Việc tìm hiểu cơ cấu sở hữu Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) sẽ không chỉ giúp làm rõ về ông chủ thực sự của doanh nghiệp này, sau khi các cổ đông sáng lập đã lần lượt thoái vốn. Nó càng trở nên có ý nghĩa hơn khi tới đây, VNI sẽ trở thành một trong hai cổ đông chiến lược của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) – đơn vị đang sở hữu một quỹ đất vàng đầy giá trị.
Trong thương vụ cổ phần hóa Vigecam, song hành với VNI trong vai trò cổ đông chiến lược là Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco). VNI đăng ký mua 25% vốn điều lệ, còn Vegetexco đăng ký mua 45% vốn điều lệ.
Vegetexco thì tất cả đều đã rõ hình bóng của “bầu” Hiển. Nhưng còn VNI, phía sau cái tên này là nhà đầu tư nào thì chưa mấy người tường tận.
Vậy, có khi nào VNI cũng được phủ bóng bởi “ông bầu” yêu bóng đá?
Vietnam Airlines thoái vốn
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) chính thức rút khỏi cơ cấu sở hữu của VNI từ ngày 20/08/2015.
Trước đó, ngày 07/07/2015, cuộc đấu giá thoái phần vốn của VNA tại VNI đã được tổ chức tại CTCP Chứng khoán Bản Việt – Chi nhánh Hà Nội.
Phiên đấu giá có sự tham gia của 13 nhà đầu tư, gồm 2 tổ chức và 11 cá nhân. Tổng số cổ phần đăng ký là 21,1 triệu cổ phần (số cổ phần đem ra đấu giá là 10 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ VNI). Trong đó, 2 nhà đầu tư tổ chức đăng ký 6,75 triệu cổ phần, 11 nhà đầu tư cá nhân đăng ký 14,35 triệu cổ phần.
Kết quả đấu giá cho thấy, tất cả 13 phiếu đấu giá đều hợp lệ. Nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư trúng đấu giá, gồm 2 tổ chức và 5 cá nhân.
Giá đấu thành công thấp nhất là 10.900 đồng/cổ phần; Giá đấu thành công cao nhất là 11.000 đồng/cổ phần; Giá đấu thành công bình quân là 11.955 đồng/cổ phần.
Với kết quả này, Vietnam Airlines đã bán thành công 10 triệu cổ phần VNI, chiếm 100% số cổ phần đem ra đấu giá, thu về ngót 120 tỷ đồng. So với số tiền 100 tỷ đầu đầu tư ban đầu, để góp vốn thành lập nên VNI vào năm 2008, VNA đã thu lãi khoảng 20 tỷ đồng.
Báo cáo gửi lên Bộ Giao thông Vận tải của VNA khi ấy cho biết, khối lượng đặt mua cao nhất trong phiên đấu giá trên là 4,5 triệu cổ phần.
Những cổ đông thay thế
Theo tìm hiểu của VietTimes, nhà đầu tư đã bỏ giá cho lô 4,5 triệu cổ phiếu nêu trên là Công ty cổ phần HUM (HUM), thành lập ngày 30/06/2014. Tháng 08/2016, HUM chính thức tăng vốn điều lệ từ mức 80 tỷ đồng lên thành 250 tỷ đồng. Trong đó 98% vốn (245 tỷ đồng) thuộc sở hữu của bà Bùi Hương Giang (sinh năm 1980) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
HUM chính thức tham gia cơ cấu sở hữu của VNI kể từ ngày 20/08/2015 – cũng là ngày mà VNA chính thức rút khỏi công ty bảo hiểm mà hãng đã sáng lập.
Thời điểm đó, HUM đăng ký trụ sở chính tại số 168 Điện Biên Phủ, phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Nhưng sau này, theo cập nhật từ Tổng cục Thuế, HUM lại đăng ký trụ sở chính tại 62 đường Song Hành, xa lộ Hà Nội, Phường An Phú, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.
