Ngày 28/7/2021, trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GDĐT) đã ra thông báo chính thức về việc không tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là xét đặc cách cho những thí sinh đăng ký. Thông báo cũng cho biết trước đó Bộ GD&ĐT đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho những thí sinh có nguyện vọng; đồng thời Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác để xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021, tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Tóm lại, quyết định này của Sở GDĐT Hà Nội đồng nghĩa với việc nhiều học sinh không thi tốt nghiệp nhưng vẫn có thể được công nhận tốt nghiệp và đỗ đại học.
Đứng trước quyết định này, không ít người tỏ ra băn khoăn và đặt nhiều câu hỏi về sự “trung thực” của điểm học bạ, về cách thức xét tốt nghiệp, về sự công bằng trong đánh giá và xét tuyển đại học v.v. Những băn khoăn này tất nhiên không phải không có lý do, vì như chúng ta đã biết, “bệnh thành tích” là một trong những vấn đề nhức nhối của giáo dục nước nhà. Điểm học bạ có thể bị chi phối bởi những áp lực thành tích có tính dây chuyền ấy, vì thế, nếu căn cứ vào kết quả này thì có thể dẫn đến thiếu công bằng đối với những học sinh đã tham gia đợt thi thứ nhất; thêm nữa, khi dùng học bạ để xét đại học với tình hình như đã nêu, một lần nữa có thể dẫn đến sự thiếu chính xác ở đầu vào các trường đại học; từ đây, những hệ lụy có thể phát sinh một cách lâu dài mà ảnh hưởng đối với xã hội là rất khó đong đếm hết được.
Tuy nhiên, đây lại là giải pháp buộc phải dùng do tình thế khách quan đòi hỏi. Nêu lại vấn đề này không phải để “bàn lùi”, mà nhằm tìm đến những tính toán chặt chẽ sao cho có được một kết quả tốt nhất có thể – đó là công việc cần sự nghiêm cẩn của các cơ quan hữu trách. Và đồng thời, đây cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn lại nguyên lý thiết kế những vấn đề căn cốt của giáo dục phổ thông và từ đó tìm kiếm hướng giải cho các nan đề cụ thể trong giáo dục nói chung.
Khi mà nguyên lý đã phải cấp bách mang ra nhìn nhận lại thì điều đó cũng đồng nghĩa bấy lâu cái nguyên lý ấy đã sản sinh ra những quy định, những cách làm gây bất ổn, tiêu phí rất nhiều thời gian công sức của toàn xã hội, đồng nghĩa nếu không có thay đổi sớm, cái nguyên nhân tổng thể sinh ra những bất ổn kia sẽ ngày một thêm sâu dày.
Năm 2018 Bộ Giáo dục đã ban hành chương trình giáo dục đổi mới, một trong những trọng tâm của nó là giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương, cho cơ sở giáo dục, cho giáo viên và cả học sinh nữa. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với tinh thần của giáo dục hiện đại. Nghĩa là, khi chúng ta đòi hỏi một sự quản lý tập trung là đang đi ngược lại với xu thế tất yếu và chủ trương đúng đắn kia.
Vấn đề không phải chỉ đơn thuần là quan niệm “xấu đều hơn tốt lỏi”, là cào bằng, mà quan trọng là cần những bước đi mạnh dạn, quyết đoán trong tiến trình tự chủ hóa cho ngành giáo dục. Đại dịch Covid-19 đã rơi vào đúng thời điểm này, gần như cùng lúc với việc khởi động Chương trình 2018, nghĩa là dù muốn dù không thì việc trao lại một phần quyền tự quyết cho các địa phương và các cơ sở giáo dục là việc buộc phải làm. Và chúng ta thấy nó hợp lý.
Xã hội luôn đòi “cởi trói” cho giáo dục nhưng khi cho phép được tự quyết thì đây đó lại tỏ ra e dè. Phải chăng nhiều người còn bám giữ vào “tư duy bao cấp”, vẫn muốn làm theo các mệnh lệnh hành chính từ trên xuống hơn là mạnh dạn tự mình lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy?
Như chúng ta đã biết, có rất nhiều điều chỉnh lớn trong đợt Đổi mới lần này, và một trong các thay đổi quan trọng là chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách”, và sách giáo khoa đã không còn là “pháp lệnh” nữa; người thầy được quyền tự thiết kế bài học và đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá. Nếu chúng ta vẫn còn lo sợ sự “thiếu công bằng” một cách cực đoan thì những đổi mới như trên không thể tiến hành – vì nó gián tiếp thúc ép việc tước bỏ quyền tự chủ của giáo viên cũng như các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, ngoài việc lấy kết quả thi THPT Quốc gia (năm nay gọi là thi Tốt nghiệp) để xét tuyển đại học thì từ vài năm trước Bộ Giáo dục đã giao quyền chủ động cho một số trường đại học được tuyển sinh theo phương án của mình. Rõ ràng, đã và đang có một sự thay đổi lớn trong tư duy của bộ chủ quản; và cái quan trọng, theo chúng tôi, tư duy ấy là đúng đắn. Vậy thì hà cớ làm sao chúng ta còn quá nặng nề với việc phải thi tập trung cũng như bám giữ vào bao nhiêu cách thức quản lý nặng tính hành chính trong giáo dục?
Đã từ lâu rồi vì nhiều nguyên nhân mà xã hội thường xuyên vang lên những lời kêu gọi thúc giục hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao quyền tuyển sinh lại cho các trường đại học. Vậy lần này Hà Nội không tổ chức thi đợt 2 và cùng Bộ hướng dẫn các trường đại học phương án tự xét tuyển chẳng phải là đang làm đúng với nguyện vọng của chúng ta và từng bước tiệm cận với tinh thần của giáo dục hiện đại hay sao. Tất nhiên, việc làm thế nào để có thể đánh giá chính xác nhất năng lực người học trong tuyển sinh của các trường đại học sau khi đã được tự chủ lại là một bài toán khó, không thể hời hợt mà tìm ra lời giải được. Cách xây dựng đề, nội dung của đề thi, cách đặt câu hỏi trong đề thi cho đến thành lập ngân hàng đề, rồi tiêu chí cho điểm v.v. phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, và ở điểm này thì chúng ta phải học tập các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vấn đề rất dài và khó khăn, tuy nhiên có một nguyên tắc mà chúng ta phải thấu triệt: Cách thi quyết định cách học. Cần phải đứng vững ở luận điểm này để quán xuyến tư duy trong thiết kế các công đoạn khác nhau của toàn bộ quá trình giáo dục.
Thêm nữa, có một thay đổi rất quan trọng trong Chương trình 2018 mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý: chuyển trọng tâm từ thủ đắc kiến thức sang dạy-học phát triển năng lực. Nghĩa là việc đòi hỏi một kỳ thi chung cho cả triệu học sinh là một sự cản trở, và thậm chí đi ngược lại với mục tiêu trên. Khi dạy học lấy phát triển năng lực làm mục đích thì sự thay đổi tất yếu phải được tiến hành song song, đó là thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá. Chúng ta không thể bám giữ vào lối nghĩ và cách làm cũ được nữa, không hẳn chỉ vì hoàn cảnh thay đổi hay vì câu chuyện quản lý hành chính mà là bởi mệnh lệnh của một quy luật tất yếu trong hình thành và phát triển năng lực con người dựa trên các tiền đề tâm lý học.
Covid đã làm thay đổi rất nhiều mặt của thế giới, tuy nhiên đối với giáo dục Việt Nam, ngay trong bước chuyển này, thì may mắn thay, nó lại là một tác động tuy không mong muốn nhưng lại thuận chiều.
Muốn xây dựng một nền giáo dục tự chủ, lành mạnh và tráng kiện thì trước hết mỗi cá nhân trong xã hội cần phải vượt qua những hàng rào của sự phong bế trong tư duy. Để chấp nhận cái mới và quyết tâm với cái mới không phải chỉ cần mỗi tri thức, mà còn cần cả lòng quả cảm nữa – lòng quả cảm của việc phá bỏ những quan niệm cũ kỹ của chính mình.