Cao thủ Putin phá trận Mỹ-phương Tây, mở kỷ nguyên mới cho nước Nga

VietTimes -- Công lao to lớn và có ý nghĩa quyết định của ông Putin đối với nước Nga sau gần 18 năm cầm quyền trước hết là xác định con đường phát triển của quốc gia này trong kỷ nguyên hậu Xô Viết, củng cố và ổn định hệ thống chính trị, đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và phát triển bền vững, cải cách và hiện đại hóa quân đội...
Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

(tiếp theo kỳ trước)

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh khủng bố đang lan rộng ở Cộng hòa Chechnya và các hoạt động khủng bố bùng lên ở nhiều nơi khác trên lãnh thổ Liên bang Nga, quyết định đầu tiên và quan trọng nhất của quyền Tổng thống V.Putin là tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mà ông đã khởi xướng rất thành công sau khi được bổ nhiệm chức thủ tướng, theo đó ông tập hợp một lực lượng vũ trang được chọn lựa và trực tiếp chỉ huy để đánh bại các lực lượng khủng bố đang hoành hành ở Chechnya.

Thắng lợi quan trọng đó có ý nghĩa như một “lời giới thiệu” đầy sức thuyết phục trước công chúng Nga về V.Putin. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử ngày 26/3/2000, V.Putin đã giành được tỷ lệ số phiếu ủng hộ cao nhất trong số 10 ứng cử viên khác và trở thành tổng thống thứ hai của Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã [8].

Công lao to lớn và có ý nghĩa quyết định của V.Putin đối với nước Nga sau gần 18 năm cầm quyền được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, trước hết là xác định con đường phát triển của quốc gia này trong kỷ nguyên hậu Xô Viết, củng cố và ổn định hệ thống chính trị, đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và phát triển bền vững, cải cách và hiện đại hóa quân đội.

Để xác định con đường phát triển của nước Nga trong kỷ nguyên mới, trước hết V.Putin đề xuất chủ thuyết về tư tưởng quốc gia Nga, với những nguyên lý cơ bản đã được ông phác họa trong một bài viết với tựa đề “Nước Nga trước ngưỡng cửa bước sang thiên niên kỷ mới” được đăng tải trên các báo của Nga vào ngày 30/12/1999, nghĩa là 1  ngày trước khi ông được Boris Yelsin trao quyền tổng thống [9].

Theo V.Putin, tư tưởng Nga bao gồm các nội dung cơ bản sau:

(1) Sự đồng thuận xã hội. Sự đồng thuận xã hội Nga phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt, về những vấn đề căn bản như mục tiêu phát triển, các giá trị cần bảo tồn, các mốc xác định mức độ phát triển v.v. Một trong những điểm tựa để tạo nên sự đồng thuận xã hội là các giá trị truyền thống của nước Nga, trong đó có cả các giá trị thời Xô Viết.

(2) Chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước được hình thành từ niềm tự hào về Tổ quốc Nga, về lịch sử và các chiến công vĩ đại của nước Nga, là khát vọng làm cho nước Nga phát triển nhanh hơn, thịnh vượng hơn, giàu có hơn, mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Một khi đánh mất chủ nghĩa yêu nước, người Nga sẽ tự đánh mất mình là một dân tộc đã từng lập nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử.

(3) Vị thế cường quốc. Nga đã từng và sẽ vẫn là một cường quốc xuất phát từ những đặc điểm về địa chính trị, kinh tế và văn hóa. Hiện nay, vị thế cường quốc của Nga không chỉ được thể hiện ở sức mạnh quân sự mà còn là vị thế dẫn đầu trong quá trình phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra sự thịnh vượng và mức sống cao cho người dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Nga trên thế giới.

(4) Vai trò quyết định của nhà nước. Trong lịch sử nước Nga, nhà nước luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của đất nước và của người dân. Một nhà nước mạnh mẽ là nguồn gốc và là sự bảo đảm trật tự, là người khởi xướng và là động lực chủ yếu của bất kỳ sự thay đổi nào. Nước Nga đang ở trong giai đoạn phát triển mà trong đó bất kỳ một chính sách kinh tế-xã hội nào cũng sẽ có sự xáo trộn một khi các cơ quan quyền lực của nhà nước yếu kém. Do đó, chìa khóa để phục hưng và phát triển nước Nga, trước hết và chủ yếu là khôi phục và xây dựng nhà nước Nga mạnh. Đây không phải là nhà nước chuyên chế mà là nhà nước dân chủ.

 (5) Sự đoàn kết xã hội dựa trên chủ nghĩa tập thể. Thực tế lịch sử chứng tỏ, ở Nga, khát vọng hướng tới các hình thức hoạt động tập thể và chủ nghĩa tập thể luôn chiếm ưu thế trước các hình thức cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Vị thế cá nhân của người Nga không chỉ xuất phát từ các nỗ lực cá thể mà còn được gắn với sự giúp đỡ, động viên và khuyến khích của xã hội và nhà nước. Đây cũng là truyền thống lâu đời của người Nga trong lịch sử.