Nên biết, “62 đường Song Hành, xa lộ Hà Nội, Phường An Phú, Quận 2, TP Hồ Chí Minh” cũng là địa chỉ mà CTCP Hóa chất Công nghiệp Tân Long (Tân Long) đăng ký làm văn phòng giao dịch cho Chi nhánh tại TP. HCM – theo như công bố của công ty này trên website.
Bên cạnh địa chỉ văn phòng giao dịch, website của Tân Long còn cung cấp một địa chỉ khác, có thể hiểu như đây là địa chỉ chính thức của Chi nhánh Tp. HCM. Cụ thể tại Chung cư Mỹ Phước, P. 2, Q. Bình Thạnh. Theo tìm hiểu của VietTimes, đây cũng là địa chỉ mà Chủ tịch HĐQT HUM – bà Bùi Hương Giang – đăng ký làm nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Đáng nói, HUM và Tân Long không chỉ có những chi tiết tương đồng về địa chỉ. Họ còn tương đồng về vị thế và cách xuất hiện trong cơ cấu sở hữu VNI.
Hồ sơ cho thấy, Tân Long chính thức tham gia cơ cấu sở hữu VNI kể từ ngày 30/10/2015. Số cổ phần VNI của Tân Long nhiều khả năng có nguồn gốc từ Công đoàn Vietnam Airlines. Bởi 30/10/2015 cũng là ngày mà Công đoàn VNA hoàn tất việc thoái 8,2 triệu cổ phần VNI.
Văn bản báo cáo của Công đoàn VNA cho biết, phương thức giao dịch được tổ chức này áp dụng trong đợt thoái vốn trên là “không thông qua sàn giao dịch”.
Có lẽ cần phải nói thêm về câu chuyện sở hữu cổ phần VNI của Công đoàn VNA.
Công đoàn Vietnam Airlines
Giấy phép Điều chỉnh số 49/GPĐC8/KDBH, do Bộ Tài Chính cấp ngày 7/4/2014 cho thấy, tại thời điểm trên, VNI chỉ có hai cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần là VNA góp 100 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ. Kế đến là Geleximco góp 76,1 tỷ đồng, chiếm 15,22% vốn điều lệ.
Lúc này, hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của Công đoàn VNA trong danh sách cổ đông có vốn góp từ 10% trở lên.
Đến Giấy phép ngay sau đó, là Giấy phép Điều chỉnh số 49/GPĐC9/KDBH cấp ngày 24/09/2015, danh sách cổ đông có vốn góp từ 10% trở lên cũng có hai cái tên.
Nhưng bên cạnh cái tên cũ -- Geleximco (góp 76,1 tỷ đồng, chiếm 15,22% vốn điều lệ), thì cái tên còn lại là VNA đã biến mất. Thay vào đó là sự hiện diện của cái tên hoàn toàn mới Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam (góp 90 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ).
Việc biến mất VNA trong Giấy phép điều chỉnh trên có thể được lý giải bằng sự kiện thoái vốn và chuyển giao quyền sở hữu cổ phần VNI – vốn hoàn tất từ ngày 20/8/2015 như đề cập ở phần đầu bài viết.
Vậy còn sự xuất hiện của Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam – tổ chức đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn nhất tại VNI. Nên lý giải sao về tình huống này?
Phải chăng Công đoàn VNA đại diện cho tập hợp số cổ phần VNI mà các cổ đông nhỏ lẻ - là cán bộ, công nhân viên của VNA đầu tư và nắm giữ (?).
VNI được thành lập bởi 5 doanh nghiệp lớn vào năm 2008, là VNA (20%), Vinacomin (10%), Lilama (10%), Geleximco (10%), CTCP Nam Việt (8%); Nhưng 5 cái tên này chỉ góp 52% trong tổng số vốn điều lệ 500 tỷ đồng của VNI; 42% còn lại được liệt kê dưới danh xưng “Cổ đông khác”. Cổ đông khác có bao gồm các cán bộ, công nhân viên của VNA hay có liên quan gì với công đoàn VNA (?). Cập nhật tại ngày 17/07/2014, VNI có tới 1.128 cổ đông – căn cứ theo công văn của Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) – đơn vị quản lý cổ đông của VNI.
