Đài Loan: Sau hai ngày tiêm vaccine, 11 người già có bệnh nền tử vong, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch COVID-19 ở Đài Loan đang nghiêm trọng, từ ngày 15/6 Đài Loan bắt đầu tiêm cho người cao tuổi sau khi nhận gần 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản tài trợ, nhưng điều không mong muốn đã xảy ra.
Người già ở Đài Bắc xếp hàng chờ tiêm vaccine (Ảnh: UDN).
Người già ở Đài Bắc xếp hàng chờ tiêm vaccine (Ảnh: UDN).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương đêm khuya 16/6, tính đến cuối ngày 16/6, đã có 11 người già liên tiếp tử vong trên khắp Đài Loan, họ đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước đó 2 ngày.

11 người tử vong gồm 3 người ở thành phố Tân Bắc, 3 ở thành phố Đài Trung; các thành phố Đài Bắc, thành phố Tân Trúc, huyện Tân Trúc, huyện Trường Hoa và thành phố Gia Nghĩa mỗi nơi có một trường hợp. Hầu hết những người chết đều có tiền sử mắc các bệnh nền mãn tính, nhà chức trách cho biết liệu nguyên nhân tử vong có liên quan đến tiêm vaccine hay không hiện vẫn đợi được làm rõ.

Cục Y tế thành phố Đài Trung thông báo: một cụ ông 94 tuổi họ Lâm, một cụ bà 90 tuổi họ Thái và một người đàn ông 60 tuổi họ Khưu đã chết sau khi tiêm vaccine vào hôm thứ Ba (15/6). Ông Lâm có tiến sử bị mắc các chứng bệnh Alzheimer, tiểu đường, cao huyết áp. Sau khi tiêm vaccine hôm thứ Ba đến sáng thứ Tư, ông đã mất dấu hiệu của sự sống. Khi cảnh sát được báo đến hiện trường thì ông đã qua đời.

Cụ bà Thái trong 3 tháng gần đây bị viêm nhiễm đường tiết niệu và từng nhập viện trong tình trạng gãy xương sườn, sau khi tiêm vaccine về nhà thì xuất hiện lú lẫn, sốt cao, trước khi gia đình đưa đến bệnh viện đã không còn dấu hiệu của sự sống, đã tử vong sau khi cấp cứu không thành công. Ông Khưu, người đang sống trong viện dưỡng lão, cũng có tiền sử các bệnh ung thư thận và tiểu đường.

Những người già ở Đài Loan được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trước (Ảnh: UDN).

Những người già ở Đài Loan được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trước (Ảnh: UDN).

Sở Y tế thành phố Đài Trung nhấn mạnh, để làm rõ mối tương quan giữa nguyên nhân tử vong và vaccine, cơ quan này sẽ giúp người nhà làm thủ tục xin cứu trợ nạn nhân tiêm chủng, giúp thu thập hồ sơ bệnh án liên quan và trình lên chính quyền trung ương để cân xem xét. Nếu được xác định việc tiêm vaccine đã gây nên tử vong, số tiền tối đa gia đình nạn nhân nhận được sẽ là 6 triệu Đài tệ (4,96 tỉ VND).

Văn phòng Y tế thành phố Tân Bắc cùng ngày 16/6 cũng thông báo: một cụ ông 88 tuổi và một cụ bà 81 tuổi ở quận Đạm Thủy (Tamsui) và một người đàn ông 69 tuổi sống trong một trung tâm dưỡng lão ở quận Bản Kiều (Banqiao), cũng tử vong sau khi đã tiêm phòng. Trong số đó, cụ bà 81 tuổi ở được tiêm vaccine hôm thứ Tư là bệnh nhân đang chạy thận. Bà đã đến phòng khám để lọc máu trước, do đủ điều kiện để tiêm nên được tiêm phòng sau đó, không ngờ sau khi trở về nhà cụ cảm thấy không khỏe. Khi gia đình phát hiện ra đã không còn dấu hiệu của sự sống. Cục trưởng Y tế thành phố Tân Bắc Trần Nhuận Thu (Chen Runqiu) xác nhận hai người đã chết ở quận Đạm Thủy trước đó đều đã mắc các bệnh nền mãn tính từ lâu.

Người già đi tiêm vaccine ở thành phố Đài Trung (Ảnh: Đông Phương).

