TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: một là do mạch máu bị vỡ, hai là do mạch máu bị tắc nghẽn”.
Nhận biết đột quỵ thế nào?
“Giả sử một tình huống rất thường gặp là đang ngồi xem TV, bỗng nhiên thấy anh A đứng lên loạng choạng, muốn ngã, tay chân bên phải yếu hẳn, người nhà hỏi thì thấy anh lơ ngơ, ú ớ, miệng méo về bên phải. Nhiều người không biết sẽ tưởng bị trúng gió. Nhưng rất nên lưu ý, đây chính là các biểu hiện đặc trưng dễ nhận biết nhất của đột quỵ” – TS.BS Nguyễn Bá Thắng giải thích.
“Việc cần làm lúc này là gọi cấp cứu ngay lập tức” – BS Thắng nhấn mạnh.
“Khi có một mạch máu bị tổn thương, có thể bị tắc nghẽn do một cục máu đông, thì vùng não không được máu nuôi sẽ chết đi, gọi là nhồi máu. Hoặc mạch máu bị vỡ, máu chảy tràn ra, gọi là xuất huyết não hay chảy máu não” – BS Thắng giải thích cặn kẽ.
BS Thắng phân tích kỹ lưỡng: “Não người có nhiều vùng, nếu tổn thương vùng vận động thì người bệnh sẽ liệt nửa người, nếu tổn thương vùng cảm giác, sẽ bị tê, bị mất cảm giác, nếu tổn thương thị giác thì có thể bán manh hoặc mù, nếu tổn thương vùng ngôn ngữ thì sẽ không nói được hoặc không hiểu được người khác nói”.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: BVCC) |
Hậu quả của đột quỵ
“Hậu quả lớn nhất, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới trong số tất cả các bệnh và còn là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế nặng nề. Trên thế giới, cứ 6 giây lại có 1 người bị đột quỵ, mỗi năm, thế giới có 6 triệu người chết vì đột quỵ, tỷ lệ cứ 6 người lại có 1 người bị đột quỵ”- BS Thắng nhấn mạnh – “Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam thì tử vong do đột quỵ đứng hàng đầu trong số tất cả các bệnh”.
Theo số liệu thống kê cho thấy, có từ 10 đến 20% người đột quỵ đã tử vong, nằm liệt giường chiếm tỷ lệ 13%, hồi phục một phần: 12%, độc lập, đi lại được, có thể về lại cuộc sống bình thường chỉ chiếm 25%.
Đi tìm nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu
BS Thắng nói: “Có 3 nguyên nhân chính gây tắc nghẽn mạch máu não. Nguyên nhân thứ nhất là mạch máu bị tắc nghẽn do tim (bệnh tim), cục máu đông trong tim có thể trôi lên não. Nguyên nhân thứ hai có thể do mạch máu bị xơ vữa (xơ vữa động mạch) có các mảng máu đông gây tắc nghẽn, dẫn tới thiếu máu lên nuôi não. Thứ ba là mạch máu nhỏ bị tổn thương, do bệnh tăng huyết áp, dẫn tới nhồi máu não”.
“Tình huống thứ 2 là xuất huyết não, thì nguyên nhân hầu hết do tăng huyết áp. Như vậy, tăng huyết áp là một bệnh lý rất cần được người dân chú ý, vì có thể gây nhồi máu não và cũng có thể khiến vỡ mạch, làm xuất huyết não” – BS Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như mạch máu bị thoái hoá, bị dị dạng, có khối u não, rối loạn đông máu…
BS Thắng phân tích về các hậu quả nặng nề của bệnh đột quỵ (Ảnh: BVCC) |
BS Thắng tổng kết: “Người nào có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ. Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng nhiều, nam giới bị nhiều hơn nữ giới, có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, ít vận động…”
Xã hội hiện đại khiến chúng ta rất ít cơ hội vận động, di chuyển bằng xe, đi cầu thang máy, ăn uống nhiều chất béo, uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, áp lực công việc tăng stress trong giới công sở… Tất cả đều là những yếu tố nguy cơ cao dễ dẫn tới bệnh đột quỵ.
