TP.HCM tự đánh giá nguy cơ thế nào trước diễn biến "nóng" của dịch bệnh COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chiều 10/2/2021 (29 Tết Nguyên đán Tân Sửu), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức giao ban với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia tổ chức giao ban với TP.HCM chiều 10-2 (29 Tết Tân Sửu) - Ảnh: TTBC
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia tổ chức giao ban với TP.HCM chiều 10-2 (29 Tết Tân Sửu) - Ảnh: TTBC

Họp nóng chiều 29 Tết

Tham dự tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương. Chủ trì tại điểm cầu TP.HCM có Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.

TP.HCM báo cáo từ ngày 05/02 đến ngày 08/2/2021, thông qua việc xét nghiệm giám sát chủ động cho hơn 8.000 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 8 trường hợp mắc COVID-19. Ngoài ra khi tiếp tục xét nghiệm kiểm tra cho người tiếp xúc với các ca bệnh và ca nghi ngờ mắc bệnh đã phát hiện thêm 25 người dương tính với Covid-19.

Tổng cộng đã xác định 33 trường hợp mắc Covid-19; các trường hợp này liên quan chủ yếu nhân viên đội bốc xếp của Công ty VIAGS, các bộ phận liên quan như giám sát hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất và người nhà của nhân viên các bộ phận này,

Tổng số đã điều tra, lấy mẫu xét nghiệm 1194 trường hợp F1, trong đó: âm tính 1189, còn 05 ca mới xác định tiếp xúc đang chờ kết quả; F2: 1150 trường hợp, trong đó: âm tính 1090, còn 60 ca mới xác định tiếp xúc đang chờ kết quả; Rà soát cộng đồng: 6.514 trường hợp; âm tính: 5.124, còn 1.390 trường hợp mới khoanh vùng đang chờ kết quả.

Tổng số cách ly: tập trung 1194 người, tại nhà 1150 người, điều trị 33 trường hợp

TP.HCM đã nhanh chóng truy vết các ca lây nhiễm F1, F2, khoanh vùng dịch tễ, xét nghiệm (RT–PCR) và có kết quả trong 24 giờ. Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 33 địa điểm có ổ dịch trong cộng đồng đề xử lý tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm cho người tiếp xúc.

Xét nghiệm toàn bộ 1.932 nhân viên y tế của BV 175, đã có kết quả âm tính. Ngành y tế phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam kiểm tra lại hoạt động trong sân bay Tân Sơn Nhất để đánh giá các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, có biện pháp chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chuyển ngay 30.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP.HCM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chuyển ngay 30.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP.HCM

Xét nghiệm lại lần 2 của toàn bộ 1622 nhân viên bốc xếp công ty VIAGS trong ngày 08/02, qua đó phát hiện 01 trường hợp dương tính (đang chờ Bộ Y tế công bố).

Xét nghiệm các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24h, có kết quả âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau: trong ngày 09/2 có 900 nhân viên được xét nghiệm trước khi đi làm vào ngày 10/02, tất cả kết quả âm tính.

Triển khai thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho toàn bộ người nhà của nhân viên công ty Viags: đến 10 giờ 30 ngày 10/02 đã tiếp cận 926/1569 hộ gia đình (bao gồm 2.836 người).

Xét nghiệm tầm soát cho 99 bệnh nhân đến khám tại BV 175 trong cùng khung giờ với BN 1979 (ngày 03/2 và ngày 05/2), tất cả kết quả đều âm tính. Sẽ tiếp tục triển khai xét nghiệm kiểm tra cho những BN từng đến BV 175 trong cả ngày 03/02 và ngày 05/02.

Tiếp tục lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ người nhà của nhân viên công ty VIAGS để có cơ sở đánh giá các yếu tố nguy cơ: nguồn lây, thời điểm khởi đầu…

Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho toàn bộ nhân viên thuộc đội bốc xếp của Công ty VIAGS vì đây là nhóm nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19: thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đi làm, nếu kết quả âm tính mới được đến sân bay làm việc vào ngày hôm sau.