Nhưng chỉ một tháng sau sự xuất hiện bất ngờ tại Giấy phép Điều chỉnh số 49/GPĐC9/KDBH (ngày 24/09/2015), ngày 26/10/2015, Công đoàn VNA đã lại có văn bản 727/TB-CĐTCTHK gửi VNI và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông báo về việc sẽ thoái 8,2 triệu cổ phần trên tổng số 9 triệu cổ phần mà tổ chức này đang nắm giữ tại VNI.
Tổ chức công đoàn này cho hay, mục đích thực hiện giao dịch là “Thoái vốn theo chủ trương đã phê duyệt”. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ ngày 30/10 – 03/11/2015.
Công bố về sau cho thấy, Công đoàn VNA hoàn tất việc thoái 8,2 triệu cổ phần VNI vào ngày 30/10/2015, với phương thức áp dụng là thỏa thuận.
Sự ra đi của các cổ đông sáng lập
Tháng 9/2016, VNI chính thức ban hành Điều lệ thay đổi lần thứ 4 của tổng công ty. Khoản 2, Điều 5 của Điều lệ này xác nhận, cả 5 cổ đông sáng lập - là VNA, Lilama, Vinacomin, Geleximco, CTCP Nam Việt - đều đã chuyển nhượng toàn bộ phần tại VNI.
Lần ngược lại, các tài liệu cho thấy, Công đoàn VNA hoàn tất thoái vốn khỏi VNI vào ngày 30/10/2015; Geleximco hoàn tất thoái vốn khỏi VNI vào ngày 26/10/2015; Vietnam Airlines hoàn tất thoái vốn khỏi VNI vào ngày 20/08/2015; CTCP Nam Việt hoàn tất thoái vốn khỏi VNI vào ngày 06/05/2016.
Hai cổ đông sáng lập rút khỏi cơ cấu sở hữu VNI sớm hơn cả là Vinacomin và Lilama. Cả hai cùng hoàn tất việc thoái vốn khỏi VNI vào ngày 31/12/2013.
Thông tin công bố cho thấy, 5 triệu cổ phần VNI của Vinacomin đã được chuyển nhượng cho hai nhà đầu tư là: Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội (4,5 triệu cổ phần) và bà Trịnh Thị Lan (0,5 triệu cổ phần).
Còn 5 triệu cổ phần VNI của Lilama được chuyển nhượng cho hai nhà đầu tư là: ông Phạm Ngọc Lâm (4,5 triệu cổ phần) và bà Trịnh Thị Lan (0,5 triệu cổ phần).
Lưu ý rằng ông Phạm Ngọc Lâm chính là Giám đốc của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội. Và cả hai cùng có những mối liên hệ mật thiết với CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS).
Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội từng sở hữu một khối lượng đáng kể cổ phiếu của Công ty SHS; còn ông Phạm Ngọc Lâm từng giữ cương vị Thành viên HĐQT SHS. Bản thân SHS cũng có những vai trò nhất định trong thương vụ thoái vốn của các cổ đông nhà nước tại VNI. Trước đó, năm 2012, Vinacomin chật vật tìm đường thoái vốn tại VNI nhưng bất thành.
Đáng chú ý, mặc dù bản thân và doanh nghiệp có liên quan sở hữu một lượng cổ phần đáng kể (9 triệu cổ phần, chiếm 18% vốn điều lệ) tại VNI, ông Phạm Ngọc Lâm vẫn không tham gia cơ cấu quản trị hay ban lãnh đạo VNI.
