Tờ Thời báo Tài chính bản tiếng Trung ngày 31/7 cho rằng, tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker đã ra tuyên bố chung, cho biết sẽ xóa bỏ hàng rào thương mại, tạm dừng đánh thuế thương mại mang tính trừng phạt. Đối với vấn đề này, nội bộ Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt, cho rằng "Mỹ - EU liên kết chống Trung Quốc, ông Donald Trump đã có thủ đoạn cao siêu", hầu như ông Donald Trump đã thành thạo trong đàm phán thương mại toàn cầu, chỉ dựa vào sách lược "cây gậy và củ cà rốt" đối với EU, đã dễ dàng bỏ qua WTO, đạt được đột phá quan trọng “không thuế quan” trong thương mại Mỹ - EU. Đồng thời đã thúc đẩy thành công cục diện các nước phương Tây thống nhất đối phó Trung Quốc, đã tái tạo trật tự quốc tế, là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc mang màu sắc huyền thoại nhất của Mỹ.
Tình hình quả thật như vậy? Ông Donald Trump thực sự cao minh như vậy? Trong tình hình mới, Trung Quốc nên ứng phó như thế nào?
Triển vọng "Ba không" Âu - Mỹ chậm chạp
Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2018, ông Donald Trump đã đề cập đến việc Mỹ đang tìm kiếm "không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp" (Ba không) giữa các nước G7, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế phương Tây. Sau cuộc gặp với ông Jean-Claude Juncker ngày 25/7/2018, ông Donald Trump tiếp tục đề cập đến thành quả lớn nhất của đàm phán Mỹ - Âu là đã đạt được đồng thuận về vấn đề này.
Nhưng, đạt được "Ba không" giữa Mỹ - Âu sẽ còn phải nỗ lực lâu dài, căn bản không thể đạt được trong thời gian 5 - 10 năm tới, có 3 nguyên nhân sau đây:
Trước hết, thỏa thuận "Ba không" hiện vẫn là một trạng thái lý tưởng, thực hiện được sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Chỉ vài ngày trước, Âu - Mỹ còn chỉ trích nhau trong vấn đề thuế quan thương mại, chỉ trong vài ngày vấn đề đã được giải quyết?
Rõ ràng là chưa, bất đồng giữa Âu - Mỹ vẫn tồn tại, chủ yếu thể hiện ở chỗ: Về trợ cấp, đại chiến trợ cấp của EU đối với Airbus và Mỹ đối với Boeing đã kéo đài hơn 10 năm. Năm nay, Mỹ chỉ trích trợ cấp vi phạm quy định của EU đối với Airbus đã lên tới 22 tỷ USD, cho biết có thể sẽ tìm cách trả đũa đối với EU trị giá vài tỷ USD. Đồng thời, EU lên án Mỹ cung cấp trợ cấp trên 20 tỷ USD cho Boeing. Nhiều năm qua, trợ cấp của EU đối với hàng nông sản tăng lên, đến nay tỷ trọng trợ cấp nông sản chiếm trong ngân sách EU vẫn cao tới 37%, trong ngắn hạn sẽ không có sự thay đổi rõ rệt.
Đồng thời, đạt được "không thuế quan" hoàn toàn không phải dễ dàng. Hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và tranh thủ bắt đầu hiệu lực vào năm 2019, thời gian bỏ ra lên tới 7 năm. Xét tới thời gian trước Mỹ và EU từng xảy ra bất đồng khá lớn về vấn đề thuế quan thép, nhôm và ô tô, việc đạt được Hiệp định thương mại tự do EU - Mỹ là quá trình đàm phán lâu dài, trong ngắn hạn rất khó trở thành hiện thực.
Thực ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây không phải không từng nỗ lực cho quan hệ đối tác thương mại và đầu tư. Nhưng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đều tiến triển khó khăn, đã cho thấy rõ sự khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận.
Hơn nữa, cho dù đã đạt được hiệp định thương mại, thái độ của các nước cũng sẽ dễ thay đổi. Chẳng hạn, sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump đã yêu cầu tiến hành đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, làm cho nó phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ. Mỹ, Canada và Mexico đã trải qua nhiều vòng đàm phán, đến nay vẫn chưa đạt được thống nhất.
Thứ hai, đàm phán Khu vực thương mại tự do Mỹ - EU sở dĩ phức tạp còn do khó khăn trong việc phối hợp trong nội bộ EU. Chẳng hạn, lợi ích kinh tế giữa các nước nòng cốt của EU như Đức, Pháp hoàn toàn không thống nhất. Xuất khẩu hàng hóa công nghiệp Đức chiếm vị trí quan trọng, trong đó ô tô lại là ngành quan trọng hỗ trợ cho kinh tế nước này. Trong khi đó Pháp là nước lớn xuất khẩu hàng nông sản.
Vì vậy, từ bỏ bảo hộ đối với nông nghiệp để giảm tăng thuế quan thương mại ngành ô tô rất khó được thông qua trong nội bộ EU. Sau cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Jean-Claude Juncker, sang ngày tiếp theo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ phản đối tuyên bố chung, từ chối đưa nông nghiệp vào bất cứ hiệp định thương mại nào.
Hơn nữa, từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ đến nay, rạn nứt giữa Mỹ - EU gia tăng chưa từng có. Từ việc ông Donald Trump rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris đến Thỏa thuận hạt nhân Iran, rồi đến những chỉ trích gay gắt chi tiêu quân sự của đồng minh quá ít tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Các hành động của ông Donald Trump đều đang thực hiện quan điểm "nước Mỹ trên hết", quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống giảm xuống thấp.
Trong khi ông Donald Trump liên tiếp thay đổi thái độ, trong ngắn hạn, EU và Mỹ có thể quay trở lại thời kỳ trăng mật về kinh tế thương mại hay không là một điều đáng nghi ngờ. Trước khi đánh thuế trừng phạt thương mại 50 tỷ USD, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận nhất thời, nhưng sau đó ông Donald Trump đã phá bỏ thỏa thuận, thúc đẩy leo thang mâu thuẫn, tình hình tương tự có tái diễn ở EU hay không thì còn chưa rõ.
Nửa đầu tháng 7/2018, Thủ tướng Trung Quốc đến châu Âu, trong đó có thăm Đức. Ảnh: NTDTV.
|
Khả năng EU - Mỹ - Nhật nhất trí chống Trung Quốc
Các nước phương Tây hình thành đồng minh nhất trí chống Trung Quốc cũng hoàn toàn không phải dễ dàng. Một mặt, hợp tác giữa Trung Quốc và EU đang được tăng cường. Chẳng hạn, tháng 7/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Đức, ký kết các văn kiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, thanh niên, y tế, hóa chất, viễn thông, ô tô, điều khiển tự động, tổng trị giá gần 30 tỷ USD.
Trong khi đó, căn cứ vào phản hồi của hơn 50 doanh nghiệp cỡ lớn ở 16 thành phố của châu Âu, các doanh nghiệp châu Âu cũng phổ biến lạc quan về thị trường Trung Quốc, coi Trung Quốc là thị trường chủ yếu nhất đem lại tăng trưởng lợi nhuận của họ trên toàn cầu. Đầu tháng 7/2018, Tập đoàn BMW và Tập đoàn xe hơi Trường Thành đã ký hợp đồng liên doanh, tuyên bố sẽ thành lập công ty liên doanh mới ở Trung Quốc.
Hơn nữa, thị trường Trung Quốc cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sớm nhất có thể đến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2018, điều này cho thấy quan hệ Trung - Nhật có dấu hiệu cải thiện.
Mặt khác, nhìn vào quan hệ Trung - Mỹ, Tập đoàn Tesla mở xưởng ở Trung Quốc, Google Driverless Car hợp tác thương mại ở Thượng Hải cho thấy Trung Quốc và Mỹ vẫn có triển vọng rất tốt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại.
Kết hợp với cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ thấy, cái giá phải trả của Mỹ cũng đang tăng lên. Đối với các biện pháp đáp trả mà các nước nhằm vào hàng nông sản Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thực hiện kế hoạch cứu trợ 12 tỷ USD. Nhưng không ít hiệp hội nông dân Mỹ cho biết trợ cấp chỉ là nhất thời, thà cần thương mại tự do chứ không phải là trợ cấp.
Đối với danh sách tăng thuế nhằm vào Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD sắp thực hiện, tại các phiên điều trần, những tiếng nói phản đối của doanh nghiệp Mỹ cũng mạnh mẽ. Trên thực tế, Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn không dễ dàng. Kim ngạch nhập khẩu như vật dụng trong nhà, hòm hành lý của Trung Quốc trong danh sách lên tới 50 - 60%, một khi tăng thuế thì Mỹ sẽ đối mặt với các vấn đế như khó khăn thay thế thị trường, giá cả tăng lên, lợi ích người tiêu dùng bị thiệt hại.
Vì vậy, "cây gậy lớn" thương mại của ông Donald Trump hoàn toàn không phải được sử dụng tốt, vẫn phải đối mặt với các sức ép từ lực lượng chính trị trong nước, hiệp hội thương mại và người tiêu dùng. Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11/2018 sẽ là sự kiện quan trọng kiềm chế chính sách thương mại.
Nhà lãnh đạo của ba nước Đông Bắc Á lần lượt gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Trung Quốc Lỳ Khắc Cường. Ảnh: DW.
|
Đối sách của Trung Quốc: Chuẩn bị "gia nhập WTO" lần thứ hai
Trong khi giới chuyên gia Trung Quốc đã xuất hiện những chỉ trích gay gắt chính phủ Trung Quốc về những phán đoán sai lầm đối với Donald Trump cũng như bi quan về kết cục cuộc chiến thương mại với Mỹ thì tờ Thời báo Tài chính vẫn cho rằng để Mỹ-EU-Nhật Bản xây dựng khu thương mại tự do vẫn là một quá trình đàm phán lâu dài. Nhưng bất kể triển vọng như thế nào đều không nên ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa thương mại song phương và thương mại khu vực.
