Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 20/3 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho rằng, tàu sân bay - với vai trò chính trong lực lượng tác chiến trên biển - phải đối mặt với các loại thách thức kỹ thuật quân sự. Báo này chỉ ra 5 phương án mà Trung Quốc và Nga có thể đánh bại tàu sân bay Mỹ:
Tàu ngầm phóng ngư lôi
Ngày 17/9/1939, tàu ngầm Đức dùng ngư lôi đánh chìm tàu sân bay HMS Courageous của Hải quân hoàng gia Anh. Đây là tàu sân bay đầu tiên trên thế giới bị tàu ngầm bắn chìm.
Đối với tàu sân bay hiện đại, ngư lôi lắp trên tàu ngầm vẫn là một mối đe dọa to lớn. Ngư lôi hiện đại tấn công bộ phận dưới nước của tàu chiến để gây thiệt hại, thậm chí có thể phá hủy xương sống con tàu.
Không ai biết có bao nhiêu ngư lôi hiện đại mới có thể bắn chìm tàu sân bay Mỹ, nhưng điều có thể xác nhận là cho dù chỉ dùng một quả ngư lôi thì cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu sân bay, cản trở tàu sân bay hoạt động bình thường.
Tên lửa hành trình
Đây là vũ khí tấn công chính xác có thể phóng từ máy bay, tàu nổi, tàu ngầm. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển một loạt trang bị chiến đấu - nhỏ có tàu tuần tra, lớn có máy bay ném bom chiến lược - đều có thể dùng để phóng tên lửa hành trình vào biên đội tàu sân bay Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc, Nga và các nước khác có các loại tên lửa hành trình có thể bắn trúng cụm tấn công tàu sân bay Mỹ, tên lửa tiên tiến nhất có thể bay với tốc độ siêu âm và lộ tiết diện radar rất nhỏ.
Mặc dù không có các trận đánh điển hình về tên lửa hành trình bắn chìm tàu sân bay, nhưng một khi bị tên lửa hành trình bắn trúng thì rất có thể sẽ dẫn tới đường băng tàu sân bay bị thiệt hại nghiêm trọng, gây cản trở hoặc đình trệ hoạt động cất hạ cánh máy bay.
Tên lửa đạn đạo chống hạm
Đây là thành quả phát triển quan trọng nhất của công nghệ chống tàu sân bay trong 10 năm qua. Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D Trung Quốc được cho là có khả năng tấn công từ xa, chọc thủng hệ thống phòng thủ hiện có, thông qua dẫn đường đoạn cuối ngắm trúng tàu sân bay Mỹ đang chạy tốc độ cao.
Động năng mạnh của vũ khí có thể sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho đường băng, cho dù không bị đánh chìm thì tàu sân bay cũng sẽ mất đi khả năng hành động. Sự phát triển của tên lửa Đông Phong buộc Hải quân Mỹ phải nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Nhưng, hạm đội đặc biệt Mỹ có huy động được các nguồn lực ứng phó với tên lửa đạn đạo chống hạm hay không vẫn là một điều chưa thể biết. Điều quan trọng hơn là sự phát triển của tên lửa đạn đạo chống hạm buộc Hải quân Mỹ phải xem xét lại vai trò của tàu sân bay trong chiến tranh cường độ cao.
Gánh nặng chi phí quá lớn
Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch chế tạo tàu sân bay, sẽ nhanh chóng trở thành nước lớn có đội tàu sân bay thứ hai trên thế giới.
Về phía Mỹ, họ vừa muốn duy trì dẫn trước công nghệ, vừa muốn duy trì số lượng, quy mô tàu sân bay. Đó sẽ là gánh nặng kinh phí quá lớn, ngay cả với một cường quốc kinh tế số Một thế giới. Chi phí chế tạo riêng tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford mất khoảng 13 tỷ USD, cộng với các máy bay chiến đấu F-35C, F/A-18E/F và các loại máy bay chi viện thì chi phí chế tạo toàn bộ tàu sân bay sẽ lớn khủng khiếp.
Nếu tính thêm các tàu chiến hộ tống của biên đội tàu sân bay thì con số e rằng sẽ còn cao hơn. So với mối đe dọa kỹ thuật quân sự tiên tiến, chi phí chế tạo cao dẫn tới mối đe dọa "không dùng nổi" của tàu sân bay Mỹ còn lớn hơn.
Mối đe dọa chiến lược vô hình
Trung Quốc và Nga kiên trì nghiên cứu công nghệ chống tàu sân bay và đã nghiên cứu phát triển và triển khai một loạt hệ thống vũ khí.
Chi phí chế tạo đắt đỏ và mối đe dọa tiềm tàng của tàu sân bay Mỹ sẽ nhanh chóng biến tàu sân bay từ "vũ khí không thể tổn thất" trở thành thứ vũ khí "yếu ớt". Tổng thống và các sĩ quan chỉ huy hải quân Mỹ sẽ ngày càng lo ngại sự về tính sống sót của tàu sân bay trên chiến trường và vì thế, tàu sân bay Mỹ sẽ buộc phải tránh xa các cuộc xung đột nước lớn.