Các tân lãnh đạo
Ngày 15/08/2014, ông Phạm Ngọc Lâm có văn bản đề cử ông Nguyễn Thành Quang tham gia HĐQT VNI. Cùng ngày, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội cũng có công văn số 06-2014/CB-DVTM đề cử bà Hoàng Thị Thanh Hải tham gia Ban Kiểm soát. Đến ngày 12/11/2014, Công ty này lại tiếp tục có công văn số 38-2014/CV-DVTM về việc thay đổi đề cử nhân sự ông Trần Sỹ Tiến tham gia HĐQT.
Ngày 19/11/2014, tất cả các đề cử nhân sự trên đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 của VNI nhất trí thông qua.
Tại Nghị Quyết ĐHĐCĐ số 02/2014/NQ-ĐHĐCĐ, VNI đã nhất trí bầu bổ sung thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2013 - 2018) đối với ông Trần Sỹ Tiến và thành viên Ban kiểm soát đối với bà Hoàng Thị Thanh Hải – đại diện phần vốn góp của cổ đông Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội; bầu bổ sung thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Quang – đại diện phần vốn góp của cổ đông Phạm Ngọc Lâm.
Song song với đó, ĐHĐCĐ VNI cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh đối với các nhân sự đến từ Vinacomin (Thành viên HĐQT Phạm Hồng Thái và Thành viên Ban Kiểm soát Lương Đức Chính) và Lilama (Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thu Trang và thành viên Ban Kiểm soát Nguyễn Thị Phương Thảo).
Như đã nói, ông Phạm Ngọc Lâm nhận chuyển nhượng cổ phần VNI từ Lilama; còn Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội nhận chuyển nhượng cổ phần VNI từ Vinacomin.
Vậy các tân nhân sự Trần Sỹ Tiến, Nguyễn Thành Quang, Hoàng Thị Thanh Hải là ai và đến từ đâu?
Theo sơ yếu lý lịch, ông Trần Sỹ Tiến sinh ngày 06/05/1973, cử nhân kinh tế, đang đồng thời đảm nhận cương vị Kế toán trưởng (từ tháng 9/2011) kiêm Phó Tổng Giám đốc (từ tháng 4/2014) SHS.
Ông Nguyễn Thành Quang sinh ngày 02/01/1980, cử nhân kế toán, đang đồng thời giữ cương vị Phó trưởng Ban Tài chính của Công ty CP Tập đoàn T&T (từ tháng 12/2013).
Bà Hoàng Thị Thanh Hải, sinh ngày 01/11/1972, Thạc sỹ Tài chính – Ngân hàng – Bảo Hiểm, đang đồng thời đảm nhận cương vị Phó phòng Kiểm soát Nội bộ CTCP Tập đoàn T&T (từ 02/04/2009) và Trưởng ban Kiểm soát Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (từ 10/05/2012).
Có một điểm chung giữa 3 doanh nghiệp, nơi mà bộ ba tân nhân sự của VNI công tác. CTCP Chứng Khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), CTCP Tập đoàn T&T (T&T) hay Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) tuy có khác nhau về tên gọi hay lĩnh vực kinh doanh, nhưng xét cho cùng đều là các thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. “Bầu” Hiển cũng là người giữ trọng trách Chủ tịch HĐQT tại cả 3 doanh nghiệp này.
Không phải không có lý khi nói rằng, các nhân sự được bổ sung tham gia cơ cấu quản trị và kiểm soát VNI sau đại hội bất thường vào cuối năm 2014 đều là người của “bầu” Hiển.
Người có liên quan
Cập nhật thời điểm hiện tại, ông Trần Sỹ Tiến và ông Nguyễn Thành Quang vẫn an vị trong cơ cấu quản trị VNI. Nhưng đó chưa phải là những nhân sự duy nhất có liên quan tới “bầu” Hiển trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao của VNI.
Cụ thể, HĐQT VNI hiện có 5 thành viên: bà Lê Thị Hà Thanh (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thành Quang (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Ngọc Nghị, ông Nguyễn Văn Hòa và ông Trần Sỹ Tiến.
