TP.HCM vượt trên 22.500 ca bệnh, kịch bản tiếp theo là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện tại, đến hôm nay 16/7, số trường hợp mắc COVID-19 tại TP.HCM đã vượt trên 22.500 ca bệnh, kịch bản tiếp theo là gì?
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia với TP.HCM, đánh giá lại 7 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố - Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia với TP.HCM, đánh giá lại 7 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố - Ảnh: Huyền Mai

Tính từ 19 giờ 30 ngày 15/7 đến 6 giờ ngày 16/7, TP.HCM ghi nhận thêm 1.071 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố (BN41218-BN42288). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, HCDC cho hay, thành phố đã có hơn 22.500 trường hợp mắc COVID-19.

Trong 1.071 trường hợp nhiễm mới vừa được công bố gồm 940 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 131 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Đối phó với tình trạng vẫn tiếp tục lây nhiễm tăng cao, từ hơn 1.000 đến hơn 2.000 BN mỗi ngày, cao nhất là ngày 15/7 với 2.700 bệnh nhân mới, TP.HCM đưa nhiều giải pháp. Mặc dù đã thực hiện cách ly xã hội từ ngày 9/7 tới nay đã được tròn 7 ngày nhưng số bệnh nhân nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm. Ngày hôm nay, TP Thủ Đức khẩn cấp phong toả trên diện rộng hai phường Linh Xuân và Hiệp Bình Phước, là nơi cư trú của hơn 122.000 người dân, vì phát hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng sau đợt test sàng lọc gần nhất.

Phó Chủ tịchUBND TP.HCM Ngô Minh Châu được phân công phụ trách chung Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19
Phó Chủ tịchUBND TP.HCM Ngô Minh Châu được phân công phụ trách chung Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19

Thành phố đã thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND Thành phố để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn gồm 16 thành viên; trong đó, Chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND Thành phố; đồng thời, UBND Thành phố đã thành lập cơ quan thường trực Sở Chỉ huy gồm 6 thành viên do ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố - phụ trách chung. Cơ quan thường trực có trách nhiệm giúp Sở chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ được quy định và các nhiệm vụ khác do chỉ huy trưởng giao; trong đó phân công các thành viên của Sở Chỉ huy luân phiên trực 24/24 để xử lý công việc.

Dưới áp lực của sự gia tăng về số ca nhiễm trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16, trong vòng 3 ngày Thành phố đã tập trung sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư đang trống thuộc Khu tái định cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức (quy mô 24.000 giường) và Trung tâm Hồi sức COVID-19 với cấu trúc hạ tầng hiện đại, có khả năng hỗ trợ hô hấp cùng lúc lên đến 1.000 bệnh nhân.

Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định đã sẵn sàng cho việc ứng phó với số ca nhiễm lớn. Tổng năng lực hiện nay của Thành phố là 39.240 giường, trong đó có 23 bệnh viện điều trị COVID-19 (gồm 9 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị; 13 bệnh viện điều trị; 1 bệnh viện hồi sức). Hiện đang điều trị cho 15.990 bệnh nhân (chiếm 40% tổng năng lực).

Về trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân,… sẽ được ngành Y tế huy động nguồn lực sẵn có từ các bệnh viện TP và sẽ sử dụng các trang thiết bị hiện đại được trang bị cho khoa Hồi sức của BV Ung bướu cơ sở 2. Ngoài ra, sẽ ưu tiên phân bổ các trang thiết bị do Mặt trận Tổ quốc Thành phố chuyển đến từ các nhà tài trợ, cũng như các thiết bị y tế được Bộ Y tế chi viện.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, cơ bản TP đã triển khai nhanh, toàn diện và quyết liệt các biện pháp. Điều này giúp TP đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khiếm khuyết cần khắc phục. Trong đó, cần có phương án cách ly, theo dõi sát F0, F1 ở từng địa phương, có phương án ứng phó nhanh với từng trường hợp. Tăng cường năng lực, khả năng điều trị cấp quận, huyện và TP Thủ Đức để đáp ứng yêu cầu xử lý các ca bệnh nhẹ.

Thành phố đã bước qua ngày thứ 7 của đợt giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. TP cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp - Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp - Ảnh: Huyền Mai

Với mục tiêu tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hoàn toàn dịch bệnh, đưa TP trở về trạng thái bình thường mới, để tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng” còn lại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.

“Các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý các khu cách ly tập trung cấp Thành phố, các khu cách ly cấp huyện siết chặt các giải pháp đồng bộ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định giãn cách trong khu cách ly. Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Tuyệt đối không hình thành các khu cách ly cấp huyện tại các địa điểm không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện thiết yếu như: nhà vệ sinh, phòng tắm, nơi ăn nghỉ, vệ sinh rác thải....” – Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu việc triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly F0 không triệu chứng, F1 tại nhà nhằm giảm áp lực cho ngành Y tế để tập trung các nguồn lực điều trị cho các ca F0 nặng, người có bệnh nền, với mục tiêu giảm thiểu ca tử vong.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng, trong một tuần lễ nữa, nếu như ca mắc trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tăng, tỉ lệ ca bệnh nặng, ca tử vong tăng thì TP cần tập trung đánh giá kỹ, đề ra những quyết sách thực hiện trong tuần lễ tới.