Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM) mới đây lên tiếng về văn bản xử phạt theo chỉ tiêu thành tích đang được cư dân mạng lan truyền chóng mặt.
Theo văn bản đang lan truyền, phường 6 đã thành lập tổ trực hành chính phản ứng nhanh, phân công 2 ca trực sáng và chiều. Tổ này được phân công tổ chức một chốt xử phạt trước cổng cơ quan UBND phường và có nội dung "mỗi ca xử phạt 20 trường hợp".
Bên cạnh đó, tổ tuần tra giám sát các hoạt động có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra địa bàn có nội dung: "Mỗi ca phải phạt 5 trường hợp".
Nói về văn bản này, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp vẫn khẳng định đây chỉ là văn bản phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch của phường. Theo ông An, các chỉ tiêu xử phạt được lực lượng chức năng tham mưu dựa theo tình hình thực tế trên địa bàn?
Tuy nhiên, sự việc đã làm dấy lên những luồng dư luận trái chiều nóng bỏng trong cộng đồng. Việc xử phạt những người không tuân thủ quy định phòng dịch là chính đáng. Nhưng nếu vì phải đạt một chỉ tiêu nào đó, vì bệnh thành tích thì sẽ có tác hại chứ không phát huy tác dụng răn đe, nâng cao ý thức phòng dịch.
Thời gian qua, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra ngoài không có lý do chính đáng đã được tiến hành ở rất nhiều điểm chốt khác nhau trên toàn thành phố.
Văn bản phạt theo chỉ tiêu của UBND phường 6, Gò Vấp được lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh chụp lại màn hình |
Tuy nhiên, cộng đồng mạng cũng lan truyền những video ghi lại cảnh một số người dân đã bị phạt hành chính với mức phạt 2 triệu đồng vì ra đường với lý do không chính đáng, dù đã trình bày là đang chở thực phẩm tiếp tế cho gia đình và nhân viên công ty. Người phụ nữ này còn đồng thời trình đủ giấy tờ, Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn thời hạn nhưng lực lượng chức năng vẫn tiến hành xử phạt vì cho rằng không được phép ra đường lúc thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
"Tôi đi đưa thực phẩm mà anh nói không hợp lý là sao, tôi đi đúng quy trình mà. Tất cả mọi nơi đều khó khăn trong ăn uống. Đi ra đường giá cả vậy sao mua. Bao nhiêu người trong gia đình mình sao mình không lo", người phụ nữ bày tỏ bức xúc, to tiếng với lực lượng chức năng.
Kể cả sau khi đọc biên bản, người phụ nữ vẫn bức xúc chất vấn: "Tôi không dùng biện pháp chống dịch khi nào, không hợp lý. Tôi mang thực phẩm này cần thiết cho nhân viên của tôi ăn, cần thiết cho gia đình của tôi. Trên xe của tôi vẫn có đầy đủ thực phẩm mà anh kêu tôi không thực hiện là không được. Giờ từ tỉnh này qua tỉnh khác yêu cầu có giấy xét nghiệm tôi cũng có giấy mà".
Video đang lan truyền trên mạng về trường hợp người phụ nữ mang thực phẩm cho nhân viên và gia đình vẫn bị phạt 2 triệu đồng |
"Tôi thấy thực phẩm ở dưới đó rẻ thì tôi mua thôi, tôi mua ở vườn. Anh mua cho mình gia đình anh thì khác, anh có vài chục con người ăn thì anh tính như thế nào? Anh trả lời đi"… “Tiền thì không làm ra một đồng. Công ty không có nguồn thu, lương nhân viên vẫn phải trả. Chi phí xét nghiệm 3 ngày một lần, chi phí thực phẩm tăng chóng mặt. Chưa chết vì dịch đã chết vì đói rồi”… Người phụ nữ liên tục bày tỏ bức xúc. Tuy nhiên, sau một hồi đôi co, chị vẫn phải nộp phạt theo quy định.
TP.HCM đang trong ngày thứ 6 thực hiện cách ly xã hội. Dự kiến thành phố sẽ chưa thể sớm kết thúc giãn cách nếu số ca bệnh vẫn tiếp tục tăng cao. Thực phẩm không cung cấp thực sự đầy đủ tới 10 triệu người dân là sự thực, cơ hội để đi mua thực phẩm cũng không nhiều, mua online độ thành công không cao đang là vấn đề thực sự nhức nhối của vùng dịch TP.HCM.