Đây cũng là 5 cá nhân đã thay thế người của 5 cổ đông sáng lập (VNA, Lilama, Vinacomin, Geleximco, CTCP Nam Việt) trong HĐQT VNI, khi 5 cổ đông này lần lượt thoái hết vốn.
Nên biết rằng, ngoài trường hợp của hai ông Trần Sỹ Tiến và ông Nguyễn Thành Quang, thì ông Nguyễn Ngọc Nghị cũng là người đến từ hệ sinh thái doanh nghiệp của “bầu” Hiển.
Như lời giới thiệu của VNI: “Ông Nguyễn Ngọc Nghị – Thành viên HĐQT sinh ngày 05/10/1975, là thạc sỹ Ngân hàng – Tài chính, tốt nghiệp năm 2010 tại trường Paris dauphine University – ESCP Europe (CFVG). Ông Nghị hoạt động trong ngành ngân hàng từ năm 1998. Đến năm 2007, Ông Nghị giữ vị trí Phó TGĐ tại Công ty quản lý quỹ SHF.”
Lưu ý, SHF có tên đầy đủ là Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, được thành lập theo Giấy phép số 32/UBCK-GP ngày 24/4/2008 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo BCTC năm 2015 của SHF, công ty có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông lớn: Ngân hàng SHB (10,4%); Tập đoàn T&T (12,2%); CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam (8,0%); Công ty TNHH Quốc tế Sao Đỏ (7%); Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin (5%).
Chủ tịch HĐQT SHF là ông Đỗ Quang Hiển. Đồng sự của ông Hiển tại Ngân hàng SHB là Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê cũng có tên trong HĐQT SHF.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Ngọc Nghị được đề cử tham gia HĐQT VNI bởi nhóm cổ đông Vũ Trọng Tuấn và cổ đông Nguyễn Thành Quang; Và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
Đương kim Chủ tịch HĐQT VNI – bà Lê Thị Hà Thanh, được đề cử tham gia HĐQT VNI bởi HĐQT đương nhiệm của VNI vào ngày 20/11/2015 (Nghị quyết HĐQT số 25/2015/NQ-HĐQT) và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của VNI.
Được biết, bà Thanh từng có thời gian gắn bó với VNI trong giai đoạn từ tháng 06/2009 – 04/2010. trên cương vị Trưởng phòng Bảo hiểm Hàng hải.
Từ tháng 04/2010 đến tháng 12/2012, bà Thanh công tác tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin (nay là BSH) với cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc Chi nhánh.
Từ tháng 01/2013 đến trước khi trở lại VNI để đảm trách vị trí Chủ tịch HĐQT, bà Thanh là Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Long Thủ Đô (Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Long).
Như vậy, xét một giác độ nhất định, bà Thanh cũng là người ít nhiều quen biết “bầu” Hiển (giai đoạn làm ở Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin).
Thành viên còn lại trong HĐQT VNI là ông Nguyễn Văn Hòa. Ông Hòa (SN: 1988) được đề cử cùng dịp với bà Lê Thị Hà Thanh, theo Nghị quyết HĐQT số 25/2015/NQ-HĐQT.
Tại thời điểm được đề cử, ông Hòa là thành viên Ban Kiểm soát CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi – một doanh nghiệp nhà nước mới được cổ phần hóa ít tháng. Trước đó, từ năm 2013 – 2015, ông Hòa là cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Quân đội; Từ 2011 – 2013, ông Hòa công tác tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Chưa rõ ông Hòa có liên quan gì đến hệ sinh thái doanh nghiệp của “bầu” Hiển hay không.
Như vậy, trừ trường hợp của ông Nguyễn Văn Hòa, thì trong cơ cấu quản trị của VNI đã có tới 4/5 thành viên từng có liên quan tới “bầu” Hiển. Trong đó có 3 người, trực tiếp tham gia VNI khi vẫn đang đảm trách các cương vị quan trọng tại các doanh nghiệp của đại gia này, gồm các ông: Trần Sỹ Tiến, Nguyễn Thành Quang, Nguyễn Ngọc Nghị.
Báo cáo quản trị mới nhất của VNI (Báo cáo quản trị cả năm 2016) cho thấy, hai ông Nguyễn Ngọc Nghị và ông Trần Sỹ Tiến đang nắm giữ một khối lượng đáng kể cổ phần VNI. Cụ thể, tại ngày 31/12/2016, ông Nghị sở hữu 2 triệu cổ phần, tương đương với 4% VĐL; Còn ông Tiến sở hữu 2,4 triệu cổ phần, tương đương với 4,72% VĐL.
Đặc biệt, không chỉ chiếm ưu thế trong HĐQT, người đến từ hệ sinh thái doanh nghiệp của “bầu” Hiển còn nắm giữ 2/3 ghế Ban Kiểm soát VNI.
Đó là Trưởng ban Nguyễn Thái Hằng và thành viên BKS Nguyễn Thị Thu Huyền. Cả hai cùng được bầu bổ sung ngày 24/11/2015, và cùng được đề cử bởi nhóm cổ đông là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội và vổ đông Trịnh Thị Lan.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm được bầu vào BKS VNI, bà Hằng (SN: 1964) đang là Giám đốc Ban Kế toán kiêm Kế toán trưởng Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH). Bà Hằng chính thức tham gia công tác tại BSH từ năm 2010.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền (SN: 1983), tại thời điểm được bầu vào BKS, bà Huyền là chuyên viên kế toán tại VNI. Trước khi đến công tác tại VNI, bà Huyền là chuyên viên kế toán của Công ty TNHH T&T Motor; Trước đó nữa, là chuyên viên kế toán của CTCP Tập đoàn T&T. Phu quân của bà Huyền, ông Nguyễn Anh Dũng (SN: 1980), cũng là một nhân sự tài chính – kế toán của CTCP Tập đoàn T&T.
Diễn biến mới
Ngày 03/01/2017, VNI chính thức phát đi thông báo cho biết, kể từ ngày này, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) sẽ không còn là đơn vị quản lý cổ đông của VNI.
“Để đảm bảo tính liên tục cũng như quyền lợi của cổ đông, HĐQT VNI đã lựa chọn Công ty SHS là đơn vị được ủy thác quản lý cổ đông”, VNI cho biết.
Thông tin trên sẽ mang tới nhiều hình dung, nếu biết ABS là một doanh nghiệp có liên quan tới Geleximco – một trong năm cổ đông sáng lập nên VNI nhưng hiện đã thoái vốn. Còn SHS lại là một công ty chứng khoán do “ông bầu” Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT.
Không chỉ thay đổi về đơn vị quản lý cổ đông, VNI cũng vừa trải qua một động thái điều chỉnh vốn quan trọng.
Ngày 21/04/2017, VNI có văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông báo về việc thay đổi số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Theo đó, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNI sẽ chính thức được điều chỉnh từ mức 50 triệu lên thành 80 triệu cổ phiếu; Qua đó, chính thức điều chỉnh vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên thành 800 tỷ đồng. Lý do thay đổi cổ phần là “phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu”.
Chưa rõ cơ cấu sở hữu hiện tại tại VNI đã được điều chỉnh ra sao và chưa rõ đâu là cổ đông/nhóm cổ đông chi phối lớn nhất tại VNI.
Nhưng với những thông tin vừa đề cập, có thể cảm nhận phần nào về tầm ảnh hưởng của “bầu” Hiển tại Tổng công ty bảo hiểm hàng không – một doanh nghiệp vẫn mang thương hiệu hơi hướng của Vietnam Airlines, tuy hãng bay này và các cổ đông sáng lập khác đã thoái vốn từ lâu.
Cũng nên biết rằng, “bầu” Hiển vốn đã có một công ty bảo hiểm đang hoạt động rất mạnh, đó là Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), doanh nghiệp do SHB chung tay với Vinacomin góp vốn sáng lập./.
(Còn nữa...)