AIIB được nhiều nhà phân tích tài chính toàn cầu xem là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP), đã chính thức được thành lập vào ngày 25.12, theo một tuyên bố của Trung Quốc.
Mỹ và Nhật Bản, hai nước có nền kinh tế thứ nhất và thứ 3 toàn cầu từ chối tham gia vào việc thành lập AIIB, dù Anh, Đức, Úc vẫn tham gia thành lập ngân hàng này.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) tuyên bố: “AIIB chính thức thành lập khi Các điều khoản Thỏa thuận thành lập ngân hàng có hiệu lực từ hôm nay”.
"Việc thành lập AIIB đánh dấu một mốc quan trọng trong việc cải cách hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu", ông Lâu nói thêm.
Các điều khoản Thỏa thuận quy định mức đóng góp tài chính của các thành viên sáng lập cũng như các quy định về hoạch định chính sách, cơ cấu quản lý, hệ thống kinh doanh và hoạt động của ngân hàng này.
AIIB sẽ đi vào hoạt động sau khi ban giám đốc và hội đồng quản trị tiến hành cuộc họp đầu tiên dự kiến diễn ra từ ngày 16-18.1.2016 tại Bắc Kinh để bầu ra chủ tịch và ban quản lý AIIB.
AIIB hiện có 57 thành viên, với số vốn cơ bản 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đức, Hàn Quốc là những cổ đông lớn nhất.
Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết của ngân hàng AIIB. Ấn Độ và Nga góp lần lượt 8,52% và 6,66% số vốn, nắm giữ quyền biểu quyết lần lượt 7,5% và 5,92%.
Ngân hàng đặt trụ sở tại Bắc Kinh, cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.
Dự kiến, AIIB sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016.
AIIB thành lập dựa trên ý tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần 2 năm trước, việc thành lập ngân hàng này được xem là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh
Bất chấp sự phản đối của Washington, đồng minh lớn của Mỹ như Úc, Anh, Đức, Ý, Philippines và Hàn Quốc cũng tham gia vào việc thành lập AIIB.
Thiên Hà - Theo The Telegraph, Một thế giới