Theo V.Putin, tư tưởng Nga trong thời đại mới được hình thành như là một “hợp kim” gắn kết các giá trị phổ quát của loài người với các giá trị truyền thống Nga lâu đời và đã được thử thách qua thời gian, trong đó có những thử thách nghiệt ngã nhất trong thế kỷ XX. Ông từng tuyên bố, không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững và thịnh vượng trong một thế giới mà tác động của toàn cầu hóa đang “làm phẳng” thế giới và có xu hướng đồng nhất hóa mọi thứ, nếu quốc gia đó không có bản sắc và không có hệ tư tưởng quốc gia làm nền tảng.

Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của tư tưởng Nga, V.Putin đã xác đinh con đường phát triển của Liên bang Nga trong kỷ nguyên hậu Xô Viết. Về sau này, dư luận được biết quan điểm của V.Putin về định hướng phát triển của nước Nga trong lời tuyên bố đã đi vào lịch sử của ông:“Những ai không thấy luyến tiếc về sự tan rã Liên Xô là người không có trái tim. Còn những ai muốn quay trở lại thời Xô Viết như cũ, người đó không có khối óc”.

Như vậy, theo V.Putin, con đường phát triển của nước Nga sau khi Liên Xô bị giải thể sẽ dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị trong truyền thống Nga, trong đó có cả những giá trị Xô Viết không thể bác bỏ.

Ông Putin là một cao thủ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng
Ông Putin là một cao thủ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng

Nước Nga dưới thời cầm quyền của V.Putin đã lựa chọn mô hình phát triển tiên tiến nhất và hiện đại nhất của thế giới để áp dụng vào điều kiện của quốc gia này. Đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước, theo đó sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường gắn chặt với việc đáp ứng các nhu cầu xã hội của người dân và vì thế chính sách xã hội trở thành yếu tố cấu thành hệ thống kinh tế quốc dân [9,10].

Những nội dung cơ bản về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Nga đã được đề ra trong các văn kiện “Chiến lược dài hạn phát triển kinh tế-xã hội của Liên bang Nga tới năm 2020”, “Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2020” và “Chương trình mục tiêu liên bang nhằm khắc phục sự khác biệt trong phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và khu vực của Liên bang Nga trong những năm 2002-2010 và tới năm 2015” [10,11].

Sau gần 18 năm nhìn lại, trong điều kiện vô cùng khó khăn và phức tạp trong nước cũng như quốc tế, Tổng thống V.Putin đã dẫn dắt nước Nga đạt được nhiều thành tựu lớn, rất quan trọng, trở thành một cường quốc mới có tiếng nói và ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới. Sẽ là không chút cường điệu khi nhận định rằng, V.Putin đã mở ra kỷ nguyên mới ở nước Nga.

Trong lĩnh vực chính trị, ngay sau khi nhậm chức, V.Putin đã đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm tái lập và tăng cường quyền lực quản lý của Điện Kremlin đối với đời sống chính trị Nga, trước hết là đối với các chủ thể liên bang. V.Putin phản đối chủ trương của Boris Yelsin xóa bỏ quá khứ Liên Xô ra khỏi lịch sử nước Nga vì ông cho rằng Liên Xô là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và những di sản Xô Viết có ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành xã hội Nga hiện đại.

Do đó, V.Putin quyết định sử dụng nhạc quốc ca Liên Xô, quân kỳ quân đội Liên Xô và truyền thống kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại v.v. Chủ trương của V.Putin về cải cách chính trị đã tạo điều kiện cho nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống sau khi Liên Xô bị giải thể.

Thành tựu nổi bất của Nga trong lĩnh vực kinh tế những năm cầm quyền của V.Putin đã được thể hiện qua những con số rất ấn tượng. Đó là, đạt nhịp độ tăng trưởng GDP cao liên tục ở mức 10% trong các năm 2000-2004 và trong 3 năm sau đó luôn đạt từ 6,5% đến 7,3%, đưa nền kinh tế Nga từ vị trí 14 vươn lên vị trí thứ 5 thế giới với GDP tăng từ 2.059 tỷ USD năm 2000 lên 3.745 tỷ USD năm 2016; giảm nợ công xuống 22,7 lần, từ 69,1% năm 2000 xuống còn 3,1% năm 2016; giảm nợ nước ngoài từ 138 tỷ USD (chiếm 78% GDP) năm 1999 xuống còn 54,881 tỷ USD (chiếm 8,4% GDP) năm 2014-mức nợ thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước phát triển ở phương Tây, giảm mức lạm phát từ 20,2% năm 2000 xuống còn 2,5% năm 2017; giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 10,6% năm 1999 xuống còn 5,2% năm 2015.