Người già đi tiêm vaccine ở thành phố Đài Trung (Ảnh: Đông Phương).

Một người phụ nữ 97 tuổi họ Phạm ở thị trấn Trúc Đông (Zhudong), huyện Tân Trúc đã đến phòng khám để tiêm phòng vào sáng thứ Tư. Khi trở về nhà nghỉ ngơi, bà đột nhiên bất tỉnh và hôn mê; khi cảnh sát nhận được tin báo đến nơi thì cụ đã qua đời.

Ngoài ra, huyện Bành Hóa cũng xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên do tiêm vaccine là một cụ ông 86 tuổi có tiền sử mắc các bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, viêm gan mãn tính ... đã cùng gia đình đi tiêm vaccine vào ngày tết Đoan Ngọ (thứ Hai, 14/6). Trong quá trình tiêm không thấy khó chịu trong, nhưng đến chiều ngày thứ Ba (15/6), gia đình phát hiện cụ không thở, tim ngừng đập, tử vong sau khi được đưa vào viện cấp cứu nhưng không kịp.

Ngoài ra, thành phố Đài Bắc cũng có một người cao tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine vào tối thứ Tư (16/6). Một cụ ông 96 tuổi họ Chu đã được tiêm vaccine vào buổi sáng và cảm thấy không khỏe. Người nhà tới 18 giờ tối phát hiện ông không còn thở trên giường và gọi cảnh sát cầu cứu; khi nhân viên y tế đi xe cứu thương đến nơi phát hiện cụ Chu đã chết, đồng thời thông báo cho nhân viên của Cục Y tế đến làm thủ tục khám nghiệm và làm rõ nguyên nhân tử vong. Cùng với cụ bà họ Phạm ở huyện Tân Trúc và một cụ bà 81 tuổi ở thành phố Tân Bắc, Đài Loan đã báo cáo ba trường hợp tử vong trong ngày thứ Tư (16/6) sau khi tiêm vaccine.

Sau khi nhiều nơi xuất hiện những người cao tuổi bị tử vong sau tiêm vaccine, ông Thị trưởng thành phố Tân Bắc Hầu Hữu Nghị (Hou Youyi) hôm thứ Tư (16/6) đã thông báo: đợt thứ hai gồm 57.000 liều vaccine AstraZeneca dự kiến ​​sẽ bắt đầu được tiêm từ ngày thứ Bảy (19/6). Những đối tượng được hưởng lợi bao gồm những người trong độ tuổi từ 82 đến 84 và các thổ dân từ 72 đến 74 tuổi. Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ke Wenzhe) cùng ngày 16/6 cũng cho biết chính quyền thành phố sẽ nhận thêm 54.000 liều vaccine vào thứ Năm, và việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện cho những người già trên 80 tuổi và các thổ dân trên 65 tuổi, bắt đầu lúc 8 giờ sáng.

Ông Trần Thời Trung: tiêm vaccine có tỷ lệ tử vong nhất định, nhưng lợi nhiều hơn hại nên đề nghị tiếp tục tiêm (Ảnh: CNA).

Ông Trần Thời Trung: tiêm vaccine có tỷ lệ tử vong nhất định, nhưng lợi nhiều hơn hại nên đề nghị tiếp tục tiêm (Ảnh: CNA).

Những thông tin trên của trang Đông Phương cho thấy, cơ quan y tế Đài Loan ưu tiên tiêm vaccine cho những người già trước, không quan tâm đến tiền sử có bệnh nền hay không. Phải chăng điều này đã khiến 11 người tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 hai ngày qua?

Theo thông tin mới nhất trên trang Đông Phương lúc 12h30’ (11h30’ giờ Hà Nội) đã có ít nhất 13 người ở Đài Loan đã tử vong sau khi được tiêm vaccine. Ông Trần Thời Trung (Chen Shizhong), Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương Đài Loan, sáng 17/6 tuyên bố: “Có nhiều nguyên nhân có thể gây tử vong, trong đó không loại trừ do tiêm vaccine, cần phải được Ủy ban các chuyên gia thảo luận. Theo số liệu ở nước ngoài, sẽ có tỷ lệ tử vong nhất định; tuy nhiên tính ra, lợi vẫn lớn hơn hại, nên vẫn đề nghị tiếp tục tiến hành tiêm”.