“Australia nói họ muốn mở cửa hợp tác với Trung Quốc và tăng cường đối thoại cấp cao, nhưng họ lại nói một đằng làm một kiểu” – Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói – “Những hành động này của phía Australia một lần nữa cho thấy họ không muốn cải thiện quan hệ Trung Quốc-Australia”.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton hôm 22/4 cho hay ngoại giao là vấn đề của chính phủ liên bang, và rằng chính quyền Canberra quan ngại về “chính phủ các nước tham gia vào các thỏa thuận với Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
“Chúng tôi không thể cho phép các kiểu thỏa thuận này, các kiểu giàn xếp và tình hữu nghị này xảy ra, bởi chúng bị lợi dụng vì lý do tuyên truyền, và chúng tôi không muốn cho phép điều đó xảy ra” – ông Dutton nói.
Sáng kiến Vành đai và Con đường – kế hoạch cảu Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại và kết nối – đã tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng lại hứng chỉ trích từ một số nước là ép buộc các nước chủ nhà vào bẫy nợ, một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 21/4 đã hủy 2 thỏa thuận mà bang Victoria từng ký với Trung Quốc, với lý do rằng 2 thỏa thuận này “không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc đi ngược lại các mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi”.
Quốc hội Australia trong tháng 12 năm ngoái đã thông qua một bộ luật quan hệ nước ngoài, cho phép chính phủ liên bang hủy các thỏa thuận quốc tế mà các trường đại học, chính quyền cấp bang và hội đồng địa phương từng ký nếu như các thỏa thuận này bị coi là ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia trong cuối ngày 21/4 đã thể hiện “sự không hài lòng và phản đối” trước “hành động khiêu khích và vô lý” nhằm vào Trung Quốc.
“Điều này càng cho thấy chính phủ Australia không thực lòng muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc” – một phát ngôn viên nói trong tuyên bố - “Hành động này sẽ mang tới tổn hại cho quan hệ song phương và sẽ chỉ gây hại cho bên hành động”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên căng thẳng trong suốt năm 2020, khi Bắc Kinh đánh vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Australia như đại mạch, thịt bò, rượu, tôm hùm và than đá; trong khi Australia kêu gọi tổ chức điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Hàng xuất khẩu Australia tới Trung Quốc đã giảm khoảng 2% trong năm 2020, xuống còn 145,2 tỉ đôla Australia (112,3 tỉ USD), trong khi các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Australia giảm tới 61% trong cùng năm. Trung Quốc mua khoảng 80% tổng lượng quặng sắt xuất khẩu của Australia.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu