Không ủng hộ thuốc trôi nổi
Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước tình hình số ca F0 trên địa bàn tiếp tục tăng cao, nhiều ca nhập viện, số ca phải thở máy cũng đang tăng lên; cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron - có khả năng lây lan nhanh; lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị COVID-19, nhiều người chào bán các loại thuốc kháng virus trôi nổi, không rõ nguồn gốc với giá khá cao.
Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tình trạng buôn bán, kinh doanh trái phép các loại thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành. Sở Y tế thừa nhận trên thị trường đang có tình trạng nhiều nhà thuốc sẵn sàng tư vấn mua liệu trình 5 ngày, 7 ngày điều trị cho người bệnh chỉ qua nghe kể triệu chứng.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế TP.HCM và các lực lượng chống dịch đồng loạt lên tiếng cảnh báo các loại thuốc này có thể gây hậu quả nghiêm trọng với người sử dụng.
Chiều ngày 1/12, Sở Y tế đã có văn bản khẩn, yêu cầu phòng y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường tiếp nhận thông tin về việc kinh doanh các thuốc kháng virus trôi nổi trên địa bàn quản lý. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm, nếu có.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS-BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu |
Trao đổi về vấn đề này, TS-BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, Sở đã thành lập 8 đoàn kiểm tra việc cấp các gói thuốc A, B, C để điều trị cho F0 tại nhà.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế và Công an TP.HCM đang phối hợp tìm hiểu, điều tra, xử lý tình trạng trên các trang mạng xã hội, như Facebook, Zalo… có nhiều người công khai rao bán thuốc điều trị Molnupiravir loại hàng xách tay từ Ấn Độ.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, những F0 điều trị tại nhà đã được thành phố trang bị các túi thuốc A, B, C. Trong đó, túi thuốc C (Molnupiravir) đang thử nghiệm, chờ cấp giấy đăng ký, chưa bán ra ngoài thị trường. Bà Phong Lan cho rằng người dân không nên có tâm lý mua để dự trữ khi cần. Bởi hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc cũng đồng nghĩa với việc chuốc lấy nguy cơ cho sức khoẻ.
Thanh tra Sở Y tế và Công an TP.HCM sẽ điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tình nguyện viên trao tặng thuốc cho F0 với nguyên tắc không tiếp xúc. Ảnh: HCDC |
Chủ động giám sát biến chủng Omicron
Những ngày gần đây, khi mà thế giới đang bước vào năm thứ 3 của đại dịch COVID-19, sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở Nam Phi đã mang lại cho toàn cầu nhiều nỗi lo về một làn sóng COVID-19 mới.
Giải mã gene SARS-CoV-2 đã trở thành công cụ đắc lực đối với chương trình ứng phó đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, giúp phát hiện sớm biến chủng qua đó định hướng tốt hơn các hướng đi của biện pháp dự phòng, truy vết cách ly cũng như việc phát triển vaccine và các phương thức điều trị hiệu quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, thực hiện giám sát tình hình biến chủng SARS-CoV-2 gây dịch trên địa bàn TP.HCM, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của SARS-CoV-2 từ đầu mùa dịch đến nay, hiện nay tập trung giám sát biến chủng Omicron.
Bên cạnh đó, Sở Y Tế TP.HCM đang xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh của HCDC, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gen để sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh COVID-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu