“Hy vọng rằng Australia nhận thức đầy đủ được sự nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan, tôn trọng nguyên tắc một-Trung Quốc, thận trọng trong lời nói và hành động, ngừng gửi đi những tín hiệu sai lầm tới những lực lượng ly khai của “Đài Loan độc lập”, và làm nhiều thứ có lợi hơn cho hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan cũng như quan hệ Trung Quốc-Australia” – Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Trong hôm 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton nói với hãng ABC rằng xung đột với Bắc Kinh xung quanh vấn đề Đài Loan “không nên bị coi nhẹ”. Ông thêm rằng, mặc dù các lực lượng vũ trang Australia duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao để đối phó với mọi mối đe dọa với các đồng minh, nhưng Canberra sẽ nỗ lực duy trì hòa bình.
Các nhà quan sát ngoại giao ở Trung Quốc cảnh báo rằng, những bình luận như vậy có thể gây thêm tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước, ngay sau khi chính phủ Australia hủy 2 thỏa thuận mà bang Victoria từng ký với Bắc Kinh.
“Vị Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra phát ngôn như vậy trong thời điểm này chỉ để tạo ra bầu không khí trong dư luận quốc tế” – ông Yu Nanping, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Hoa Đông, nói – “Nó không có nghĩa rằng Australia thực sự muốn can thiệp vào vấn đề Eo biển Đài Loan, cũng không có khả năng và sức mạnh để can thiệp”.
Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tăng cường các hoạt động xung quanh Đài Loan trong nhiều tháng gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi đầu tháng nói rằng, Mỹ quan ngại về những hành động hung hăng nhằm vào Đài Loan và cảnh báo rằng sẽ là “sai lầm nghiêm trọng” nếu như bất cứ nước nào muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Tây Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, hai nhà lãnh đạo nhắc tới “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan” lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm.
“Australia chỉ muốn chứng tỏ rằng họ sát cánh cùng với Mỹ, trong khi vẫn phải dựa vào sự bảo vệ của Mỹ…Trung Quốc sẽ không phản ứng quá mạnh mẽ với kiểu phát biểu này, bởi Australia không đủ khả năng để thực sự can thiệp vào vấn đề Eo biển Đài Loan” – Ding Yifan, cựu Giám đốc Viện Phát triển Thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton (Ảnh: AFP) |
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Australia dần trở nên lạnh nhạt, sau khi Huawei Technologies bị cấm xây dựng mạng 5G ở nước này và Canberra kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra nguồn gốc của COVID-19.
Bộ trưởng Dutton cũng được hỏi về hợp đồng thuê cảng Darwin, và ông trả lời: “Có hàng nghìn vụ việc đang được xem xét và Bộ trưởng Ngoại giao đang làm việc để giải quyết”.
Chính quyền Vùng lãnh thổ phía Bắc đã ký thỏa thuận cho thuê cảng thời hạn 99 năm với công ty Landbridge của Trung Quốc vào năm 2015, làm dấy lên nhiều quan ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh của Australia.
Liên quan tới vấn đề này, ông Uông Văn Bân nói rằng: “Hy vọng rằng Australia sẽ nhìn nhận về quan hệ hợp tác Trung Quốc-Australia một cách khách quan và dựa trên lý trí, và ngừng can thiệp vào các hoạt động trao đổi, hợp tác thông thường giữa hai nước”.
Ông Ding cho rằng: “Rất có khả năng Australia sẽ hủy thỏa thuận thuê cảng Darwin, bởi Australia thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự chung với quân đội Mỹ ở đó. Australia có thể lo ngại rằng hợp tác thương mại với Trung Quốc ở đó sẽ ảnh hưởng tới hợp tác quân sự với Mỹ”.