Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

Tư duy học phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Câu chuyện về giáo dục đại học một lần nữa nóng lên trên diễn đàn Quốc hội sau phát biểu của Giáo sư Lê Quân – Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

Về thực chất, không có nhiều người phản đối chủ trương tự chủ đại học, vì đây là một bước đi tiến bộ, phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như xu thế quốc tế; cái khiến các nhà chuyên môn bàn thảo và dư luận “dậy sóng” chính là quan điểm về học phí trong chủ trương ấy.

Xin lưu ý, bài viết này là bàn về quan điểm học phí, một quan điểm mà ngày nay đang chi phối rất lớn tới tư duy của các cấp quản lý cũng như người làm giáo dục khi ngành này đang gặp những “vấn đề” và mâu thuẫn mỗi lúc một trầm trọng, chứ không phải chỉ đơn thuần là một bình luận về quan điểm nghị trường của Đại biểu quốc hội - Giáo sư Lê Quân.

Giáo sư Lê Quân khẳng định trong phần nói về “chính sách học phí”: “Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành 'học đại'".

Có thể hiểu, nội dung của quan điểm này là dùng học phí cao/nâng học phí lên để khống chế và giới hạn số lượng đầu vào, đồng thời sinh viên sẽ vì “tiếc tiền” mà học hành nghiêm túc, dẫn đến chất lượng đào tạo được cải thiện.

Trước hết, theo chúng tôi, một mục đích đúng phải luôn đi kèm cách làm đúng. Với chủ trương tự chủ đại học đúng đắn, nhưng chỉ một khâu trong “sách lược” mà phạm phải sai lầm thì có thể dẫn đến phá sản cả cái chủ trương ấy. Ở đây, với chính sách học phí như trên, rất có thể cái lý tưởng kia không những sẽ thất bại mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về mặt xã hội.

Vì sao? Thứ nhất, tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Khi dùng tiền để “cản” thì tất nhiên sẽ chỉ chủ yếu là những người có tiền mới có thể qua được cửa ải. Và như thế, những sinh viên nghèo có thể buộc phải dừng lại trước cổng trường đại học.

Mặc dù giáo sư Quân đã không quên lưu ý đến chính sách dành cho học sinh, sinh viên nghèo, song như chúng ta vẫn biết các chính sách ấy khó mà đi vào thực tiễn một cách đồng bộ và có hiệu quả khi mà tỷ lệ dân số ở nông thôn đang chiếm gần 70%, và thu nhập trung bình của phần lớn người dân nhìn chung là thấp.

Trước gánh nặng học phí này, rất có thể một sự phân hóa về trình độ sẽ được khoét sâu hơn, và từ đó là sự kéo theo phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Các vấn đề xã hội sẽ phát sinh với nạn thất nghiệp, với sự xuống cấp của đời sống văn hóa, với các tệ nạn xã hội v.v. Hậu quả khôn lường.

Từ một góc nhìn khác, việc dùng “học phí” để kỳ vọng về chất lượng đào tạo là một cách trút trách nhiệm của người quản lý vận hành cơ sở đào tạo lên vai người dân và con em họ.

Thay vì thiết kế chương trình giáo dục một cách khoa học, quản trị đại học một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, và tổ chức đào tạo bài bản để đưa đến sản phẩm chất lượng cao, để thầy và trò đều phải tu dưỡng không ngừng, thì ở đây với quan điểm này, giáo dục đại học đang tìm kiếm động lực chủ yếu từ nơi những người học với nỗi “tiếc tiền” của họ.

Giáo dục đâu phải một “mặt hàng tiêu thụ đặc biệt” như rượu bia hay thuốc lá để phải “đánh thuế” cao nhằm hạn chế tiêu dùng! Chất lượng giáo dục mặc dù là một sản phẩm được kiến tạo 2 đầu, tức từ cả phía ý thức học tập của người học, nhưng dứt khoát phụ thuộc nhiều hơn vào việc đào tạo.

Và ngay cả cái ý thức đó cũng phần lớn bị chi phối bởi “chiến lược và sách lược” của nhà trường, chứ không phải một cái gì từ trời rơi xuống. Vì thế, việc coi tiền như một phương pháp giáo dục, theo chúng tôi, là vừa sai chệch, vừa không thể hiện được vai trò cần thiết của công tác đào tạo cũng như trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc tìm kiếm những giải pháp xã hội tổng thể cho vấn đề này.

Nếu quan điểm dùng học phí để tạo rào cản được chính sách hóa thì tư duy này sẽ tác động một cách sâu sắc tới không những các vấn đề xã hội và giáo dục mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề con người, hiểu như là làm thay đổi quan niệm và tình cảm sâu xa trong con người đối với việc học tập bấy lâu vẫn được cảm nhận như là cái gì thiêng liêng, cao đẹp.

“Đánh thuế” việc đi-học sẽ làm giảm sút tình yêu với tri thức, gây nên những ấn tượng xấu của cá nhân đối với học đường; trong khi những điều ấy lại là hệ trọng bậc nhất cần được hun đúc, vì nó là cội nguồn cho chất lượng giáo dục, cho sự bình ổn xã hội và cho tiến trình văn minh của dân tộc. Như thế, “tư duy học phí” cực đoan sẽ trở thành bước cản không phải với chỉ học sinh mà là với tri thức và tinh thần nhân văn nói chung.

Việc “cản” học sinh lao vào đại học có thể được thực hiện một cách khoa học và thuần túy trên tinh thần giáo dục như thay đổi chỉ tiêu, thay đổi phương thức đánh giá năng lực, thiết kế đầu vào - đầu ra hợp lý v.v. Đó là những cách thức tích cực và khoa học, bằng không thì việc dùng học phí sẽ có bản chất như một sự sàng lọc dựa trên những cái gì phi giáo dục.

Bởi vì ở đây nó không phải là câu chuyện của hạn chế số lượng mà là ai vào đại học, và vào như thế nào. Tất nhiên, đối với giáo dục thì tiêu chí và mục đích phải là chọn được người tài đức và đào tạo ra người tài đức chứ không phải người nhiều tiền. Từ đó, tư duy học phí cực đoan không những sẽ dẫn đến hủy hoại môi trường phấn đấu lành mạnh trong đào tạo đại học mà còn có thể tác động tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến giáo dục phổ thông.

Vì sao? Khi dùng học phí để “tuyển chọn” thì tất nhiên mục tiêu của người học và phụ huynh sẽ bị tác động: việc “kiếm tiền” sẽ trở thành một đòi hỏi thường trực và nặng nề hơn thay vì đầu tư vào học tập một cách toàn tâm toàn ý, nghĩa là tác động sâu sắc về đối tượng và ý hướng.

Giáo dục đại học phải là một cái gì “vẫy gọi nhau làm người”, tức là trở thành nguyên do tương lai có tính định hướng và kích thích cho việc hình thành các phẩm chất tốt đẹp ngay từ khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đó là các phẩm chất như là lòng hiếu tri, sự kiên trì, tính nhẫn nại v.v.

Chỉ một quyết sách lầm đường có thể ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ xã hội và hệ thống giáo dục quốc dân, việc này quyết không thể chủ quan và xem nhẹ.

Sau khi đã nhận diện những “bất ổn” của “tư duy học phí cực đoan”, chúng ta cần bàn sâu hơn vào vấn đề tư tưởng giáo dục và giải pháp khả thi. Đầu tiên, phải xác định cho được sứ mệnh của giáo dục đại học, sứ mệnh ấy sẽ tìm thấy thông qua câu hỏi “Học để làm gì”.

Tất nhiên là không phải chỉ có “đào tạo nguồn nhân lực”, đại học gánh vác một trọng trách nặng nề hơn. Đại học, nhất là trong đất nước Việt Nam có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang hội nhập nhanh và sâu rộng với thế giới, cần một triết lý và mục đích cụ thể để từ đó mà thiết kế các công đoạn cũng như phương pháp và tổ chức cho phù hợp với đạo lý, pháp lý, bản chất chế độ và phương hướng đi lên của đất nước, tránh được những sự méo mó, phiến diện và mất cân bằng.

Trở lại biện pháp rào cản học phí, trước hết, việc “học sinh lao vào đại học” là một vấn đề có tính lịch sử - văn hóa lâu đời chứ không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện sai lầm của chính sách giáo dục đương thời. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn hoàn toàn có thể giải quyết được bằng một cách thức quản trị xã hội - giáo dục tiến bộ và khoa học.

“Cản học sinh lao vào đại học” không thể chỉ là ngăn họ lại trước cổng trường. Vấn đề đặt ra là sau khi bị “cản” lại rồi thì họ sẽ đi đâu về đâu? Và những sinh viên tiền nhiều vượt được rào cản học phí song khi vào trường lại vẫn “học đại” thì giải quyết ra sao?

Ở đây thiết nghĩ cần một giải pháp giáo dục và xã hội toàn diện. Cần phân luồng ngay từ phổ thông song song với việc tạo ra cơ hội việc làm đa dạng trong xã hội để người học lựa chọn. Người ta sẽ không có lý do gì để lao vào đại học khi còn có những lựa chọn khác tốt hơn hoặc/và phù hợp hơn.

Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” suốt nhiều chục năm qua gần như vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Lý do thì có nhiều, tỷ như việc thả nổi để các trường đại học cao đẳng mọc lên như nấm trong vài thập kỷ gần đây.

Trong đó, hiện nay có nhiều trường đang lâm vào tình trạng “mắc xương”, nuốt xuống thì không được mà khạc ra cũng không xong. Mặc dù chất lượng đào tạo thấp và cơ hội việc làm bấp bênh may rủi nhưng để sống còn thì họ vẫn rầm rộ tuyển sinh, bất chấp nhu cầu xã hội, bất chấp số phận người học.

Không thể tiếp tục dùng chính sách “nhân đạo” đối với những đại học như thế được nữa, vì sự sống còn và thành công tiền bạc của họ tỷ lệ nghịch với sự phát triển của xã hội. Hoặc họ phải nâng cao chất lượng đào tạo, hoặc phải bị sáp nhập, thậm chí giải thể.

Tiền cho giáo dục đại học dứt khoát phải có nhưng lấy ở đâu, từ những nguồn nào và cách thức ra sao lại là một câu chuyện cần phải tính toán kỹ lưỡng, phải giải bài toán tối ưu, trên bình diện toàn xã hội.

Và tiền là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất: chất lượng đào tạo đại học chủ yếu phụ thuộc vào chương trình, vào đội ngũ giảng viên cùng cách thức quản lý chuyên môn. Nghĩa là việc nghiên cứu những nhân tố thuộc về bộ máy, về tổ chức và về con người cần được đặt ra và sớm có giải pháp tối ưu.

Ngoài các giải pháp cụ thể như đào tạo theo hình chóp nón (rộng cửa vào nhưng hẹp cửa ra), xây dựng tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá năng lực theo chuẩn quốc tế, tập trung tối đa dung lượng vào tri thức chuyên ngành v.v., thì có một khía cạnh hệ trọng bậc nhất phải được giải quyết trước tiên để làm bản lề cho mọi thay đổi tiếp theo nếu muốn thành công: đồng thời với tự chủ là ưu tiên hàng đầu cho sự theo đuổi tri thức khách quan.

Trả đại học lại cho khoa học thuần túy, gỡ bỏ những hàng rào “quan điểm” và cả áp lực giáo điều ở mọi phương diện. Phải tuân thủ nguyên tắc ở môi trường đại học, tiếng nói của chuyên môn là có thẩm quyền cao nhất. Các tổ chức phi học thuật trong nhà trường cần được điều chỉnh vị trí và giảm trừ vai trò.

Một nỗ lực đề cao học thuật trong đại học (và giáo dục nói chung) phải được khởi động và quyết liệt thực hiện. Chúng tôi nghĩ, nếu không làm tốt được việc này thì mọi cố gắng trong cải tổ đại học sẽ bị phá hỏng, không cách này thì cách khác.

Một lần nữa, chúng ta khẳng định tầm quan trọng của tiền bạc trong mọi nỗ lực kiến thiết xã hội và xây dựng ngành giáo dục, nhưng cũng một lần nữa chúng ta cần đặt tiền bạc vào đúng vị trí của nó.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn quan điểm của nhà bác học Einstein(*): “Tôi nghiệm thấy, chắc chắn rằng không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.”(**)

___________________________________

(*) Nguyên văn tiếng Anh: "I am absolutely convinced that no wealth in the world can help humanity forward, even in the hands of the most devoted worker in this cause. The example of great and pure characters is the only thing that can produce fine ideas and noble deeds. Money only appeals to selfishness and always tempts its owners irresistibly to abuse it."

(**) Trích Thế giới như tôi thấy, trang 22, Nxb Tri Thức, 2007