Đầu cầu TP.HCM với sự tham dự của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Đầu cầu TP.HCM với sự tham dự của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống Y tế Thành phố và phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố tập trung cho công tác chống dịch:

Tiếp tục khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh COVID-19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan.

Sẵn sàng triển khai kế hoạch đã xây dựng của ngành y tế về đảm bảo điều trị trong trường hợp có 50 – 100 người bệnh; Chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân:

Tăng cường năng lực lấy mẫu và năng lực xét nghiệm để tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, vừa đáp ứng yêu cầu khoanh vùng dập dịch vừa giám sát, sàng lọc các nhóm nguy cơ.

Sở Y tế báo cáo đã dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu đơn trong 24H (nếu thực hiện mẫu gộp 5 có thể nâng công suất lên 120.000 – 150.000 mẫu/ngày)

Tập huấn và xây dựng lực lượng lấy mẫu: tất cả bệnh viện công lập (5 đội/BV) và Trung tâm Y tế (3 đội/ĐV) đều tham gia, đảm bảo công suất lấy mẫu 100.000 mẫu/ngày; khi cần thiết nâng lên 200.000 mẫu/ngày

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngành y tế phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động trong sân bay để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tái tập huấn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với nhân viên sân bay.

Nhân viên làm việc tại sân bay ở các khâu có tiếp xúc hành khách tiếp tục được xét nghiệm trong vòng 24 giờ trước khi đi làm ngày hôm sau.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh- Chí Hùng
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh- Chí Hùng

Hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay, chủ yếu cung cấp thức ăn nhanh mang đi

TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng phương án mở khu cách ly tập trung ở các cơ sở từng tổ chức cách ly tập trung trước đây như Đại học Quốc gia, Đại học HUFLIT (công suất khoảng 10.000-15.000 giường).

Lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị với Chính phủ sớm cung cấp cho TP.HCM đầu mối cung ứng bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên đang để TP.HCM sử dụng trong công tác khoanh vùng dập dịch tại Thành phố (dự kiến khoảng 30.000 mẫu test).

Yêu cầu chuyển ngay 30.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên

Sau khi nghe báo cáo nhanh của TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số nội dung: “Bộ Y tế cần ưu tiên đáp ứng ngay các vật tư y tế theo đề nghị của TP. HCM để đáp ứng nhanh cho công tác chống dịch vì đây là địa bàn rộng, dân số đông. Trước mắt cung cấp 30.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP.HCM”.

“Hiện ngành y tế đã có tầm soát dịch bệnh diện rộng ở mức tương đối tốt nhưng chưa hết. Từ kinh nghiệm Đông Triều, Quảng Ninh cho thấy, TP.HCM cần chú ý lấy mẫu xét nghiệm ở những bến tàu, bến xe, quán cà phê để kiểm soát, đánh giá tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng” – Phó Thủ tướng nói.

Nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham gia cuộc họp - Ảnh- Trung tâm báo chí TP.HCM
Nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham gia cuộc họp - Ảnh- Trung tâm báo chí TP.HCM

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có một số ý kiến tại cuộc họp: “So với mức độ, cường độ lây nhiễm tính trên 1 triệu dân thì TP. HCM chưa tới mức cảnh báo đỏ mà WHO quy định là 10 người/1 triệu dân. Ví dụ: so với số người đang điều trị Hải Dương có tỷ số là 175 người/ 1 triệu dân, gấp 34 lần so với TP.HCM hiện là 5,1 người/1 triệu dân. Tương tự như vậy, Quảng Ninh 46,4 người/1 triệu dân cũng gấp 9 lần so với TPHCM. Với kinh nghiệm và cách làm triệt để như vừa qua, cùng với sự đồng lòng của người dân Thành phố, chịu vất vả từ 2-4 tuần, chúng ta có thể kiểm soát được sự phát triển, lây lan của virus”.

Đại diện UBND TP.HCM hứa sẽ công bố một kế hoạch 4 tuần áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khắt khe, trong đó toàn hệ thống chính trị, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng vào cuộc.