Chẳng hạn, thông qua đẩy nhanh thử nghiệm khu thương mại tự do Trung Quốc - châu Âu, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 nước và thúc đẩy đàm phán FTA Trung - Nhật - Hàn, rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ bên ngoài sẽ giảm mạnh.
Trong khi đó, đối với hành vi mở rộng trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc lên tới 200 tỷ USD, trong ngắn hạn, phản ứng kiềm chế của chính phủ Trung Quốc có thể là đúng. Có thể thấy, không ít nhân tố quyết định triển vọng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ trong nội bộ Mỹ cũng đang thay đổi, chẳng hạn trợ cấp đối với nông dân đang tăng lên cho thấy các biện pháp đáp trả giai đoạn trước đã tạo sức ép cho bảo hộ thương mại.
Chính sách bảo hộ thương mại đơn phương của ông Donald Trump đang làm dao động lực lượng ủng hộ phía sau. Chẳng hạn Tập đoàn công nghiệp KochIndustries Mỹ, một nhà tài trợ quan trọng của Đảng Cộng hòa coi chính sách thương mại của Donald Trump là "thảm họa", đồng thời cho biết đã mệt mỏi với việc ủng hộ những chính khách Đảng Cộng hòa không ngừng dao động về tư tưởng thị trường tự do.
Việc Mỹ giảm đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ 25% xuống 10% cho thấy chính quyền Donald Trump cũng ý thức được việc gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng khiến cho lợi ích của doanh nghiệp Mỹ và kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro tiềm tàng.
Điều then chốt quyết định triển vọng chiến tranh thương mại là ở bản thân Trung Quốc. "Chơi cờ" giữa Trung - Mỹ có sự khác nhau trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn là vấn đề thương mại, trung hạn là đọ sức về khoa học công nghệ, dài hạn là một quá trình một nước lớn trỗi dậy tham gia nhiều hơn vào xây dựng quy tắc quốc tế.
Như vậy, trong tương lai, xung đột ở các cấp độ khác nhau giữa Trung - Mỹ rõ ràng sẽ vượt trước đây, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải chịu một "cuộc chiến lâu dài" trong quan hệ với Mỹ.
Vì vậy, con đường của Trung Quốc có lẽ là đẩy nhanh cải cách mở cửa, đây là cách "lấy bất biến ứng vạn biến". Nếu có thể coi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ là động lực bên ngoài để Trung Quốc "gia nhập WTO lần thứ hai" thì có lẽ Trung Quốc sẽ có thể biến việc xấu thành việc tốt.
Trên thực tế, so với những điều kiện khắt khe gia nhập WTO của Trung Quốc vào đầu thế kỷ này, chẳng hạn như mở cửa ngành tài chính, ô tô, hàng nông sản, đánh giá hàng năm của WTO, thì hiện nay, rủi ro bên trong và bên ngoài của Trung Quốc trong việc tiếp tục mở cửa đều nhỏ hơn.
Ngoài ra, mặc dù thị trường Trung Quốc là thị trường được các doanh nghiệp nước ngoài coi trọng nhất, nhưng những năm gần đây họ ngày càng gia tăng chỉ trích môi trường kinh doanh của Trung Quốc, đặc biệt là tập trung vào vấn đề đối xử không công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tiếp tục thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm thống nhất về địa vị chủ thể thị trường là điều tất yếu phải tiến hành.
Ngoài ra, gia tăng nhập khẩu, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao mức độ mở cửa đối ngoại cũng là yêu cầu nội tại phát triển kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Chẳng hạn, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế Trung Quốc, phát triển bằng sáng tạo là con đường đúng đắn, trong tương lai Trung Quốc thực hiện từ "đi theo" vươn lên "dẫn dắt", từ "Trung Quốc chế tạo" sang "Trung Quốc sáng tạo", tăng cường đầu tư cho tự nghiên cứu phát triển và nâng cao năng lực tự sáng tạo là yêu cầu tất yếu để thực hiện phát triển nhảy vọt.
Trong khi đó, tiếp tục gia tăng mở cửa ngành tài chính, dịch vụ, đưa vào cơ chế cạnh tranh cũng là nhu cầu để doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu.
Tóm lại, xung đột thương mại Trung - Mỹ leo thang chỉ là một phần của đối đầu nước lớn Trung - Mỹ khi mà thực lực kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng cường. Báo chí Trung Quốc tự an ủi rằng khu thương mại tự do của kinh tế phương Tây hoàn toàn không thể hình thành trong ngắn hạn, cho dù EU - Mỹ - Nhật Bản đạt được thỏa thuận.