TPHCM: Hơn 12.000 bệnh nhân, dự báo thêm 10.000 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đầu tuần, hôm 5/7 TP.HCM có hơn 6.000 ca bệnh, cuối tuần, TP.HCM có hơn 12.000 ca bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch dự kiến, TP.HCM có thể thêm 10.000 ca mắc trong 5 ngày tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tiền Phong
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tiền Phong

Tính hết ngày 10/7, có 11.934 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 11.683 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh. Tính từ 18 giờ ngày 10/7 đến 6 giờ ngày 11/7, TPHCM ghi nhận thêm 443 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 11/7 (BN27997-BN28439). Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có hơn 12.377 trường hợp mắc COVID-19.

Dự báo có thể thêm 10.000 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày tới được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của TP.HCM với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo ông Sơn, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. “Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại TP.HCM có thể lên tới 10.000 người” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000 - 25.000 mẫu/ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Thắng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Thắng

Báo cáo tại cuộc họp, Sở Y tế cho hay, TP.HCM hiện đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và 6.500 giường tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, trong đó có 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Thực hiện Nghị quyết về chế độ đặc thù để phục vụ công tác chống dịch, từ ngày 6/7 đến nay, thành phố đã triển khai với 31.525 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số. “So với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ này còn thấp, chỉ khoảng 14%. Thành phố đã đề nghị các quận, huyện triển khai nhanh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, quận 7, quận 1, thành phố Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách thay vì chờ đợi ngân sách thành phố đưa về, kịp thời hỗ trợ người dân”, ông Phong nói.

Thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ; ngoài ra, TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tái lập 157 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Thực hiện công điện của Bộ Giao thông vận tải (người điều khiển, người phục vụ trên các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh thành và ngược lại, bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực), riêng ngày 9/7, một số tuyến đường tại khu vực cửa ngõ ra vào Thành phố xảy ra ùn tắc giao thông do nhiều người không đáp ứng được yêu cầu này.

TP.HCM đã có công văn gửi các tỉnh Đông Nam bộ tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia trong thời gian giãn cách xã hội; đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng thiết yếu, xe chở người lao động… để cấp giấy nhận diện phương tiện.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTBC
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Sở chỉ huy phòng, chống dịch được thành lập, trực 24/24 giờ để nhanh chóng xử lý diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có tên “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” được phát động, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện và tách ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam”, tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.

Trước thực trạng người dân chưa có ý thức cao trong việc chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg, vẫn còn tình trạng ra ngoài khi chưa cần thiết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị, các quận, huyện cân nhắc phương án thiết lập, vận hành chốt kiểm soát tại vị trí cửa ngõ địa phương, kết hợp tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, TP.HCM sẽ kiểm soát được tình hình.