư nhân cho phép Nga giữ được khả năng kiểm soát các vùng đất của quân đội trong khi có thể phủ nhận vô điều kiện và giảm thiểu thương vong hay những cáo buộc khác.
Lực lượng đặc biệt hoạt động theo "mô hình Afghanistan" bị hạn chế về số lượng vì nhiệm vụ chính là huấn luyện, tư vấn và giúp đỡ quân địa phương chống IS. Các "cố vấn" Mỹ mới chỉ tấn công quân đánh thuê Nga lần gần đây nhất vào 7.2.2018. Sự kiện "trận chiến Khasham" vẫn còn gây tranh cãi nhưng nó đã bị bỏ qua với khoảng 100 lính Wagner tử vong (Trevithick 2018). Cuộc chạm trán này cho thấy việc đi theo những quan ngại về mặt chính trị, "mô hình Afghanistan" chỉ có thể đấu lại với "mô hình Chechnya" khi tấn công trực tiếp. Ngược lại, "mô hình Chechnya" không bị ràng buộc và có thể tự do triển khai để đạt được những mục tiêu.
Lính của nhà thầu quân sự Wagner tại Syria.
Truyền thông cũng có phần không nhỏ tại Syria. Truyền thông Nga đã đưa tin các nhóm chống chính phủ là những kẻ băng hoại muốn phá hỏng chế độ của dân đang cai trị đất nước và tuyên bố những cuộc nổi dậy tạo nên cuộc nội chiến Syria về cơ bản là của những tay Hồi giáo theo chủ nghĩa cực đoan (Brown 2014, trang 51-52). Thêm nữa, báo chí tiếp tục đưa tin cuộc can thiệp này là để bảo vệ những lợi ích quốc gia và nỗ lực khôi phục ảnh hưởng của Moscow trong những vấn đề thế giới (Kozhanov 2016, trang 91-92). Gợi nhớ lại sự cực đoan hóa trong phong trào tự do của Chechnya, khi nền chính trị và dân quân bị làm hại bởi những kẻ cực đoan, điều này đã đem lại tính chính đáng cho những mục tiêu chính trị của Nga và thực tế các nhóm này luôn bị Kremlin coi là khủng bố. "Chechnya hóa" cũng có phần tại Syria. Một thời gian ngắn sau khi bắt đầu can thiệp, Moscow nhận ra rằng các nhóm nổi dậy "ôn hòa" muốn đàm phán trong một tiến trình hòa bình sẽ cần ông Assad vẫn giữ được quyền lực. Giống như những nhóm nổi dậy cũ sẽ tìm được một vị trí trong chính quyền hoặc nhận được lợi ích. Ông Putin cũng sẽ tiếp tục chi phối hệ thống chính trị tại Syria.
Với tuyên bố sẽ hiện diện quân sự lâu dài, ông Putin chắc chắn sẽ kéo dài ảnh hưởng trong những vấn đề và an ninh của Syria. Trong bài phát biểu tại căn cứ không quân Khmeimim, ông Putin đã tuyên bố: "Hai căn cứ quân sự tại Tartus và Khmeimim sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài. Nếu khủng bố ngóc đầu lên một lần nữa, chúng ta tiếp tục tấn công cho tới khi không còn nhìn thấy chúng nữa". Căn cứ không quân Khmeimim đã được Nga thuê thêm 49 năm nữa. Bằng con đường ngoại giao, ông Putin đã biến Syria thành một nước phụ thuộc vào Nga.
Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng tại căn cứ không quân Nga Khmeimim tại Syria.
Vào tháng 12.2017, ông Putin đã báo cho ông Assad rằng ông sẽ gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập để thảo luận về quá trình chuẩn bị cho Cuộc họp toàn dân Syria. Ông Putin nói thêm: "Chúng tôi sẽ thông báo cho ông để theo dõi những cuộc hội đàm và tôi sẽ báo cho ông những chi tiết về kế hoạch hiện tại của chúng tôi để có được một quá trình hòa giải cuối cùng".
Điều này ngụ ý rằng, nếu ông Assad muốn đàm phán với các quyền lực trong khu vực thì ông sẽ phải làm điều này qua Nga. Còn về "mô hình Afghanistan" nó đe dọa tới chế độ hiện tại và đang "kẹt" khi ủng hộ cho sự phát triển môi trường chính trị mới của Syria - đang bị điều khiển bởi những nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng tha hóa. Hoạt động của những nhóm này không dân chủ và có thể sẽ biến thành nạn nhân của một cuộc nội chiến tiếp theo giống như Libya.
Cả hai mô hình can thiệp: Chechnya hay Afghanistan đều không phải là chiến lược hoàn hảo. Mỗi mô hình có những nền móng trái ngược cần sự linh hoạt và khả năng thích nghi. Đặc trưng sử dụng của mỗi mô hình tùy thuộc vào những yếu tố của môi trường xung đột. Trong khi, mô hình Chechnya cần đơn phương chinh phục một xã hội thì mô hình Afghanistan là sự tập hợp nhiều phía trong xã hội theo hình ảnh của phương Tây. Mô hình Chechnya tìm kiếm ảnh hưởng trực tiếp của Nga về mặt dài hạn trong khi mô hình Afghanistan được phương Tây ca ngợi là tìm kiếm sự phục hồi với một chính phủ có chủ quyền tối cao đứng cùng hàng với thế giới phương Tây.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình là mực độ bạo lực sẽ phải sử dụng. An ninh của một khu vực dựa vào sự độc quyền về bạo lực và mô hình Chechnya tinh thông điều này với việc sử dụng bạo lực là công cụ chính cho quyền lực. Có thể nó trái quy tắc nhưng có hiệu quả. Chừng nào mô hình Chechnya có thể thắng hoàn toàn mô hình Afghanistan thì Mỹ sẽ nhận ra những cuộc can thiệp của họ đang bị ngăn trở và thất bại bởi đối thủ sử dụng nó. Trong những thách thức tương lai, mô hình Afghanistan sẽ cần phải thích ứng với mô hình "Chechnya hơn" hoặc sẽ hoàn toàn thất bại.