Nhờ tăng trưởng kinh tế, Nga đã tăng thu nhập trung bình hàng tháng của người dân lên 505%, từ mức 100 USD năm 2000 lên 605 USD năm 2016); tăng lương hưu trung bình hàng tháng lên 1005% (từ 20 USD năm 2000 lên 221 USD năm 2016); tăng dự trữ ngoại tệ tính theo giá trị vàng hơn 30 lần, từ 12 tỷ USD năm 2000 lên tới 378 tỷ USD vào năm 2015.

Nga đã thu về quyền khai thác và sử dụng 256 mỏ khoáng sản trước đó bị rơi vào tay tư bản nước ngoài (hiện chỉ còn ba mỏ chưa thu hồi được); quốc hữu hóa 65% ngành công nghiệp dầu mỏ, 95% công nghiệp khí đốt và 99% ngành công nghiệp sản xuất rượu và chất có cồn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổng thống Nga V.Putin thông qua Đạo luật liên bang về phát triển nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, điển hình là Chương trình phát triển nông nghiệp và điều chỉnh thị trường nông sản và lương thực những năm 2008-2012, Chương trình phát triển tổ hợp công-nông nghiệp và Chương trình phát triển xã hội ở nông thôn. Nhờ đó, nền nông nghiệp Nga từ chỗ đứng trước nguy cơ phá sản trong quá trình cải cách những năm 1990 vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.

Dưới thời Tổng thống V.Putin, tình hình dân số Nga đã được cải thiện đáng kể, trong đó đã ngăn chặn được mức suy giảm dân số 71 lần, từ 1,5 triệu người/1999 xuống còn 0,021 triệu người/2011. Đồng thời tăng chỉ số phát triển con người của Nga từ 0,691 năm 2000 lên tới 0,788, từ vị trí 62 vươn lên vị trí 55 của thế giới.

Trong lĩnh vực quân sự, Tổng thống V.Putin đã có công rất lớn và vô cùng quan trọng trong việc phục hồi và phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga trên cơ sở cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Sau khi bước vào Điện Kremlin vào năm 2000, Tổng thống V.Putin ký Sắc lệnh thành lập 50 công ty công nghiệp quốc phòng chuyên ngành thuộc sở hữu nhà nước. Những công ty này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại vũ khí trang bị chiến lược, chiến lược-chiến dịch, chiến dịch-chiến thuật, tạo cơ sở vật chất để hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Nga. trong đó có những loại được coi là độc nhất vô nhị trên thế giới, tạo cơ sở vật chất-kỹ thuật để thực hiện thành công chương trình cải cách và hiện đại hóa toàn diện Các lực lượng vũ trang Nga, đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới.

Năm 2014, Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật-quân sự với 89 nước. Hiện Nga trở thành quốc gia được xếp hạng là cường quốc quân sự hùng mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Hiện nay, sức mạnh của Các lực lượng vũ trang Nga đủ sức ngăn chặn các nguy cơ đối với an ninh quốc gia Nga, bảo đảm sự ổn định chiến lược và toàn vẹn lãnh thổ của Nga [1].

Trong lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống V.Putin đã có công phục hưng vị thế của Nga trên thế giới. Xuất phát từ chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia, nước Nga đã và đang chủ động đóng vai trò quan trọng trong các công việc của thế giới, có ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành cấu trúc mới trong các quan hệ quốc tế. Dưới thời cầm quyền của Tổng thống V.Putin, nước Nga đã tích cực và chủ động tham gia có trách nhiệm trong các chương trình nghị sự toàn cầu, thí dụ điển hình nhất là đưa ra sáng kiến hủy bỏ vũ khí hóa học của Syria để tránh cho quốc gia này và Trung Đông thảm họa một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn; đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực của Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận toàn diện với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

Đặc biệt, từ cuối năm 2013 tới nay, Tổng thống V.Putin đã dẫn dắt nước Nga bước đầu làm phá sản chiến lược của Mỹ và các nước phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine chống Nga. Quyết định của Tổng thống V.Putin sáp nhập Crimea khiến nước Nga bị phương Tây bao vây và cấm vận, đối mặt muôn vàn khó khăn nhưng ông Putin vẫn giành được sự tín nhiệm của các cử tri Nga được thể hiện qua thắng lợi vang dội trong kỳ bầu cử vừa qua.

Chiến dịch chống khủng bố ở Syria  thành công đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Nga như một quốc gia có trách nhiệm và đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống quốc tế. Tổng thống V.tuyên bố, Nga sẽ là một trong các quốc gia đi đầu trong những nỗ lực xây dựng một hệ thống trật tự thế giới mới dựa trên thực tế địa chính trị hiện nay, ổn định, hợp tác và cùng phát triển giữa các quốc gia./.

Tài liệu tham khảo

[9] Россия на рубеже тысячелетий. http://www.ng.ru/politics/1999-12-30/4_millenium.html

[10]Социально-рыночная модель экономики России. http://bibliofond.ru/view.aspx?id=487612

[11] Социально-рыночная модель экономика в России: вектор развития. https://research-journal.org/economical/socialno-orientirovannaya-ekonomika-v-rossii-vektor-razvitiya/