Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 23/3, EU đã sử dụng phiên bản EU của Đạo luật Magnitsky được thông qua vào cuối năm ngoái để áp đặt các biện pháp trừng phạt các ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun), cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân (Hội đồng Nhân dân) Khu tự trị Tân Cương; Vương Quân Chính (Wang Junzheng), Bí thư Đảng ủy Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng; Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Tân Cương, và Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Giám đốc Sở Công an Tân Cương. Một thực thể (tổ chức) bị trừng phạt là Cục Công an của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Các biện pháp trừng phạt bao gồm: cấm đi lại, đóng băng tài sản, đồng thời các công dân và công ty của EU không được phép cung cấp hỗ trợ tài chính cho các đối tượng bị trừng phạt. Không giống như Mỹ, EU vốn luôn tìm cách tránh đối đầu với Bắc Kinh nhưng nay quyết định áp đặt những chế tài đầu tiên kể từ năm 1989 được người đứng đầu tất cả 27 quốc gia trong EU đồng ý đã khiến căng thẳng giữa EU – Trung Quốc bùng phát.
Mỹ và Anh ngay lập tức theo chân EU áp đặt trừng phạt quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương (Ảnh: Đông Phương). |
Trước đó, lệnh trừng phạt của EU đối với Trung Quốc sau Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 hiện chỉ còn lại một biện pháp cấm vận vũ khí. Ông Trương Minh, người đứng đầu Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, hôm thứ Ba tuần trước (16/3) đã tuyên bố Trung Quốc phản đối cách tiếp cận sai lầm khi áp đặt các biện pháp trừng phạt theo ý muốn, phản đối việc tùy tiện bịa đặt, bất chấp sự thật.
Ông nhắc lại “Chúng tôi muốn đối thoại, không muốn đối đầu” và kêu gọi EU hãy suy nghĩ lại. Ông tuyên bố rằng nếu EU khăng khăng đối đầu, "vì trách nhiệm trước người dân, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận chơi đến cùng”.
Ngay sau khi Liên minh châu Âu trừng phạt 4 quan chức và một tổ chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, cùng ngày thứ Hai (22/2) Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức phản kích, tuyên bố trước việc EU gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tung tin dối trá và sai sự thật một cách ác ý; Trung Quốc đã tiến hành đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU. Những cá nhân có liên quan và thành viên gia đình của họ bị cấm vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao; đồng thời các công ty và tổ chức liên quan cũng bị hạn chế qua lại với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, áp đặt biện pháp trừng phạt 10 cá nhân và 2 tổ chức thuộc EU (Ảnh: Đông Phương). |
Những người bị Trung Quốc trừng phạt gồm các thành viên Nghị viện châu Âu: Reinhard Butikofer, Geller, Glucksman, Kuchuk, Lexman, nghị sĩ quốc hội Hà Lan Shefterma, nghị sĩ quốc hội Bỉ Kograti, nghị sĩ quốc hội Litva Sakaliene, học giả Đức Trịnh Quốc Ân (Zheng Guoen), học giả Thụy Điển Diệp Tất Dương (Ye Biyang). 4 thực thể (tổ chức) là Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Châu Âu, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức và Tổ chức Liên minh Dân chủ Đan Mạch cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp đơn phương trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể có liên quan ở Trung Quốc dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch với lý do vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc – Châu Âu. Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi EU ngừng mượn danh "giáo viên nhân quyền", ngừng chơi trò các tiêu chuẩn kép đạo đức giả, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác ở khắp mọi nơi và đừng trượt xa hơn nữa trên con đường sai lầm, nếu không Trung Quốc sẽ có phản ứng kiên quyết hơn nữa.
Tân Cương (Xinjiang) hiện đã trở thành một điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc với các nước phương Tây (Ảnh: UDN). |
Đáng chú ý, sau khi Liên minh châu Âu công bố lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, hôm thứ Hai (22/3), Mỹ, Anh và Canada cũng đã lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.
Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các ông Vương Quân Chính, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương và Trần Minh Quốc, Giám đốc Sở Công an Tân Cương. Ông Gatsky, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: “Chừng nào chính quyền Trung Quốc thực hiện hành vi tàn bạo ở Tân Cương, họ còn phải tiếp tục đối mặt với hậu quả”.
Danh sách các cá nhân và tổ chức Trung Quốc bị trừng phạt của Vương quốc Anh giống như của Liên minh châu Âu.
