Vaccine COVID-19 của Cuba mà Việt Nam định nhập hiệu quả ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phòng thí nghiệm Công ty dược phẩm sinh học nhà nước Cuba BioCubaFarma ngày 21/6 công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 "Abdala" cho thấy hiệu quả bảo vệ đạt 92,28% sau 3 liều tiêm.
Công ty BioCubaFarma ngày 21/6 công bố kết quả cho thấy vaccine Abdala có hiệu quả bảo vệ 92,28% trước SARS-CoV-2 (Ảnh: BioCubaFarma).
Công ty BioCubaFarma ngày 21/6 công bố kết quả cho thấy vaccine Abdala có hiệu quả bảo vệ 92,28% trước SARS-CoV-2 (Ảnh: BioCubaFarma).

Hiện nay nhiều quốc gia trong đó có Argentina và Việt Nam đã bày tỏ quan tâm và muốn mua sản phẩm này. Theo hãng Reuters và các cơ quan truyền thông nước ngoài, phòng thí nghiệm BioCubaFarma hôm 21/6 thông báo trên Twitter rằng "tiêm 3 liều vaccine Abdala có hiệu quả bảo vệ 92,28%", nhưng không nêu rõ dữ liệu đánh giá về lây nhiễm hoặc tử vong.

Cuba hiện đang phát triển 5 loại vaccine mới trong nước. Ở giai đoạn này, chưa có vaccine nào được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA). Tuy nhiên, hồi tháng 5 các nhà chức trách Cuba đã bắt đầu cho phép tiêm hai loại vaccine trên diện rộng như một phần của “intervention studies” (nghiên cứu can thiệp), với hy vọng làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2.

“Abdala” là một trong hai loại vaccine COVID-19 đã bắt đầu được sử dụng trên diện rộng ở Cuba. Kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine còn lại có tên là "Soberana 2" cũng cần tiêm 3 liều cho thấy hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm 2 liều là 62%. Dự kiến, cả hai loại vaccine này sẽ sớm được cơ quan chức năng Cuba phê chuẩn cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Từ tháng 5/2021, dân chúng thủ đô La Havana đã được tiêm vaccine Abdala với quy mô lớn (Ảnh: BioCubaFarma).

Từ tháng 5/2021, dân chúng thủ đô La Havana đã được tiêm vaccine Abdala với quy mô lớn (Ảnh: BioCubaFarma).

Chủ tịch nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel sau đó đã phấn khởi viết tweet bày tỏ niềm tự hào về tin tức này: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà khoa học của chúng ta tại Viện Nghiên cứu vaccine Finlay và Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học BioCubaFarma đã vượt qua mọi trở ngại, cung cấp cho chúng ta hai loại vaccine rất hiệu quả”. Viện nghiên cứu vaccine Finlay (Finlay Vaccine Institute) là một trung tâm nghiên cứu của nhà nước ở Cuba, vaccine “Soberana 2” đã được viện này phát triển.

Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, từ những năm 1980, Cuba phụ thuộc rất nhiều vào vaccine nội địa. Có tới 80% vaccine được sử dụng ở Cuba được sản xuất trong nước. Cuba cũng hy vọng sẽ phát triển loại vaccine COVID-19 sản xuất trong nước đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh.

Thông tin cho biết Cuba đã xuất khẩu vaccine trong nhiều thập kỷ. Khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra, Chính phủ Cuba đã chọn cách dựa vào vaccine trong nước. Lúc đầu nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ, cho rằng đó là sự mạo hiểm, nhưng hiện nay chủ trương đó đã cho thấy hiệu quả, không chỉ nâng cao danh tiếng khoa học của Cuba, mà còn mở ra khả năng xuất khẩu vaccine để thu ngoại tệ.

Vaccine “Soberana 2” - một trong hai loại vaccine do Cuba phát triển thành công (Ảnh: Finlay).

Vaccine “Soberana 2” - một trong hai loại vaccine do Cuba phát triển thành công (Ảnh: Finlay).

Hiện tại, nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam, Argentina, Jamaica, Mexico, Venezuela, ...đã quan tâm đến việc mua vaccine của Cuba. Iran ngay từ đầu năm nay đã bắt đầu sản xuất vaccine “Soberana 2” như là một phần của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Cuba hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới nghiêm trọng nhất. Vào ngày 21/6 đã có thêm 1.561 ca lây nhiễm mới được ghi nhận, đưa tổng số người Cuba bị nhiễm COVID-19 lên 169.365 và 1.170 người đã tử vong.

Dân số Cuba hiện có khoảng 11,2 triệu người, trong đó có khoảng 1 triệu người đã được tiêm chủng đủ liều. Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Cuba, số trường hợp lây nhiễm được xác nhận hàng ngày ở thủ đô Havana đã giảm một nửa kể từ khi người dân được tiêm vaccine “Abdala” vào tháng 5.

(Theo Yahoo, Reuters).