Thời gian là não – Mỗi phút, có thể chết 2 triệu tế bào thần kinh
BS Thắng phân tích: “Hãy xem xét hai trường hợp cấp cứu đột quỵ điển hình. Một BN nam 70 tuổi đến BV để khám một bệnh khác nhưng đột nhiên không nói được, rồi liệt tay, liệt chân, điểm đột quỵ rất cao. Trong vòng 25 phút, BN được chụp CT não, cấp cứu ngay, điều trị thuốc tan cục máu đông, truyền thuốc, đưa đi can thiệp, dùng dụng cụ lấy huyết khối. Ngay sau khi can thiệp kịp thời, BN hồi phục rất nhanh, sức cơ trở lại được khá tốt, sau 12 tiếng thì BN hầu như không còn triệu chứng gì nữa, trở lại bình thường, chiến thắng ngoạn mục bệnh đột quỵ. Hình ảnh chụp MRI sau đó cho thấy BN không còn tổn thương nào trên não, và hình mạch máu não đã thông hoàn toàn”.
“Một trường hợp khác BN nữ 60 tuổi, không may ở khá xa, trú tại tỉnh Tiền Giang, vì ở xa và điều kiện y học chưa can thiệp nhiều nên sau đó BN được chuyển tới BV Đại học Y Dược TP.HCM để điều trị đột quỵ. BN khởi bệnh lúc 6 giờ sáng, khi tới được BV Đại học Y Dược là 10 giờ 30, tức là sau 3,5 tiếng đồng hồ. Triệu chứng của BN này cũng liệt nửa người, không nói được, điểm đột quỵ rất cao, chụp CT cho thấy có dấu hiệu thiếu máu nhiều, tắc mạch máu lớn. Vì nữ BN này có bệnh xuất huyết dưới nhện cũ, nên không được dùng thuốc tan cục máu, và thời điểm chụp CT xong thì đã là 4 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát. Sau đó, khi BN được can thiệp nội mạch (dùng dụng cụ đưa lên lấy huyết khối), thì các mạch máu đã lên bình thường. Như vậy, về mặt kỹ thuật thì cấp cứu đột quỵ thành công. Tuy nhiên, vì thời gian đã hơn 4 tiếng, nên sau khi can thiệp, BN có cải thiện nhưng sức cơ vẫn chưa được bình thường, nói chuyện khó khăn, chụp MRI cho thấy vẫn còn nguyên một nửa não có nhồi máu” – BS Thắng đưa chi tiết.
BS Thắng cho biết, chỉ có 25% người bệnh đột quỵ có thể quay lại cuộc sống bình thường, còn lại là đời sống phụ thuộc, liệt giường, nguy cơ tử vong cao (Ảnh: BVCC) |
“Vậy hai trường hợp này khác nhau thế nào khi BN được điều trị theo cùng một phác đồ và đã thông được mạch máu rất tốt nhưng kết quả điều trị mỗi BN lại rất khác nhau? BN nam 70 tuổi từ lúc khởi phát tới lúc xử lý xong hoàn toàn mất chưa tới 2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, BN nữ 60 tuổi đã mất tới hơn 4 tiếng mới được can thiệp, xử lý xong thì thành hơn 5 tiếng. Do đó, mới nói rằng “Thời gian là não”. Mất thời gian là mất não” – BS Thắng nhấn mạnh.
“Theo nghiên cứu, thống kê được, khi thiếu máu, cứ mỗi phút não sẽ mất đi 1,9 triệu neurons (tế bào thần kinh) sẽ chết đi. Như vậy, cứ muộn một phút là sẽ mất thêm khoảng 2 triệu tế bào thần kinh. Những tế bào đã chết đi sẽ không thể cứu lại được nữa. BS chuyên khoa can thiệp chỉ có thể cứu lại những tế bào chưa chết thôi” – BS Thắng nhấn mạnh yêu cầu người nhà đọc kỹ các biểu hiện của đột quỵ, và nhấn nút gọi cấp cứu ngay lập tức nếu thấy đủ 3 dấu hiệu này.