Cùng ngày Canada cũng theo chân EU, Mỹ và Anh tuyên bố trừng phạt Trung Quốc, danh sách trừng phạt cũng giống như của Liên minh châu Âu. Các Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ, Anh và Canada sau đó đã ra một tuyên bố chung nói rằng sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là có bằng chứng xác đáng và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động liên quan. Australia và New Zealand đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của các đồng minh.
Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada - nơi ra tuyên bố trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương (Ảnh: Đông Phương). |
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Joseph Garneau nói, ông quan ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương, kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác và truy cứu trách nhiệm của các thủ phạm.
Cùng ngày 22/3, các Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand cùng ngày đã lần lượt ra tuyên bố, lên án chính phủ Trung Quốc chà đạp nhân quyền ở Tân Cương.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng Mỹ đã thực hiện các biện pháp trừng phạt trong tình đoàn kết với các đồng minh của mình. Ông Blinken nhấn mạnh trong bản tuyên bố: "Một hội nghị xuyên Đại Tây Dương thống nhất sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới những kẻ vi phạm hoặc chà đạp nhân quyền quốc tế. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các đối tác cùng chí hướng và thực hiện các bước hành động tiếp theo".
Theo Official Journal of the European Union, EU cáo buộc ông Trần Minh Quốc chịu trách nhiệm về "việc bắt giữ và lạm dụng tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác và vi phạm có hệ thống quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ".
Ngoại trưởng Australia Marise Payne (trái) và Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta hôm 22/3 đã ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương (Ảnh: RFI). |
Đồng thời, các Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Canada hôm thứ Hai đã đưa ra một tuyên bố chung nói “bằng chứng về sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm tài liệu của chính phủ Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh và lời khai nhân chứng mang tính áp đảo”. Tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau và vạch trần những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc".
Cùng ngày, các bộ trưởng ngoại giao của New Zealand và Australia đã ra một tuyên bố chung về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nêu rõ hai chính phủ nhắc lại “mối quan ngại nghiêm trọng của họ về việc ngày càng có nhiều báo cáo về những vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và Các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm các hạn chế về tự do tôn giáo, giám sát quy mô lớn, giam giữ người ngoài tư pháp quy mô lớn, lao động cưỡng bức và cưỡng bức kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả triệt sản".
Đáp lại, Trung Quốc khẳng định các hành động được họ thực hiện ở Tân Cương là nhằm loại bỏ tận gốc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Ông Trương Minh (Zhang Ming), đại sứ của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, tuần trước nói rằng các lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Bắc Kinh và cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa.
Trong một diễn biến có liên quan đến quan hệ châu Âu – Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Saye) đã bị triệu đến Bộ Ngoại giao Pháp để nhắc nhở.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã, người gây nên rắc rối ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp (Ảnh Đông Phương). |
Vụ việc bắt đầu bằng việc ông Alain Richard, Chủ tịch Nhóm Những người bạn Đài Loan của Thượng viện Pháp chuẩn bị tổ chức chuyến thăm Đài Loan thì ông Lư Sa Dã, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã gửi tới một bức thư cảnh cáo, làm dấy lên sự bất bình tại Pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, Agnes von der Muhll, hôm thứ Hai (22/3) cho biết ông Lư Sa Dã đã bị triệu tập và chỉ trích ông ta nhiều lần lăng mạ và đe dọa các thành viên quốc hội và các nhà nghiên cứu của Pháp. Tuy nhiên, do “vấn đề sắp xếp lịch trình”, ông Lư thông báo sẽ không thể đến Bộ Ngoại giao Pháp vào thứ Ba (23/3).
Agnes von der Muhll nói rằng “Đại sứ quán của Trung Quốc đại lục tại Pháp trong những ngày gần đây đã công khai xúc phạm công dân địa phương với lời lẽ không thể chấp nhận được. Phía Pháp đề nghị các đại sứ quán tại Pháp nghiêm túc tuân thủ các quy định cơ bản của Công ước Viên về quan hệ ngoại giao về các đại sứ quán nước ngoài”.
Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), từng nói ông không thể chấp nhận được việc Lư Sa Dã gửi thư cảnh báo Thượng nghị sỹ Alain Richard về chuyến thăm Đài Loan và cáo buộc ông Lư can thiệp vào hệ thống dân chủ của Pháp. Việc này làm dấy lên những lời chỉ trích từ Đại sứ quán Trung Quốc đại lục ở Pháp, gọi ông Antoine Bondaz là "kẻ lưu manh".
Một số cơ quan truyền thông Pháp đã coi ông Lư Sa Dã là một nhân vật tiêu biểu cho kiểu "ngoại giao Chiến Lang của Bắc Kinh".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu